Năm 2020 rộng mở cơ hội hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

06/01/2020 09:37

(Pháp lý) - Năm 2019 tiếp tục ghi dấu ấn thành công ngoại giao đa phương, qua những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước. Đi liền với những chuyến công tác đó đã mang lại nhiều cơ hội hợp tác đầu tư song phương vào năm 2020 cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Rộng mở cơ hội hợp tác đầu tư song phương

1. Nhìn từ góc độ cơ hội đầu tư xuyên suốt trong năm 2019, có thể nói nổi bật và thành công nhất trong số các chuyến đi công tác ngoại giao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đó là chuyến thăm chính thức tại Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân, diễn ra trong 2 ngày (27 – 28/11). Báo chí Việt Nam gọi đây là chuyến công tác “3 trong 1”, dẫn vốn đầu tư mới của Thủ tướng. Sau gần 3 thập kỷ thiết lập quan hệ, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đứng thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, là địa bàn đầu tư và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc và là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch ASEAN - Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian để tiếp xúc và gặp gỡ các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc về các lĩnh vực công nghiệp, tài chính ngân hàng, dịch vụ, hạ tầng thông qua các cuộc tọa đàm trực tiếp và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Thủ tướng đã chứng kiến hai bên trao các bản ghi nhớ hợp tác, giấy chứng nhận đầu tư với 33 dự án có tổng số vốn gần 20 tỷ USD. Trước hơn 700 doanh nghiệp dự Diễn đàn, Thủ tướng phát đi thông điệp của Chính phủ Việt Nam: Nếu Hàn Quốc có “kỳ tích sông Hàn” vĩ đại thì Việt Nam cũng mong mỏi “các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ có một kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác với Việt Nam”. Thủ tướng bày tỏ ít có doanh nhân nước nào lợi thế bằng các nhà đầu tư Hàn Quốc về sự tương đồng văn hóa, sự đồng cảm của người Việt Nam đối với Hàn Quốc. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ hợp tác với Hàn Quốc, phát huy những thế mạnh về văn hóa để đầu tư kinh doanh thành công và trở nên giàu có hơn tại Việt Nam như Samsung, LG, Huyndai, KIA, Lotte…

Hợp tác kinh tế là trụ cột và động lực cho sự phát triển chung của quan hệ song phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Moon Jae-in đồng nhất trí nhấn mạnh và đồng quyết tâm nỗ lực đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, Hàn Quốc sẽ xem xét tích cực mở cửa nhập khẩu các loại nông sản, hoa quả của Việt Nam. Triển khai hiệu quả khoản viện trợ phát triển chính thức đã cam kết trong giai đoạn 2016-2020 với trị giá 1,5 tỷ USD. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến ký kết một số văn kiện hợp tác gồm Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và đào tạo thuyền viên, hợp tác ngân hàng phát triển…

[caption id="attachment_215875" align="aligncenter" width="410"] Với 30 hoạt động song phương và đa phương tham dự hai hội nghị cấp cao và thăm chính thức Hàn Quốc, chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo động lực cho một “kỳ tích mới” trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, góp phần đưa quan hệ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới. (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong chuyến thăm từ ngày 27 – 28/11/2019)
Với 30 hoạt động song phương và đa phương tham dự hai hội nghị cấp cao và thăm chính thức Hàn Quốc, chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo động lực cho một “kỳ tích mới” trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, góp phần đưa quan hệ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới. (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong chuyến thăm từ ngày 27 – 28/11/2019)[/caption]

2. Trước đó trong chuyến thăm 9 ngày tới 3 nước (Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển) diễn ra từ 20 – 29/5, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân dẫn đầu đã có chương trình làm việc với hơn 50 hoạt động. Tại mỗi nước, các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra thẳng thắn, chân thành, hiệu quả, thực chất; nhiều văn kiện hợp tác giữa hai bên được ký kết.

Tại Liêng bang Nga, Thủ tướng đã có cuộc trao đổi riêng và hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, hội kiến Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Duma quốc gia Nga, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga. Hai bên khẳng định năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng của hợp tác Việt - Nga; nhất trí thúc đẩy doanh nghiệp dầu khí hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam; đánh giá Việt Nam và Nga còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư với nhiều dự án được đề xuất và triển khai thời gian qua. Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, bao gồm cổng dịch vụ công trực tuyến, trung tâm an ninh an toàn thông tin, mô hình thành phố thông minh.

[caption id="attachment_215876" align="aligncenter" width="410"]Chuyến thăm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.[/caption]

Thăm chính thức Na Uy, một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Erna Solberg, hội kiến Nhà Vua Harald đệ Ngũ, Chủ tịch Quốc hội Tone Troen. Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh, trong đó hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau (cá tra Việt Nam, cá hồi Na Uy)…

Tại Thụy Điển, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Stefan Löfven, hội kiến Quốc vương Carl XVI Gustav, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển. Hai Thủ tướng khẳng định quan hệ thương mại - đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để khai thác tiềm năng còn lớn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô tô… Thủ tướng Thụy Điển trao Ý định thư về tín dụng xuất khẩu hơn 1,2 tỷ USD vào Việt Nam.

3. Ở chiều ngược lại, kết quả chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thoong-lun Xi-xu-lít và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, từ ngày 01- 03/10/2019, đã đạt được những cam kết đáng kể: Hai bên đánh giá cao các tiến triển tích cực trong hợp tác thương mại song phương thời gian qua; nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại tăng trưởng ổn định theo kế hoạch đề ra từ 10% - 15%/năm; mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy xây dựng và ký Bản ghi nhớ/Thỏa thuận về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quan trọng, ưu tiên các dự án giao thông vận tải, trong đó có kết nối hàng không và các tuyến giao thông dọc Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và kết nối xe buýt Việt Nam-Lào-Thái Lan; nhất trí giao các bộ, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng rà soát, báo cáo lãnh đạo cấp cao tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, không để chậm trễ so với kế hoạch.

[caption id="attachment_215877" align="aligncenter" width="410"]Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thoong-lun Xi-xu-lít. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thoong-lun Xi-xu-lít.[/caption]

Cũng trong tháng 10 (từ ngày 4 – 5/10/2019), Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia sang thăm chính thức Việt Nam. Hai bên đã ra tuyên bố chung mở ra nhiều cơ hội tiềm năng đầu tư cho DN 2 nước: Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối 2 nền kinh tế bằng việc sớm hoàn tất Quy hoạch tổng thể về kết nối 2 nền kinh tế đến năm 2030, triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký về kết nối giao thông hai nước, bao gồm Bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, Thủ tướng Australia Scott Morrison và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 24 tháng 8 năm 2019. Hai bên đã ra Tuyên bố chung: Nhất trí xây dựng Chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường với mục tiêu trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Chiến lược này cũng sẽ củng cố cam kết chung của hai nước đối với tự do hoá thương mại và kết nối kinh tế, giúp hai nước tận dụng các cơ hội từ thị trường mới nổi. Theo đó, trong năm 2020, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư của Australia sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam, để tiếp tục phối hợp tạo thuận lợi việc tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản, đẩy mạnh kết nối hai chiều, tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng và nắm bắt các cơ hội về kỹ thuật số của tương lai, trong đó có kinh tế số và chính phủ điện tử.

Để tiềm năng và cơ hội biến thành hiện thực

Tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng và cơ hội cũng chỉ đến khi chúng ta biết tận dụng. Những cố gắng nỗ lực của lãnh đạo cấp cao từ các chuyến công tác ngoại giao của lãnh đạo cấp cao để có được các tuyên bố chung, các biên bản ghi nhớ hợp tác, các mục tiêu đặt ra… sẽ trở thành hiện thực, khi mỗi DN, mỗi doanh nhân biết tận dụng tiềm năng và lợi thế đó. Việt Nam đã và đang tiếp tục chính sách hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do có mô lớn như CPTPP, EVFTA hay AEC. Đồng thời, Nhà nước cũng thúc đẩy nhiều đổi mới sáng tạo, khuyến khích cộng đồng startup phát triển.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư FDI “chơi với Việt Nam sẽ dễ dàng chơi với thế giới, vì chúng ta có 16 Hiệp định tự do thương mại (FTA). Không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân, mà đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư có thể chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới, với yếu tố lợi thế hạ tầng, nhân lực, đặc biệt sự nhất quán của chính sách” – một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Bên cạnh những thuận lợi, bối cảnh quốc tế và khu vực đang chuyển biến nhanh, phức tạp và rất khó lường, tạo nhiều thách thức đối với môi trường chiến lược của đất nước, tác động trực tiếp tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các rủi ro tài chính, chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, khu vực đã và đang diễn ra có tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam... Những thách thức đặt ra không chỉ đối với các doanh nhân, DN mà kể cả nền hành chính công, đòi hỏi phải có sự thay đổi về thái độ phục vụ và điều chỉnh thể chế phù hợp với tình hình thực tế để tiềm năng và lợi thế được khai thác và phát huy có hiệu quả.

Như vậy để đạt được mục tiêu thương mại 2 chiều và kết nối đầu tư, không chỉ là chuyện tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách pháp luật về đầu tư ổn định để thu hút các nhà đầu tư FDI; mà là phải tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi giúp cho các DN Việt Nam vươn ra hội nhập vào “biển lớn”./.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2020-2030, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ). Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.


Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI, 5 lĩnh vực kinh doanh sẽ “lên ngôi” trong năm 2020 gồm: Ngành hàng tiêu dùng; ngành du lịch và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch; ngành vận tải logistics; ngành xây dựng và vật liệu xây dựng; ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp.


TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: “Năm 2020, tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi như: Kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh. Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản gồm: Nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá”

VŨ LÊ MINH

 

Bạn đang đọc bài viết "Năm 2020 rộng mở cơ hội hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin