Nghị quyết 55 tạo nền tảng cho thị trường năng lượng phát triển bền vững

24/07/2020 09:00

Với cơ chế mở trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Việt Nam kỳ vọng sẽ không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong 50 năm tới, mà còn kêu gọi được sự tham gia mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân và thu hút thêm nguồn vốn tỉ đô la từ các thị trường quốc tế đổ vào vào thị trường năng lượng được cải thiện theo hướng cạnh tranh và minh bạch hơn của Việt Nam.

Tầm nhìn thế kỷ

Đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vào đời sống là một mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong gần nửa thế kỷ tới đây, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của ngành năng lượng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Nghị định 55 khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Ảnh: MT

Nghị quyết 55 đã được Bộ Chính trị thông qua vào ngày 11-2 vừa qua, mang nhiều đột phá và tư duy mới trong phát triển năng lượng quốc gia, bao gồm ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bền vững, cũng như khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển thị trường năng lượng quốc gia.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 tại Hà Nội sáng 22-7, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh việc phát triển năng lượng là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Theo Phó Thủ tướngTrịnh Đình Dũng, ngành năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế số và đảm bảo quốc phòng an ninh của bất kỳ quốc gia nào. Ngành năng lượng cũng là nền tảng hạ tầng để phát triển của mỗi quốc gia.

Ngành năng lượng Việt Nam tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, đáp ứng các nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là nhiệt năng cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, nhưng ngành này cũng đang đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cùng các tồn tại hạn chế cần phải được khắc phục, phải giải quyết trong thời gian tới.

Điển hình như thách thức nguồn nhiên liệu sơ cấp gồm than đá đang ngày càng giảm, dẫn đến yêu cầu nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp, làm giảm khả năng tự chủ của Việt Nam, tăng phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.

Cùng với đó là các thách thức về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam như nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là những dự án nguồn điện, nguồn nhiệt. Các dự án nguồn nhiệt than vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những quan ngại về vấn đề môi trường, thiếu vốn, ngay cả những dự án đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc tự chủ vốn. Trong khi đó, thị trường điện vẫn cạnh tranh chưa đồng bộ, chính sách giá bất cập, công tác bảo về môi trường trên nhiều nơi còn chưa được quan tâm và gây bức xúc xã hội.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, trong 5 năm tới đây, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000 MW công suất điện nguồn, với tổng chi phí xấp xỉ 7-10 tỉ đô la mỗi năm.

Kinh tế tư nhân đóng vai trò trọng yếu

Một trọng những đột phá của Nghị định 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Và đối với khối kinh tế tư nhân, đây là một đòn bẩy giúp họ tham gia sâu rộng hơn vào đầu tư phát triển thị trường năng lượng tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, Nghị quyết 55 cho phép các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng đã khiến khối doanh nghiệp tư nhân thật sự vui mừng và đón nhận. Ông Tiến đánh giá đây là sự khẳng định rất mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ khi không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực, qua đó tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

Tuy nhiên ông Tiến cũng nhấn mạnh việc cần xây dựng một cơ chế cụ thể, nhằm hiện thực hóa chỉ đạo này của Bộ Chính trị. “Những doanh nghiệp tư nhân như Trung Nam chúng tôi rất mong chờ những cơ chế cụ thể, tạo ra một hành lang pháp lý, để triển khai, cùng đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư phát triển năng lượng”.

Theo chia sẻ của ông Tiến, dự kiến từ nay đến 2030, Trung Nam sẽ đầu tư khoảng 10.000 MW cho năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió, trong đó sẽ hướng đến năng lượng điện gió nhiều hơn vì tính ổn định của điện gió rất cao, nhất là điện gió ngoài khơi.

“Trong 10.000 MW này, chúng tôi sẽ đầu tư vào truyền tải cáp điện áp 220 - 500 KV, đồng thời, nghiên cứu đến việc cấp điện áp cao hơn để có thể truyền tải trên một lĩnh vực rộng hơn. Tôi tin rằng, Chính phủ cũng sẽ ủng hộ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính vì thế, vừa rồi, trong Quan hệ đối tác công - tư (PPP) cũng thể hiện rõ trong việc cho tư nhân làm PPP vào truyền tải điện và các ngành năng lượng”, ông Tiến nhận định.

Cơ hội thu hút vốn vào thị trường năng lượng tái tạo

Trong khuôn khổ của diễn đàn, 5 hoạt động ký kết đầu tư giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, khu vực cũng như thế giới đã diễn ra. Và sau diễn đàn, Việt Nam hy vọng sẽ có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường năng lượng với cơ chế cạnh tranh và minh bạch như hiện nay.

Một trong 5 bản ghi nhớ ký kết phải kể đến hợp tác có giá trị lên tới 10 tỉ đô la giữa Tập đoàn Copenhagen Infrashtructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy với tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận tại đây. Với công suất tiềm năng lên đến 3,5GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra còn có dự án nhà máy điện khí LNG Chân Mây với tổng số tiền đầu tư khoản 6 tỉ đô la. Đây là dự án đã được đầu tư và phát triển bởi Công ty cổ phần Chân Mây LNG tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng công suất thiết kế 4.000MW, dự kiến khởi công vào quí 1, năm 2020 và vận hành thương mại giai đoạn I vào năm 2024 như một Nhà máy sản xuất điện tư nhân (IPP) với vốn chủ sở hữu cụ thể: 60% Mỹ và 40% Việt Nam. Khi đưa vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình hằng năm từ 24 đến 25kWh.

Các dự án còn lại bao gồm dự án điện khí tại Cà Ná - tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư khoảng 3,85 tỉ đô la, dự án năng lượng Bamboo Capital hợp tác giữa TPBank và Bamboo Capital với số vốn tài trợ lên tới 11.000 tỉ đồng (khoảng 479 triệu đô la) – trong đó 8.000 tỉ đồng sẽ đổ và các dự án điện gió, 3.000 tỉ đồng rót cho dự án điện mặt trời ở Bình Định và 1.000 tỉ đồng còn lại cho các dự án điện mặt trời khác.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/nghi-quyet-55-tao-nen-tang-cho-thi-truong-nang-luong-phat-trien-ben-vung.html

Bạn đang đọc bài viết "Nghị quyết 55 tạo nền tảng cho thị trường năng lượng phát triển bền vững" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin