Người Việt và nỗi lo kỹ năng mềm trong thời đại 4.0

25/09/2018 16:23

Với xu thế toàn cầu hóa cùng sự xuất hiện của kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc thiếu hụt kỹ năng mềm là một trong những lý do khiến nguồn nhân lực tại Việt Nam đang dần trở nên tụt hậu so với các quốc gia trên thế giới.

Kĩ năng mềm là một trong những yếu điểm lớn của nhân sự Việt Nam
Kĩ năng mềm là một trong những yếu điểm lớn của nhân sự Việt Nam)

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào với tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I năm 2018 là 48,4 triệu người. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt mức 3,79/10 điểm, xếp hạng thứ 11 trên 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91/10 điểm, Ấn Độ đạt 5,76/10 điểm, Malaysia đạt 5.59/10 điểm.

Hệ thống giáo dục các cấp bậc từ đại học thiếu chất lượng và chưa có sự đổi mới, dẫn đến việc sinh viên trong trường không được đào tạo những kỹ năng mềm cơ bản dành cho công việc. Sau các kỳ thực tập, đa số doanh nghiệp đều nhận xét sinh viên còn thiếu các kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh, làm việc nhóm…

Không thể làm việc theo nhóm

Ở các bậc học, đa phần chương trình đào tạo chỉ mang tính lý thuyết và không có sự thực tiễn. Từ đó, gây ra tình trạng số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành cũng như các kỹ năng mềm cần thiết. Từ đó, không thể thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp.

Một trong những kỹ năng làm việc vô cùng quan trọng là kỹ năng làm việc nhóm. Đây là cách nhiều người cùng kết hợp những ưu điểm của mình để hoàn thành một công việc nhanh và hiệu quả nhất. Để công việc của nhóm đạt kết quả cao nhất, các thành viên phải có kỹ năng làm việc nhóm thuần thục.

Tuy vậy, phần lớn người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa thuần thục, thậm chí không biết cách làm việc theo nhóm. Đồng nghĩa với hiệu quả công việc không đạt được chất lượng cao. Người lao động thường xuyên bị quá tải khi không nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp.

Tiếng Anh vẫn là rào cản lớn

Theo một khảo sát trên 350 doanh nghiệp của trang JobStreet, Cổng thông tin tuyển dụng hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương, ghi nhận: Chỉ 7,07% sinh viên được đánh giá tiếng Anh tốt, 52,19% khá, 40% còn lại chỉ thành thạo đọc và viết chứ chưa thể giao tiếp.

Người lao động Việt Nam tự đánh mất cơ hội việc làm vì thiếu kỹ năng mềm
Người lao động Việt Nam tự đánh mất cơ hội việc làm vì thiếu kỹ năng mềm)

Dù đứng thứ hai về lượng người sử dụng sau tiếng Trung Quốc, Anh ngữ vẫn là thứ tiếng chúng ta có thể dùng trên diện rộng nhất, tại nhiều quốc gia nhất. Biết thêm ngoại ngữ là bằng chứng chứng minh sức mạnh trí tuệ của một ứng viên. Nó cho nhà tuyển dụng thấy rằng ứng viên đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để sẵn sàng cho một công việc mới.

Nhiều sinh viên Việt Nam mới ra trường bị nhà tuyển dụng từ chối không phải do năng lực chuyên môn yếu kém mà chỉ vì thiếu ngoại ngữ. Thậm chí, Một số công chức đang làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng đánh mất cơ hội thăng tiến vì kém ngoại ngữ. Ngay cả nhiều bậc quản lý cũng phải tạm gác công tác quản lý để đi học kỹ năng mềm, đặc biệt là tiếng Anh tại chức.

Thiếu kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp tốt là một thế mạnh đối với bất cứ ai trong công việc. Giao tiếp là phương tiện cho phép người lao động xây dựng cầu nối với đồng nghiệp, thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến và bày tỏ được nhu cầu của bản thân mình.

Tuy vậy, phần lớn người lao động Việt Nam hiện nay không coi trọng kỹ năng này. Có thể lấy ví dụ: rất nhiều người có thói quen chỉ nghe những điều mình thích, mình vui, mình quan tâm và không thích lắng nghe những điều mang tính chất chia sẻ cá nhân của người nói. Từ đó có hiện tượng cướp lời người khác, cắt ngang lời người khác, nói thao thao bất tuyệt mà không để ý đến tâm trạng, thái độ của người nghe.

Ngoài ra, một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được đào tạo về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện giờ giấc và hành vi, Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng chế và chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến năng suất lao động tại Việt Nam được đánh giá rất thấp so với các quốc gia khác.

Một trong những doanh nghiệp cung cấp giải pháp đào tạo nhân lực tại Việt Nam đã hợp tác cùng Tập đoàn hàng đầu của Mỹ - Skillsoft nhằm nâng cao chất lượng nhân lực
Một trong những doanh nghiệp cung cấp giải pháp đào tạo nhân lực tại Việt Nam đã hợp tác cùng Tập đoàn hàng đầu của Mỹ - Skillsoft nhằm nâng cao chất lượng nhân lực)

Đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, thế giới phẳng cùng những Tập đoàn đa quốc gia sẽ, bên cạnh những chính sách đúng đắn kịp thời từ chính phủ, việc ứng dụng những giải pháp giáo dục, đào tạo hiện đại và hiệu quả từ những đơn vị cung cấp giải pháp đào tạo nhân lực là điều cần thiết nhằm cải thiện nguồn nhân lực để theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới. Hướng đến có một nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

PV

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt và nỗi lo kỹ năng mềm trong thời đại 4.0" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin