Mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế: Nếu có khuất tất, liệu giảm giá, trả lại tiền... có thoát trách nhiệm pháp lý?

06/05/2020 15:15

(Pháp Lý) – Không chỉ riêng Hà Nội mà còn có các tỉnh thành khác cũng đã mua hệ thống Realtime PCR tự động với giá từ 5,9 đến 8,4 tỉ đồng, trong khi giá thiết bị ngày nhập khẩu về Việt Nam chỉ với mức giá chưa đến 3 tỷ đồng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều tỉnh thành bất ngờ đàm phán giảm giá thành công hàng tỷ đồng khiến dư luận hoài nghi về sự khuất tất trong các thương vụ này. Vậy liệu các tỉnh thành giảm giá, trả lại tiền…có thoát trách nhiệm ? Phóng viên Pháp lý sẽ cùng Luật sư phân tích các khía cạnh pháp lý của sự việc trong bài viết sau:

Ngoài Hà Nội, còn các tỉnh thành khác mua với giá 5,9 đến 8,4 tỷ

Vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cùng 6 bị can bị khởi tố, bắt giam do đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Hệ thống máy Realtime PCR tự động – xét nghiệm Covid-19

Quá trình điều tra bước đầu xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động lên tới 7 tỉ đồng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Đáng chú ý, theo nhiều nguồn tin thì không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác cũng đã mua Hệ thống Realtime PCR tự động với giá từ 5,9 đến 8,4 tỉ đồng như Quảng Ninh hợp đồng ban đầu là 8,4 tỷ đồng, Quảng Nam là 7,2 tỷ đồng, Thái Bình là 6,48 tỷ đồng đối với giá trị hợp đồng ban đầu…

Rục rịch đàm phán giảm giá sau khi cơ quan chức năng vào cuộc

Sau khi vụ việc nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội bị phát giác thì nhiều tỉnh thành khác bất ngờ ra thông báo đã đàm phán giảm giá thành công thiết bị này mặc dù Hợp đồng mua sắm thiết bị đã được ký kết, lắp đặt và đưa thiết bị vào vận hành từ rất lâu. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch của các Hợp đồng mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 tại một số tỉnh thành.

Một trong số đó phải kể đến đó là tại Quảng Ninh, sau khi đàm phán với nhà cung cấp, hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 bất ngờ được giảm 3,2 tỷ đồng (giảm gần một nửa so giá ban đầu) chỉ còn 5,2 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, ngày 1/3 Sở Y tế Quảng Ninh ký hợp đồng mua bán thiết bị Realtime PCR của Hãng Qiagen (Đức) sản xuất với liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao, với giá trên 8,4 tỷ đồng.

Ngày 23/3, sau cuộc làm việc của C03 với Sở Y tế Quảng Ninh (làm việc ngày 15/3), Sở Y tế Quảng Ninh đã ký phụ lục hợp đồng, giảm giá thiết bị này xuống 7 tỷ đồng. Ngày 19/3, Sở Y tế Quảng Ninh đã chuyển tạm ứng 4,2 tỷ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21/4 bên trúng thầu đã hoàn lại 4,2 tỷ này. Ngày 23/4, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết họ mua thiết bị với giá 5,2 tỷ đồng.

Đại diện Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, quy trình mua thiết bị được thực hiện công khai, minh bạch, với giá cạnh tranh, đúng quy định pháp luật. Đồng thời cho hay, hiện phía tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm RT-PCR tự động với nhà cung cấp và phía nhà cung cấp khẳng định sẽ không lấy lãi so với giá của nhà nhập khẩu thiết bị này.

Hay mới đây nhất, ngày 24/4, một lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho hay đơn vị này đã đàm phán với nhà cung cấp vào ngày 15/4 và giá của thiết bị chỉ còn 5,8 tỷ đồng kèm theo đó là chế độ bảo hành cũng nâng lên 5 năm thay vì 1 năm như hợp đồng đã ký. Ngoài ra, đơn vị này còn yêu cầu nhà thầu kèm thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng.

Theo vị lãnh đạo này, việc đàm phán lại tiết kiệm được khoản tiền khá lớn, bởi chi phí bảo hành thiết bị trị giá khoảng 5% hợp đồng”. Bên cạnh đó, trước khi mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Thái Bình cũng có hội đồng thẩm định giá do nhà cung cấp đưa ra. Hệ thống thiết bị mà Thái Bình đã mua rất hiện đại, không chỉ xét nghiệm riêng Covid-19, mà còn xét nghiệm được nhiều loại bệnh khác.

Dù đại diện các đơn vị đã lên tiếng khẳng định quy trình mua thiết bị được thực hiện công khai, minh bạch, với giá cạnh tranh, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên với việc Sở y tế đã ký hợp đồng với nhà thầu với mức giá từ 7 đến 8,4 tỷ đồng , nay giảm xuống còn hơn 5 tỷ đồng hay việc chuyển tiền tạm ứng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp hoàn lại tiền tạm ứng đã khiến dư luận hoài nghi , đặt dấu hỏi lớn về sự khuất tất. Hơn nữa, mức giá hơn 5 tỷ đồng vẫn cao hơn mức 2,3 tỷ đồng giá nhập khẩu mà CO3 vừa công bố liên quan vụ CDC Hà Nội, cao hơn mức CDC nhiều tỉnh khác chỉ từ 1,45 đến 3 tỷ đồng.

Có sự bất thường trong việc giảm giá ???

Trao đổi với PV Pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc bất ngờ giảm giá hệ thống Realtime PCR tự động trong thời điểm này cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Đây là loại máy móc thiết bị được cho là hiếm vào thời điểm này bởi nhu cầu sử dụng nhiều nước trên thế giới đang tăng cao, trong khi đó việc sản xuất không đủ cung cấp nên giá cả có thể tăng lên chứ không thể giảm đi vào thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như thế này.

Theo Ls Đặng Văn Cường, trong kinh doanh thương mại, bên bán hàng bao giờ cũng mong muốn bán được giá cao nhất có thể, còn bên mua hàng bao giờ cũng mong mua giá rẻ nhất. Khi hai bên đã thỏa thuận thống nhất với nhau về giá cả, phương thức thanh toán đối với loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể đi đến ký kết hợp đồng rất hiếm khi giá cả bị thay đổi trừ trường hợp thị trường có biến động quá lớn và việc thực hiện hợp đồng kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Cơ quan chức năng rất cần phải vào cuộc làm rõ việc đàm phán giảm giá xuống dưới mức giá máy móc thiết bị mà CDC Hà Nội đã mua là lý do gì? Nếu có sai phạm giống như trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thì phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 không phải là loại hàng hóa đặc biệt, không phải là vũ khí khí tài quân sự nên sẽ có giá cả thị trường. Giá cả khi mua tại nước ngoài, thuế, phí nhập khẩu và giá chào bán niêm yết trong nước chắc chắn là sẽ rất rõ ràng. Không thể mỗi đơn vị bán một giá, mỗi người mua một giá chênh nhau đến hàng tỷ đồng như vậy - Ls Đặng Văn Cường phân tích.

Nếu có sai phạm, dù hủy hợp đồng, trả lại tiền … cũng khó thoát trách nhiệm.

LS Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối với tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi cấu thành tội phạm được tính từ thời điểm thực hiện hoạt động đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nếu có người thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015 gây hậu quả thiệt hại từ 100.000.000 đồng của nhà nước trở lên thì sẽ cấu thành tội danh này. Hành vi tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hoạt động đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nếu việc chỉ định thầu có gian dối gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội danh này, không thuộc vào việc đối tượng đã sử dụng số tiền đó hay chưa.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trao đổi với PV Pháp lý

Còn đối với các tội danh như tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì hành vi xảy ra khi người có chức vụ quyền hạn đã thực hiện hành vi sai công vụ của mình, không phụ thuộc vào việc sau đó họ khắc phục hậu quả như thế nào.

Đối với tội tham ô tài sản thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi thực hiện hành vi nhầm chiếm đoạt số tiền do mình quản lý, không phụ thuộc vào việc số tiền đấy đã bị chiếm đoạt trên thực tế hay chưa.

Vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm, thời điểm phạm tội hoàn thành là những vấn đề cơ bản của luật hình sự đã được quy định rất rõ đối với từng tội danh. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi sai phạm hay không, nếu có thì hành vi thực hiện từ thời điểm nào, gây hậu quả ra sao.

Do đó, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi cấu kết với nhau để thổi giá máy móc, thiết bị y tế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước thì hành vi cấu thành tội phạm từ thời điểm các bên ký kết hợp đồng và chuyển tiền tạm ứng. Sau đó nếu hợp đồng bị hủy bỏ, hoàn lại tiền thì đây chỉ là biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với những người có liên quan - Ls Đặng Văn Cường phân tích.

Theo thông tin, thì một tình tiết rất đáng lưu tâm là giá cả đã thay đổi sau khi cơ quan điều tra làm việc, đây có phải là lý do để thay đổi nội dung hợp đồng hay không, nếu hợp đồng là công khai, minh bạch, đúng pháp luật, giá cả hợp lý đúng với giá thị trường thì tại sao phải thay đổi giá cả như vậy ? Trong vụ án xảy ra tại trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thì giá mua hơn 7.000.000.000 đồng đối với loại hàng hóa thiết bị này, cơ quan điều tra đã xác định là có dấu hiệu thổi giá chiếm đoạt nhiều tỷ đồng để trục lợi, vậy giá cả trong hợp đồng của trung tâm kiểm soát bệnh tật này còn cao hơn rất nhiều, vậy nguyên nhân tại sao là vấn đề rất cần phải được cơ quan chức năng làm rõ./.

Ngày 24/4, Bộ Y tế có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Nội dung công văn yêu cầu các địa phương phải gửi tất cả hợp đồng mua bán giữa các bên; quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu; phê duyệt trúng thầu… Báo cáo gửi về Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) trước ngày 28.4.

Đối với vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội, theo Luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đối tượng khác đã thực hiện hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặc Chuyển nhượng thầu trái phép Gây thiệt hại cho nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù theo quy định tại Điều 200, Bộ Luật Hình Sự 2015.

LS Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối với tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi cấu thành tội phạm được tính từ thời điểm thực hiện hoạt động đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nếu có người thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015 gây hậu quả thiệt hại từ 100.000.000 đồng của nhà nước trở lên thì sẽ cấu thành tội danh này. Hành vi tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hoạt động đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nếu việc chỉ định thầu có gian dối gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội danh này, không thuộc vào việc đối tượng đã sử dụng số tiền đó hay chưa.

Nam Kiên

Bạn đang đọc bài viết "Mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế: Nếu có khuất tất, liệu giảm giá, trả lại tiền... có thoát trách nhiệm pháp lý?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin