Hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng vị thế Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển

(Pháp lý)- Trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, trước nhu cầu thực tiễn về giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về trọng tài thương mại đảm bảo phù hợp với thực tiễn giải quyết tranh chấp của Việt Nam và thông lệ quốc tế đã và đang được quan tâm thực hiện. Trước bối cảnh đó, Hội Luật gia Việt Nam đang triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

Để hoàn thiện dự thảo Hồ sơ, Hội Luật gia Việt Nam đã lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các Luật gia trên toàn quốc. Sau đây Pháp lý trân trọng đăng tải  ý kiến góp ý tâm huyết của Luật gia Nguyễn Văn Kích ( Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế) góp ý Dự thảo Hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

1-1700107998.jpg

Từ sau khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực đến năm 2014 tổng số vụ tranh chấp được giải quyết tại các trung tâm trọng tài tại Việt Nam là 879 vụ. Riêng với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam là 370 vụ, gần bằng tổng số vụ kiện được giải quyết tại trung tâm 10 năm trước đó.

Hoạt động trọng tài không chỉ dừng lại ở những tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa, doanh nghiệp còn tin tưởng trọng tài giải quyết tranh chấp trên nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm, công nghệ thông tin, xây dựng, phân phối, đại lý, năng lượng v.v.

2-1700108048.jpg
 

Toàn cảnh Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại.

Hiện nay Việt Nam có 11 trung tâm trọng tài với 325 trọng tài viên, trong đó, 17 người là trọng tài viên nước ngoài.

Nhìn nhận một cách khách quan, hiệu quả hoạt động của các trung tâm trọng tài vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay của các doanh nghiệp. Có thể dễ dàng nhận thấy, phần lớn các vụ tranh chấp chỉ được giải quyết tại VIAC. Các trung tâm trọng tài khác tiếp nhận rất ít vụ việc. Hơn thế, theo một số liệu của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì trọng tài chỉ giải quyết được 1% số lượng các tranh chấp thương mại.

Thực trạng sử dụng trọng tài tại Việt Nam hiện nay có những tín hiệu phát triển khả quan, nhưng đồng thời cũng còn nhiều thách thức không nhỏ trong việc cải thiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, trong các lĩnh vực về những vướng mắc của pháp luật về trọng tài thương mại bao gồm trong tranh chấp thương mại; về thỏa thuận trọng tài; vướng mắc về thủ tục tố tụng; về căn cứ huỷ phán quyết trọng tài, vì bản chất Trọng tài là “cơ quan tài phán tư” nên trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn cần có sự hỗ trợ, can thiệp của Tòa án với tính chất là cơ quan giải quyết tranh chấp mang tính quyền lực nhà nước;  vướng mắc về thi hành phán quyết trọng tài; về trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam v.v…

Chúng tôi kỳ vọng Dự thảo Luật Trọng tài thương mại sửa đổi do Hội Luật gia chủ trì sẽ khắc phục được những vướng mắc nêu trên, đáp ứng được yêu cầu nâng cấp hoạt động trọng tài, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

3-1700108048.jpg
 

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chủ trì phiên họp lần thứ 2 Ban biên tập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại.

 

Một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Luật Trọng tài thương mại

1. Dự thảo sửa đổi bổ sung nhiều qui định nâng vị thế Trọng tài

Dự thảo đã “dỡ bỏ” hạn chế của Pháp lệnh là chỉ cho phép giải quyết các tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài, thông qua việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tới tất cả tranh chấp dân sự, dù phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hay nghĩa vụ ngoài hợp đồng . Dự thảo đã nâng vị thế của trọng tài một cách đáng kể thông qua việc cho phép trọng tài ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời. Dự thảo đã hạn chế nguy cơ phán quyết của trọng tài bị tòa án tuyên hủy bởi lý do trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của trọng tài viên. Dự thảo đã tiếp thu một nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng, là một nguyên tắc rất quan trọng trong pháp luật tố tụng, đã hình thành lâu đời trong pháp luật tố tụng của các nước phát triển. Dự thảo cũng thể hiện một đổi mới hết sức quan trọng cách thức lập pháp tức là Luật mới sẽ không ủy quyền một cách chung chung như các luật khác là “Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật này”.

2. Một số ý kiến góp ý và đề xuất

2.1. Dự thảo mới chỉ quy định thẩm quyền của trọng tài trong tranh chấp giữa các bên phát sinh trong các lĩnh vực mà luật chuyên ngành không cấm hay hạn chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quá trình thi hành các hiệp định thương mại nếu các hiệp định cho phép lựa chọn trọng tài.

Chúng cho rằng Dự thảo chưa chú trọng việc cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Trọng tài thương mại theo hướng giải quyết tất cả các tranh chấp có ít nhất một bên là thương nhân. Vì rằng bản chất là cơ quan tài phán tư, nên trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp giữa các chủ thể bình đẳng và tự do ý chí.

2.2. Dự thảo để hẳn một chương về Hội đồng trọng tài, nêu đầy đủ cơ cấu tổ chức phạm vi quyền hạn... Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cần bổ sung và làm rõ trường hợp Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết, trường hợp không có thoả thuận trọng tài, nhưng một bên đã nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài, bên còn lại đã được Trọng tài thông báo nhưng không phản đối trong thời gian hợp lý (khoảng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trọng tài) để tạo điều kiện cho các bên tranh chấp tiếp cận được phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại,

2.3. Dự thảo cần quy định về địa vị pháp lý của người thứ ba có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tương tự như quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự, để giải quyết triệt để vụ việc tranh chấp và tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba. Dự thảo cần giải thích rõ nội dung khái niệm “bên thứ 3” trong mục giải thích từ ngữ.

2.4. Dự thảo dành hẳn một chương về hủy phán quyết của trọng tài, trình bày khá rõ về các việc làm của Hội đồng trọng tài và các bên có liên quan trong phán quyết của trọng tài. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng cần làm rõ căn cứ huỷ phán quyết trọng tài, pháp luật về trọng tài thương mại nên điều chỉnh theo hướng, dù phán quyết có thể không phù hợp lắm với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, không ảnh hưởng đến phán quyết của trọng tài thì không là cơ sở để Toà án huỷ phán quyết trọng tài. Từ đó Tăng cường cơ chế quản lý và giám sát nội bộ việc xét xử tại các Tòa án thông qua báo cáo nội bộ thường xuyên. Mặt khác, Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án địa phương cũng có thể công khai số liệu và thông tin tổng hợp từ những báo cáo này trên trang thông tin điện tử chính thức của mình để thúc đẩy sự minh bạch trong giải quyết các vụ việc liên quan đến trọng tài thương mại tại Tòa án.

2.5. Tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các trọng tài viên nước ngoài và luật sư nước ngoài trong tố tụng trọng tài. Dự thảo giành 1 chương nói về trọng tài nước ngoài khá đầy đủ từ chức năng nhiệm vụ, chi nhánh, quyền hạn… Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy cần làm rõ hơn các vấn đề: các trường hợp tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Trọng tài nước ngoài; các hình thức Trọng tài nước ngoài; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của Trọng tài nước ngoài; cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài bằng Trọng tài; việc thi hành phán quyết của Trọng tài trong trường hợp có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó chúng tôi kiến nghị Dự thảo bổ sung cần có các chính sách tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các trọng tài viên nước ngoài và luật sư nước ngoài trong tố tụng trọng tài như: ban hành văn bản chính thức cho phép luật sư nước ngoài được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại trọng tài. Mặt khác các trung tâm trọng tài trong nước cũng cần tích cực tham gia các diễn đàn chuyên môn quốc tế, chủ động liên lạc với các trọng tài viên nước ngoài có danh tiếng để mời họ tham gia danh sách trọng tài viên của trung tâm.

Cần bổ sung việc lực chọn áp dụng Pháp luật nước ngoài giải quyết tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Điều này dẫn tới việc một số tòa án khi xét xử đã cho rằng các vụ việc dân sự có liên quan đến quyền đối với bất động sản. Bản thân việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và áp dụng pháp luật nước ngoài là được phép thì không thể trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN hay trái với trật tự công cộng được thừa nhận tại VN.

4-1700108048.jpg

Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng của trọng tài viên trong việc giải quyết tranh chấp thương mại”.

 

2.6. Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng năng lực của đội ngũ Trọng tài viên, đẩy mạnh đào tạo Luật trọng tài Thương mại trong các Viện nghiên cứu Khoa học và đào tạo Luật của Hội Luật gia Việt Nam và các hội thảo chuyên đề.
 Thực tiễn việc Hội đồng trọng tài có thể điều hành quá trình tố tụng và ra một phán quyết khiến các bên tranh chấp “tâm phục” sẽ nhanh chóng nâng cao hình ảnh, sức hấp dẫn của trọng tài để các bên sau khi tham gia tố tụng sẽ không đắn đo cân nhắc khi đưa điều khoản trọng tài vào những hợp đồng khác đang được đàm phán.

Trước mắt, chúng tôi cho rằng cần sớm triển khai việc thành lập một Hiệp hội trọng tài quốc gia là tổ chức tập hợp trọng tài viên của tất cả các trung tâm trọng tài ở Việt Nam. Hiệp hội trọng tài sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng nên quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Trọng tài viên, quy tắc xung đột lợi ích để đảm bảo tính độc lập và khách quan của Trọng tài viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tố tụng trọng tài cũng như là chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tố tụng trọng tài trong nước và quốc tế. Hiệp hội trọng tài có thể là đầu mối kết hợp với các tổ chức đào tạo và các trung tâm trọng tài để nâng cao trình độ của đội ngũ trọng tài viên đáp ứng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế. Việc đẩy mạnh đào tạo luật trọng tài sẽ hướng đến những mục tiêu lâu dài hơn, nhằm tạo ra một thế hệ học giả và các trọng tài viên có tâm có tài có thể viết ra những nghiên cứu chuyên sâu về trọng tài thương mại phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Do đó, Bộ tư pháp nên cân nhắc bổ sung môn học Luật trọng tài thương mại như là một môn học độc lập trong chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành Luật của các Viện nghiên cứu khoa học Luật.

 

LG. Nguyễn Văn Kích ( Viện IBLA – Hội Luật gia VN)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin