Một số đề xuất mới trong quản lý nhà nước về giao dịch trái phiếu, cổ phiếu

01/09/2020 08:40

(Pháp lý) - Tổ chức tín dụng sẽ chỉ được mua bán hẳn trái phiếu có thời hạn dưới 12 tháng . Đó là đề xuất mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành.

Và một số đề xuất đáng chú ý khác đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương đó là bổ sung quy định ngắt mạch thị trường chứng khoán khi cần thiết; các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết; quy định chi tiết độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán….

Tổ chức tín dụng sẽ chỉ được mua bán hẳn trái phiếu có thời hạn dưới 12 tháng

Theo đó, Dự thảo thông tư điều chỉnh việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước (gọi là giấy tờ có giá) chưa đến hạn thanh toán mà bên mua nhận chuyển giao quyền sở hữu và không kèm theo cam kết bán, mua lại giấy tờ có giá hoặc bảo lưu quyền truy đòi.

Đáng chú ý, Dự thảo có qui định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại tính từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá đến ngày đến hạn thanh toán toàn bộ gốc, lãi.

NHNN cho biết quy định này là để thống nhất thời hạn giao dịch giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với nhau và thời hạn TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiết khấu với khách hàng các giấy tờ có giá do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành.

Trước đó, Luật các TCTD đã quy định ngân hàng thương mại được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ, ngân hàng thương mại được mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

Giao dịch ở một ngân hàng ( ảnh minh họa)

Dự thảo này cũng đưa quy định đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán hẳn giấy tờ có giá phải là đồng Việt Nam.

Giấy tờ có giá được mua, bán hẳn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và bên bán có cam kết giấy tờ có giá không có tranh chấp, không trong tình trạng đang được chiết khấu, bị cầm cố, thế chấp, bảo đảm cho nghĩa vụ khác, chưa đến hạn thanh toán gốc.

Đối với trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, Bên mua trái phiếu phải đáp ứng quy định pháp luật hiện hành về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại thời điểm thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền mua cổ phiếu đối với trái phiếu kèm theo chứng quyền.

Đáng chú ý, dự thảo qui định, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.

Với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán hẳn với các tổ chức.

Có 4 trường hợp ngoại lệ, không cần tuân thủ thông tư này, bao gồm mua, bán giấy tờ có giá của TCTD trên thị trường quốc tế; mua, bán giấy tờ có giá theo phương án phục hồi đã được phê duyệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng; phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng, mua lại và hoán đổi trái phiếu do chính TCTD phát hành; chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá do xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Những đề xuất đáng chú ý trong quản lý giao dịch chứng khoán

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương về dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Dự thảo Thông tư đã bổ sung định nghĩa cũng như nhiều quy định mới. Trong đó, có quy định ngắt mạch thị trường chứng khoán khi cần thiết; các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết; hay nhà đầu tư cá nhân đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

Về qui định cho giao dịch bán khống có bảo đảm, theo Bộ Tài chính, đây là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản. Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Trên cơ sở tiêu chí do UBCKNN quy định, Sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có bảo đảm.

Hợp đồng giao dịch vay chứng khoán tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Đối với giao dịch trong ngày, Dự thảo quy định là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch. Hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày, trước ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông của chứng khoán đó.

Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của thị trường chứng khoán, UBCKNN có thể yêu cầu các công ty chứng khoán tạm ngừng thực hiện hoạt động giao dịch bán khống có bảo đảm cũng như yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày..

Đề xuất bổ sung công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán và cho giao dịch bán khống có bảo đảm – là 2 đề xuất mới đang được Bộ tài chính lấy ý kiến

Về đề xuất bổ sung công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán, Dự thảo Thông tư định nghĩa, ngắt mạch thị trường (circuit breaker) là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán.

Sở giao dịch chứng khoán sẽ quy định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được UBCKNN chấp thuận. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, UBCKNN sẽ quyết định điều chỉnh biên độ dao động giá.

Dự thảo Thông tư nêu, "Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, UBCKNN quyết định việc áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường và/hoặc cơ chế biên độ dao động giá".

Về quy định tài khoản giao dịch chứng khoán, dự thảo nêu rõ, nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại đợt giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.

Nhà đầu tư khi đặt lệnh cùng mua, cùng bán cùng một mã chứng khoán trong ngày giao dịch không được để dẫn đến trường hợp các lệnh đối ứng cho cùng mã chứng khoán của nhà đầu tư đó khớp với nhau nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Về giao dịch ký quỹ, dự thảo quy định chứng khoán được giao dịch ký quỹ là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của UBCKNN.

Trên cơ sở tiêu chí do UBCKNN quy định, Sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch ký quỹ hoặc chứng khoán không được giao dịch ký quỹ.

Cũng tại Dự thảo thông tư này, điểm đáng chú ý thứ ba là nhà đầu tư cá nhân đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán nhưng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Đây là lần đầu Bộ Tài chính quy định chi tiết độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán.

Bên cạnh các điểm kể trên, dự thảo cũng bổ sung quy định về nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, nhưng tại mỗi công ty chứng khoán chỉ được một tài khoản giao dịch và một tài khoản ký quỹ. Nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (hiện là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam).

Đối tượng tham gia chứng khoán ngày càng được quy định cụ thể. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 đã định danh nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là những cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trị giá tối thiểu 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty có vốn điều lệ thực góp trên 100 tỷ hoặc tổ chức niêm yết, người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán cũng được xem là nhà đầu tư chuyên nghiệp…

HÀ TRANG ( t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Một số đề xuất mới trong quản lý nhà nước về giao dịch trái phiếu, cổ phiếu" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin