Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng chống tham nhũng

22/03/2023 11:05

(Pháp lý) – Tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí lần lượt về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và ngành kiểm sát. Nhiều vấn đề lớn mà cử tri, dư luận quan tâm như công tác hoàn thiện thể chế, đấu tranh, xử lý các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt,… được các đại biểu tập trung chất vấn.

anh-1-1679327282.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Loạt giải pháp nâng cao chất lượng xét xử án kinh tế tham nhũng và công tác thu hồi tài sản

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của ĐBQH về giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc như: nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất; việc xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó khăn, việc giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…

Về giải pháp khắc phục thời gian tới, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử đang được thực hiện. Theo đó, các Tòa án cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động; đồng thời phát triển, hoàn thiện theo hướng nâng cao yêu cầu, chất lượng đối với một số giải pháp cho phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm 3 giải pháp, gồm: Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về Cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp, trước hết là các lãnh đạo Tòa án các cấp, các công chức có chức danh tư pháp nhằm củng cố và tạo niềm tin của người dân đối với Tòa án.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan nâng cao chất lượng hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án này.

Tòa án Nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo các Tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án. Ngoài ra, bố trí các Thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

anh-2-1679327294.jpg

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Việc thu hồi tài sản các vụ án về kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ghi nhận. Qua theo dõi, hiện nay, một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi tài sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, đây được coi là một điểm nghẽn. Bên cạnh đó, thời gian qua, việc thu hồi tài sản vẫn còn ít, chưa được như mong muốn của Quốc hội và người dân.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam, việc thu hồi không hoàn toàn triệt để.

“Theo tổng kết, 10 năm qua, chúng ta thu được khoảng 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Tuy nhiên, muốn thu hồi được tài sản, các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, việc này không đơn giản. Do đó, cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng, vì thế, trong quá trình tố tụng, các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi nhiều hơn thì công tác chứng minh phải rất chất lượng. Đó là phải nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới, tội phạm tham nhũng là đặc thù, vì thế họ có cơ chế thu hồi tài sản mà nghi can tham nhũng không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi. 

Về chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân khiến cho việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thực tế có những vụ án tham nhũng, ngôi nhà là tài sản hình thành trong hôn nhân có của vợ, của con, của những người thân trong gia đình của đối tượng tham nhũng nên không thể thu hồi được, đây là quy định của luật, chúng ta buộc phải tuân thủ.

Tuy nhiên, theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nếu chúng ta có được cơ chế thu hồi tài sản như nhiều nước áp dụng, cơ chế phi hình sự, tăng nghĩa vụ giải trình, khi đó 1 thậm chí 2, 3, 4 căn nhà của đối tượng tham nhũng mà không giải trình được nó đã hình thành như thế nào, tính hợp lý của nó không được pháp luật công nhận, sẽ bị tịch thu.

anh-3-1679327294.jpg

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành Tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự nói riêng.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thời gian qua, kết quả đạt được khá tích cực. Trong 5 tháng (từ tháng 10/2022 đến nay), các cơ quan đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, xét về số lượng tuyệt đối đã tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp cũng thừa nhận còn khá nhiều vấn đề đặt ra. Đó là khó khăn từ bản thân vụ án như: tài sản trong các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó là nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian làm rõ. Có trường hợp cần xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và tài sản của người ngay tình đến mức nào, đặc biệt là tài sản chung như tài sản vợ chồng, tài sản của hộ gia đình, tài sản của các sở hữu khác nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục bám sát, thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; bám sát các ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm...

Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội… tăng cường quá trình giám sát; hạn chế tình trạng tẩu tán, giấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế.

Kiến nghị bịt các lỗ hổng pháp luật trong quản lý kinh tế

Chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng. Bà đề nghị Viện trưởng và Bộ trưởng Công an cho biết biện pháp thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư.

Đại biểu Hoa cũng nêu thực trạng thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. "Đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Trả lời chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật, cơ quan tư pháp còn nhận thức khác nhau. Ông lấy ví dụ vấn đề đấu giá đất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không.

Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, ông Trí kiến nghị bịt các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng; đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát. "Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập dẫn đến tham nhũng, tiêu cực", ông Trí nói.

anh-4-1679327294.jpg

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

Ông Trí ủng hộ chủ trương chống tham nhũng, cần xử lý nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên thực tiễn các vụ án cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tham mưu không chính xác, đầy đủ và cấp trên không kiểm soát được công việc nên ra quyết định rủi ro. Các trường hợp chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai đã sửa, giúp cơ quan chức năng điều tra thì cần được miễn, giảm, tha nhưng luật hiện hành đang vướng.

"Trong giai đoạn đất nước phát triển, khối lượng công việc lớn, kiểm soát khó khăn, nhiều người vi phạm nhưng không có mục đích vụ lợi", ông nói và đề nghị rà soát, sửa điều luật cụ thể về việc xử lý hình sự các trường hợp nêu trên.

Ông Trí dẫn chứng vụ Việt Á đã được nghiên cứu đề nghị cấp có thẩm quyền phân hóa các trường hợp cần xử lý, trong đó có vi phạm phải xử lý nghiêm, có vi phạm xử lý đảng, có loại xử lý hành chính.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết từng kiến nghị với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi ông còn làm Thường trực Ban Bí thư rằng Đảng có văn bản 69 nêu rõ khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà sai thì không kỷ luật. Ông Trí đề nghị cụ thể hóa nội dung này bằng các quy định của pháp luật.

"Đây là việc lớn, cần có sự đồng bộ để các cơ quan cùng điều chỉnh các điều luật cụ thể, như quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng bị xử lý hình sự đến nay đã không còn phù hợp", ông Trí nói và đề nghị cần giảm phạt tù, tăng phạt tiền.

Ông dẫn thêm, Luật Đất đai đang được nghiên cứu sửa đổi vì có nhiều bất cập. Do đó, "cái nào cần nghiêm cần xử lý nghiêm, cái nào cần nhân văn thì nhân văn để giữ ổn định phát triển".

Để cán bộ "không muốn, không dám, và không thể tham nhũng", Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra ba giải pháp.

Theo ông, để "không thể" tham nhũng, thể chế, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không để lợi dụng.

Để "không dám", thì với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi sẽ điều tra xử lý nghiêm, giúp răn đe, làm cho đối tượng có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật phải "sợ".

Còn để "không muốn", ông Trí kiến nghị cần có chế độ chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức.

 Hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 20/3, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chia sẻ thêm về giải pháp hoàn thiện thể chế nhằm phòng chống tham nhũng.

anh-5-1679327294.jpg

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời đại biểu Quốc hội về giải pháp hoàn thiện thể chế để phòng ngừa tham nhũng.

Đại tướng Tô Lâm khẳng định hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục. Qua đó góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.

Ông dẫn chứng một số vụ án ở các lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục… Điều này, theo ông Lâm, góp phần minh bạch vấn đề với mục tiêu "xử lý một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực".

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh làm sao cho những đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, và đặc biệt cho những người có ý định phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả, nếu không sẽ bị xử lý.

Về mặt quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Công an lưu ý cần rà soát lại tất cả quy định trong quá trình thực hiện - những nội dung bộc lộ sơ hở khiến đối tượng lợi dụng có hành vi phạm tội.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, vừa qua có một số vụ án liên quan lĩnh vực chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, thị trường trái phiếu… đã để lại những bài học rõ ràng, cho thấy cần thiết chấn chỉnh từ những thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí là cả luật. Việc sửa đổi này, theo Bộ trưởng Công an, nhằm ngăn ngừa để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng.

Thành Chung – Xuân Trường (Tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng chống tham nhũng" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin