Mỗi năm lãng phí khoảng 1.000 tỷ đồng in ấn, phát hành sách giáo khoa

21/09/2018 08:40

Tiếp tục chương trình Phiên họp 27, hôm qua (19/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp.

 (Hình minh hoạ)
(Hình minh hoạ))

Có lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách?

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, liên quan đến việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 29 và chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, triển khai 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29. Đến nay 10 đề án đã được ban hành, 02 đề án đã trình và 02 đề án đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018.

Tuy nhiên, về tiến độ, việc xây dựng các đề án còn chậm, chưa đúng kế hoạch, đến nay sau thời hạn được giao 3 năm vẫn còn 4/14 đề án chưa được ban hành, sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả chung của tiến trình đổi mới giáo dục. Về chất lượng, còn đề án thiết kế chưa phù hợp, chưa tính toán kỹ lưỡng phải thu hồi để tiếp tục hoàn thiện

Việc đổi mới tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia hai trong một đã mang lại những kết quả nhất định. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Công tác chỉ đạo triển khai mô hình VNEN đã mang lại những kết quả khả quan. Việc quản lý dạy thêm, học thêm đã có những chuyển biến. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được tiếp tục rà soát, hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả kỳ thi THPT quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương thực hiện mô hình VNEN không hiệu quả. Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập.

Đề cập đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các ý kiến phát biểu đều ghi nhận những kết quả, chuyển biến trong lĩnh giáo dục và dào tạo. Tuy vậy, các đại biểu cũng thẳng thắn phản ánh lại nhiều băn khoăn của dự luân, cử tri xung quanh lĩnh vực này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT để ngăn chặn các tiêu cực phát sinh. Bà thẳng thắn phản ánh lại những nghi ngại trong dư luận, cử tri về độc quyền trong in ấn và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc ghi bài tập luôn vào sách giáo khoa sẽ dẫn đến tình trạng không thể sử dụng lại cuốn sách này một lần nữa. Đưa ra quyển sách Toán lớp 1 để minh chứng, bà Nga cho đặt câu hỏi: “Lý do vì sao mà chúng ta để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội mất khoảng1000 tỷ? Tại sao lại ghi bài tập luôn vào sách giáo khoa”.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, bà đã có 15 năm công tác trong ngành giáo dục nên hết sức chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tuy vậy, bà thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng quan tâm đến thực trạng phát hành sách giáo khoa dùng một lần. “Mỗi quyển sách có giá trị nhỏ, nhưng ảnh hưởng tới muôn nhà vì vậy đề nghị Bộ trưởng quan tâm, tổ chức thanh tra vấn đề này, liệu có biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?” bà Hải phát biểu.

Tình hình tội phạm đã được kiềm chế

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng điều tra, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thời gian qua tình hình tội phạm đã được kiềm chế, một số loại tội phạm đã được kéo giảm và đã đạt yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Trong đó, với nhiệm vụ nâng cao chất lượng điều tra, để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được thực hiện đáp ứng yêu cầu của Quốc hội. Cụ thể, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt 82%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 92,7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Chất lượng công tác điều tra cũng đã nâng lên. Cơ quan điều tra các cấp đã kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát các cấp đề nghị truy tố 38.792 vụ, 66.779 bị can (tăng 5,98 % về vụ, giảm 0,5% về bị can). Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án 45 vụ (giảm 40,79%); trả hồ sơ điều tra bổ sung 560 vụ (giảm 24,43%), trong đó trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần trở lên 132 vụ (giảm 32,65%).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh phúc cho biết, công tác điều tra xử lý tội phạm cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ điều tra khám phá một số loại tội phạm như tội phạm trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản chưa cao. Số vụ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tuy có giảm nhưng còn cao (cả năm 2017 trả 5,16%; 06 tháng đầu năm 2018 trả 4,23% ). Một số vụ án còn để Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng còn chậm. Còn để xảy ra 11 bị can bị oan phải đình chỉ trong giai đoạn điều tra .

Đánh giá cao cố gắng của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong thời gian qua, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng mảng tư pháp vẫn còn nhiều điểm đã đề cập nhiều năm nhưng nay cử tri và đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục kiến nghị. Đó là, vấn đề thi hành án ngoài tù, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, các bộ ngành liên quan, địa phương các cấp thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù; UBND cấp xã phải nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan công an theo dõi người chấp hành hình phạt hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế… “Chúng tôi đã đề nghị, nhưng thực tiễn thời gian quan Chính phủ đang tổ chức thực hiện và đang rất hạn chế”, bà Nga nói.

Cùng với đó, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cần có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay chính trong các lực lượng chuyên trách về phòng chống tội phạm để đáp ứng yêu cầu về đấu tranh phòng chống tội phạm, củng cố niềm tin của người dân. “Bởi vừa rồi xuất hiện tình trạng tham nhũng nằm ngay trong chính các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng”./.

Theo Phạm Diệu (baophapluat.vn)

Nguồn bài viết:http://baophapluat.vn/chinh-tri/moi-nam-lang-phi-khoang-1000-ty-dong-in-an-phat-hanh-sach-giao-khoa-413420.html

Bạn đang đọc bài viết "Mỗi năm lãng phí khoảng 1.000 tỷ đồng in ấn, phát hành sách giáo khoa" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin