Ngăn chặn tội phạm chứng khoán: Những kiến nghị từ chuyên gia pháp lý

(Pháp lý) - Thị trường chứng khoán hiện nay đang đi theo hướng ngày càng phát triển hơn về sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ. Điều này cũng kéo theo khả năng những hành vi vi phạm mới sẽ diễn biến phức tạp, tinh vi hơn… Do đó, “cây gậy” pháp lý để xử lý sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán cần sắc bén hơn.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho UBCK chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho UBCK chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm)

Dự kiến, tháng 10.2019 Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật chứng khoán sửa đổi. Theo đó, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ gắn việc IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) của doanh nghiệp nhà nước quy định phải niêm yết luôn, tránh tình trạng có nhiều doanh nghiệp IPO một thời gian không niêm yết đã tạo ra sự không minh bạch trong hoạt động trong thời gian qua.

Bên cạnh những điểm sửa đổi, bổ sung mới ưu việt, cũng có một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm trên TTCK.

Bởi, thực tế, vẫn còn nhiều hạn chế đối với cơ quan này trong xác minh thông tin tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, yêu cầu các đối tượng nghi vấn hợp tác để làm rõ vi phạm hay tình trạng thao túng chứng khoán, dùng hàng loạt tài khoản để mua bán, tạo cung - cầu giả trên thị trường vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Giải pháp ngăn chặn tội phạm chứng khoán

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch SBLAW), việc thao túng chứng khoán là một vấn đề nhức nhối hiện nay, song để kết luận, chứng minh việc tổ chức/cá nhân thao túng hay không mất rất nhiều thời gian.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW trao đổi với PV Pháp lý)

“Nếu sai phạm nhẹ, Thanh tra Chứng khoán, Thanh tra Tài chính sẽ vào cuộc, nặng hơn thì phải nhờ cơ quan điều tra thì mới biết được có dấu hiệu thao túng hay không. Còn, UBCK Nhà nước chỉ là cơ quan quản lý”, ông Hà nói.

Để chống lại vi phạm chứng khoán và tội phạm chứng khoán sau những bất cập nêu trên, vị Luật sư cho rằng: nên mở rộng thẩm quyền của UBCK Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý, tập hợp những cơ quan chuyên môn, những người có hiểu biết sâu trong vấn đề này.

Theo đó, mở rộng thẩm quyền của UBCK Nhà nước sẽ tạo điều kiện để việc truy xét, cung cấp chứng cứ và đưa ra kết luận về vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ nhanh chóng hơn.

Ông Hà cũng nhận định, nếu nâng cao vai trò của Uỷ ban trong việc chống lại các vi phạm chứng khoán thì chắc chắn sẽ không có các hành vi trục lợi bằng cách làm giá chứng khoán hoặc hành vi bán khống,… Như vậy, việc nâng cao vai trò của UBCK trong việc tăng thẩm quyền cho Ủy ban này điều tra các vi phạm về chứng khoán là rất quan trọng.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật Basico) cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi chưa xác lập rõ vai trò của UBCK Nhà nước.

Cụ thể, theo quy chế hiện hành, những văn bản hướng dẫn các quy định trật tự trên thị trường chứng khoán về nguyên tắc vẫn cần phải được Bộ Tài chính ban hành, bởi UBCK Nhà nước chỉ hướng dẫn sơ bộ. Nếu xét cùng pháp quy, các văn bản UBCK Nhà nước hiệu lực pháp quy không rõ rệt.

Ông Hải dẫn chứng, UBCK Nhà nước là cơ quan thường nhận ra các vấn đề của thị trường cần có điều tiết nhanh. Trong khi đó, thị trường chứng khoán có tính sáng tạo và năng động hơn hẳn các thị trường khác, nhưng mỗi lần UBCK ra văn bản hướng dẫn thì phải “vòng” qua Bộ Tài chính,…

“Thực tế, các quy định vẫn lửng lơ trên thị trường chứng khoán. Trong khi thị trường hiện nay đang cần rất nhiều quy định mà hiện nay chưa xử lý được”.

Do đó, Luật sư Hải cho rằng Luật Chứng khoán sửa đổi chưa thể giải quyết được những tồn tại hiện nay, do Luật này vẫn đang phải tuỳ thuộc vào hệ thống các quy định khác.

Đối với các hành vi tội phạm trên thị trường chứng khoán, Luật sư Hải cho rằng: chế tài quan trọng nhất là phải làm rõ được mức phạt để tội phạm chùn tay, mà quan trọng hơn là phải truy thu những khoản lợi bất chính. Đây là chế tài tưởng chừng như đơn giản, nhưng khá hữu hiệu trong việc hạn chế các vi phạm liên quan tới chứng khoán.

Cần tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán

Liên quan đến xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán sửa đổi hiện đang đề xuất phạt gấp 10 lần khoản thu phi pháp với các hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ… với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân.

Đồng thời, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, mức phạt nêu trên đã được cân nhắc bởi mức phạt vi phạm hành chính không thể quá quy định trong Luật xử phạt vi phạm hành chính.

“Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định tối đa phạt một tổ chức 500.000.000 đồng và 250.000.000 đồng đối với cá nhân. Có thể trong những lĩnh vực chuyên môn quy định mức cao hơn nhưng vẫn giới hạn tỷ lệ theo Luật xử phạt vi phạm hành chính. Tôi nghĩ, mức xử phạt thấp hay cao phải sửa từ Luật xử phạt vi phạm hành chính bởi khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực thì mức xử phạt cũng sẽ không thể cao hơn Luật xử phạt vi phạm hành chính”, ông Hà phân tích.

Luật sư Hà cũng bày tỏ lo ngại, sẽ có nhiều tổ chức chấp nhận nộp phạt với số tiền 3.000.000.000 đồng theo Luật khi họ nhìn thấy cơ hội để thao túng lớn, làm giá tốt và trục lợi nhiều lần hơn số tiền phạt xử lý vi phạm. Do đó, giữa Luật Chứng khoán và Luật Xử phạt vi phạm hành chính cần tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong cách xử lý vi phạm.

Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật Basico) trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật Basico) trao đổi với PV Pháp lý)

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hải nhận định, đặc thù của các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là giá trị của các giao dịch khi bị phát hiện thường cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực kinh tế khác. Với chế tài xử phạt như dự thảo, đối tượng vi phạm vẫn sẵn sàng chịu phạt để đổi lại thu được mối lợi lớn.

Do đó, cùng với tăng chế tài xử phạt về hành chính, Luật sư Hải nhấn mạnh cần tăng cường áp dụng các chế tài hình sự thông qua điều chỉnh lại cách xử phạt.

Ði kèm với chế tài xử phạt mới được thiết kế theo hướng tăng nặng, Luật Chứng khoán sửa đổi cần có biện pháp khả thi, hiệu quả trong tính toán, xác minh, để làm cơ sở tịch thu toàn bộ những khoản thu lợi bất chính do vi phạm mà có.

“Chúng ta có thể căn cứ chính vào Luật Xử lý vi phạm hành chính để đưa ra việc xử phạt dựa trên giá trị sai phạm. Chỉ cần đưa ra mức phạt tiền dựa trên giá trị sai phạm, thì số tiền phạt sẽ lớn hơn nhiều việc phạt tiền trực tiếp cho hành vi. Ví dụ với mức phạt tiền trực tiếp cho hành vi, trần giới hạn khoảng 2 tỷ đồng, nhưng nếu phạt gấp 5 lần giá trị sai phạm như 20 tỷ đồng chẳng hạn, thì số tiền phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Ðiều này vẫn bảo đảm đúng luật”, ông Hải phân tích.

Thứ hai, để các chế tài mới phát huy hiệu quả trên thực tế, theo ông Hải, giải pháp quan trọng nhất là cần tăng thẩm quyền cho UBCK trong xác minh các hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng cơ quan này đang bị hạn chế vai trò. Theo đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần đảm bảo cho cơ quan này chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm.

Nguyễn Hòa

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin