Luật Đầu tư 2020: Tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

26/08/2020 15:18

(Pháp lý). Luật đầu tư 2020 ( có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) được kỳ vọng góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Đặc biệt, Luật tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư , đơn giản hóa thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư… nhằm tạo cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư.

Bộ kế hoạch và đầu tư họp báo công bố Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Cải cách thủ tục hành chính, mở rộng tối đa quyền tự chủ cho nhà đầu tư

Luật Đầu tư 2020 có 7 Chương, 77 Điều và 4 Phụ lục.. Luật được kỳ vọng góp phần khắc phục những bất cập đang là điểm nghẽn đối với môi trường kinh doanh do sự trùng lặp, chồng chéo hoặc thiếu rõ ràng giữa các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Theo đó, Luật đã sửa đổi 10 nhóm quy định để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan, đồng thời sửa đổi 05 Luật có liên quan để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư, gồm Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.

Luật đầu tư 2020 được ban hành theo hướng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Một số thủ tục bị bãi bỏ bao gồm: bãi bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của cá nhân, hộ gia đình, bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng… Đáng chú ý, Luật đầu tư 2020 tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, ví dụ: Dự án Xây dựng và kinh doanh sân golf đã thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh thay vì Thủ tướng Chính phủ như LĐT 2014.

Đồng thời, Luật cũng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, như quyền chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng dự án….

Có thể nói, Luật đầu tư 2020 đã mở rộng tối đa quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Theo đó, Nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc,… Đây là một điểm mới rất tích cực, giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, giải quyết được nhiều vướng mắc của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.

Khơi thông chính sách về chủ trương chấp thuận đầu tư …

Điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư 2020 là luật đã làm rõ mối quan hệ giữa chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu giá, đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Đối với trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tránh trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phải đến cơ quan có thẩm quyền hai lần, một lần để xin chấp thuận chủ trương đầu tư, một lần để xin chấp thuận nhà đầu tư.

Đối với trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai, hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Có thể nói, Luật Đầu tư 2020 đã khơi thông nhiều vướng mắc cho doanh nghiêp, nhà đầu tư về những bất cấp, chồng chéo của hệ thống pháp luât về đầu tư kinh doanh thời gian qua. Đặc biệt với quy đinh tại khoản 3 điều 29 Luật Đầu tư 2020 khi chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án nếu nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luât có liên quan nhằm chuyển nhượng quyền sử dung đất mà không phải thông qua đấu giá, đấu thầu.

Quy đinh về chấp thuận chủ trương đầu tư và chọn nhà đầu tư là nội dung quan trọng được nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Luật Đầu tư 2020 đã quy định đồng bộ, xử lý được các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có sử dụng đất, bao gồm các dư án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bao gồm đất ở và đất nông nghiệp.

Cụ thể khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định: Đối với Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp: Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai; Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao; Và các trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo pháp luật về đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau: Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; Dự án di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Và các dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ do việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất gắn kết với liên kết vùng, phát triển ngành công nghiệp quốc gia, không chỉ giới hạn trong phạm vi của một địa phương nhất định. Các dự án này có tác động kinh tế - xã hội lớn, có yêu cầu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn và phải đáp ứng các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản, bảo vệ môi trường. Vì vậy, Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư nhằm hạn chế việc đầu tư tràn lan, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ sự phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài ra, Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đầu tư mới nhằm bảo đảm thích ứng với các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Đáng chú ý, Luật Đầu tư 2020 quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mở rộng thêm phạm vi các dự án, cụ thể Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư: Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf); Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Riêng dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không phải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Luật Đầu tư 2020: Tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin