Ngày 31/10: Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

31/10/2022 12:05

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội dành cả ngày 31/10 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

quoc-hoi-1667184119-1667193766.jpg
 

Ảnh minh họa

Theo đó, tại Phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đây là cuộc giám sát có quy mô rộng, kết quả giám sát được phản ánh tại bộ tài liệu 1.685 trang.

Sau khi các đại biểu xem báo cáo bằng hình ảnh (video) về kết quả giám sát, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí.

Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,... rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng (Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; TP.HCM cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá)...

Tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Để xây dựng dự thảo báo cáo, Đoàn giám sát chuyên đề đã ban hành Kế hoạch giám sát, xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo chuyên đề giám sát; phân công các thành viên, tổ công tác phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị để chuẩn bị các báo cáo, làm việc trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, 15 địa phương.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 4 lần cho ý kiến đối với báo cáo của các cơ quan về lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp dự buổi làm việc của Đoàn Giám sát với một số bộ, ngành, địa phương.

Một số lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát này là: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách; công tác tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm và 5 năm; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông; công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.

Tới nay, các bộ, ngành, địa phương đã gửi đủ các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Quá trình giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu.

Bước đầu, hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Qua công tác giám sát đã giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát và giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay.

Bạn đang đọc bài viết "Ngày 31/10: Quốc hội thảo luận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin