Lĩnh vực được đầu tư, những thông tin phải công khai minh bạch và 12 hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP

03/09/2020 15:33

(Pháp lý) - Chỉ còn 4 tháng nữa là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ( Luật về PPP) có hiệu lực. Có rất nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức công tư đã được luật hóa mà các Doanh nhân, nhà đầu tư cần lưu tâm .

Theo đó luật hóa mục đích sử dụng vốn ; qui định rõ 5 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP; các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP; Quy định rõ về kiểm toán phù hợp tính chất dự án PPP; Và 12 hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP….

Đáng chú ý, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức công tư, Luật qui định rõ những thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Và không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đầu tư theo phương thức PPP mà chỉ những nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện do Luật này qui định mới có thể tham gia đầu tư…

5 lĩnh vực được đầu tư và những thông tin phải công khai , minh bạch

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.

Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư liệt kê các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:

(1) Giao thông; (2) Lưới điện, nhà máy điện; (3) Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; (4) Y tế, giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.

Trong đó, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực như sau: Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Giao thông vận tải; lưới điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải và hạ tầng công nghệ thông tin; Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng; Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo.

Đáng lưu ý, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 9 của Luật quy định một số thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể: Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP, gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án (nếu có); giá, phí sản phẩm, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác; Giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng; Văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP; Cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư; Thông tin giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư và tư cách hợp lệ của nhà đầu tư

Quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP lần đầu được tích hợp tại một văn bản quy phạm pháp luật về PPP, bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể và tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP; đồng thời, thu hẹp trường hợp chỉ định nhà đầu tư so với quy định hiện hành tại Luật Đấu thầu năm 2013.

Luật PPP qui định có 04 hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức công tư gồm:

- Đấu thầu rộng rãi: Là hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự. Hình thức này áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ các trường hợp phải được lựa chọn theo hình thức đặc biệt.

- Đàm phán cạnh tranh: Là hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đó chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự. Áp dụng trong trường hợp dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc dự án có yêu cầu công nghệ mới.

- Chỉ định nhà đầu tư, chỉ áp dụng theo một trong các trường hợp: + Dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước; + Dự án cần lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để bảo đảm tính liên tục trong quá trình xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

- Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt: Trường hợp dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, Luật cũng qui định rõ về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư. Theo đó, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đầu tư theo phương thức PPP mà chỉ những nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện sau: Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà đầu tư đang hoạt động cấp; Hạch toán tài chính độc lập; bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư; Không đang trong quá trình giải thể; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật; Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải liên danh với nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân để tham dự thầu; Nhà đầu tư thành lập theo pháp luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi tham dự thầu dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo pháp luật về đầu tư.

Doanh nghiệp dự án PPP được thành lập theo dạng công ty

Theo quy định tại Điều 44, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ được thành lập doanh nghiệp dự án PPP theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (không được là công ty đại chúng) và có mục đích duy nhất để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Doanh nghiệp được phát hành, mua lại trái phiếu riêng lẻ do mình đã phát hành, chứng khoán để huy động vốn thực hiện dự án PPP; không được phát hành trái phiếu riêng lẻ chuyển đổi và trái phiếu riêng lẻ kèm chứng quyền.

Việc phát hành trái phiếu phải đáp ứng đủ 03 điều kiện: Số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu không vượt quá giá trị phần vốn vay được xác định tại hợp đồng dự án PPP; Vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào ngoài mục đích thực hiện dự án theo hợp đồng dự án PPP hoặc cho việc cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp; Doanh nghiệp dự án PPP phải mở tài khoản phong tỏa để nhận tiền mua trái phiếu và giải ngân theo đúng quy định.

Luật hóa mục đích sử dụng vốn

Về vốn nhà nước trong dự án PPP, Luật quy định cụ thể mục đích sử dụng, phương thức quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, với phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư và được quản lý, sử dụng theo 2 phương thức: Tách thành tiểu dự án trong dự án PPP; bố trí vào hạng mục cụ thể theo tỉ lệ và giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỉ lệ cố định 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kì doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

12 hành vi bị cấm

Cụ thể, theo nội dung Điều 10 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:

1 - Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP đối với dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.

2 - Phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.

3 - Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.

4 - Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm các hành vi sau đây:

- Tham dự thầu với tư cách là nhà đầu tư đối với dự án do mình làm bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng;

- Tham gia lập đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với cùng một dự án;

- Là cá nhân thuộc bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng mà trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu đối với dự án do bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột đứng tên tham dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà đầu tư tham dự thầu;

- Đứng tên tham dự thầu dự án do cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó.

5- Tiết lộ, tiếp nhận tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà đầu tư:

- Nội dung hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành theo quy định, trừ trường hợp dự án phải tổ chức khảo sát thị trường, tham vấn trước nhà đầu tư để lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu;

- Nội dung hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;

- Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư được xác định chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

6 - Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:

- Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

- Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu.

7 - Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ không đúng quy định của Luật này và hợp đồng dự án PPP.

8 - Dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ngoài trường hợp quy định tại hợp đồng dự án PPP.

9 - Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

10 - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; can thiệp bất hợp pháp vào quy trình dự án PPP.

11 - Gian lận trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, bao gồm các hành vi sau đây:

- Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện dự án PPP nhằm thu lợi bất chính hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào;

- Cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan làm sai lệch chủ trương đầu tư, dự án PPP được phê duyệt, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, kết quả quyết toán vốn đầu tư công, thanh lý hợp đồng dự án PPP;

- Cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan làm sai lệch số liệu về doanh thu của dự án PPP nhằm thu lợi bất chính.

12 - Cản trở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Quy định về kiểm toán phù hợp tính chất dự án PPP

Luật PPP quy định, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Luật và kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước.
Phần vốn đầu tư của tư nhân cũng được thực hiện kiểm toán với hình thức kiểm toán độc lập. Luật PPP quy định, cơ quan ký kết hợp đồng trong đó có thỏa thuận với doanh nghiệp dự án PPP về việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh hoạt động kiểm toán, Chương VIII của Luật quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Đây là những công cụ của Nhà nước nhằm kiểm soát, bảo đảm hiệu quả của dự án PPP.

Hà Trang ( t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Lĩnh vực được đầu tư, những thông tin phải công khai minh bạch và 12 hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin