Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho biết, các thành viên EuroCham vẫn tự tin và lạc quan về triển vọng dài hạn của môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là làn sóng Covid-19 thứ tư đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp, cũng như hoạt động thương mại của họ tại thị trường này. Các thành viên EuroCham trong tất cả lĩnh vực đã bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn và hàng không.
Những thách thức này có thể tác động ngắn hạn đến sự lạc quan của các doanh nghiệp, cho đến khi một chương trình tiêm chủng hàng loạt mở khóa các hoạt động kinh doanh bình thường, và nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch đối với du lịch quốc tế.
Khảo sát thành viên gần đây của EuroCham cho thấy, 70% lãnh đạo doanh nghiệp đang phải đối mặt với những trở ngại trong đợt bùng phát dịch mới nhất này.
78% đánh giá rằng các yêu cầu cách ly ba tuần hiện tại sẽ khiến ít nhà đầu tư và chuyên gia đến Việt Nam hơn, từ đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Ông Alain Cany cho biết thêm rằng, một trong những vấn đề gây khó khăn nhất cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam là các yêu cầu cách ly với những quy tắc được áp dụng như nhau cho những người đã được tiêm vắc xin và những người chưa được tiêm.
Việt Nam đã kiểm soát thành công các đợt bùng phát trước đó thông qua cách ly xã hội và truy vết. Tuy nhiên, kéo dài các biện pháp này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác đang triển khai tiêm vắc xin và mở lại biên giới, ông Alain Cany nhấn mạnh.
Theo đó, các biện pháp y tế đang được triển khai chỉ giải quyết vấn đề hiện tại, không phải là phương pháp chữa trị vĩnh viễn. Điều cần thiết hiện nay là một chương trình tiêm chủng hàng loạt khẩn cấp và đầy tham vọng để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021.
Nếu chính phủ Việt Nam có thể lặp lại thành công như ba lần trước với cách tiếp cận mới là vắc xin, không có lý do gì làn sóng thứ tư này sẽ gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế. Việt Nam đã phục hồi sau các đợt bùng phát trước đó, trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng GDP mạnh nhất thế giới vào năm 2020.
Đề xuất quan hệ đối tác công - tư trong tiêm chủng
Trong ngắn hạn, các công ty châu Âu muốn trở lại kinh doanh càng sớm càng tốt. Điều này đòi hỏi một chương trình tiêm chủng đại trà để bảo vệ người dân, và đảm bảo rằng việc mở cửa lại nền kinh tế không tạo ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được là tiêm vắc xin cho 75% dân số. Quá trình này là trọng tâm cấp bách của Chính phủ với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân cùng các tổ chức đối tác quốc tế khác.
“EuroCham cam kết hỗ trợ Việt Nam trong đợt dịch thứ tư này. Trong bối cảnh vắc xin có sẵn, thách thức hiện nay đã chuyển từ ngăn chặn sang tiêm chủng rộng rãi. Việt Nam cần phải kết hợp thành công trước đó với chương trình tiêm chủng đầy tham vọng được thực hiện nhanh chóng ở quy mô và tốc độ”, ông Alain Cany phân tích.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu với tiềm lực sẵn có sẵn sàng đáp ứng các chi phí tiêm phòng cho nhân viên. Điều này có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính phủ, đồng thời giúp các hoạt động kinh doanh bình thường trở lại càng sớm càng tốt.
EuroCham đề xuất quan hệ đối tác công tư giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Quá trình kết hợp này có thể thúc đẩy sức mua hàng loạt và sử dụng mạng lưới địa phương của Chính phủ, giúp quá trình tiêm chủng diễn ra trên quy mô lớn, trong khi tận dụng được sự đổi mới và chuyên môn quốc tế của doanh nghiệp tư nhân.
Tổ chức này mong muốn hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trên, đặc biệt khi EuroCham có một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành thiết bị y tế, dược phẩm và hậu cần.
EuroCham hiện cũng đang giúp các thành viên này chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với Việt Nam nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam mong muốn nới lỏng yêu cầu cách ly ba tuần như hiện nay đối với các nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vắc xin ở nước họ.
Hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi ủng hộ ý tưởng về một quy trình riêng biệt, ngắn hơn cho khách doanh nhân đã được tiêm chủng. Điều này sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư, từ đó giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch.
Ví dụ, EU đang triển khai “chứng chỉ xanh kỹ thuật số” cho phép mọi người đi qua 27 quốc gia thành viên. Chính phủ Việt Nam có thể xem xét một kế hoạch tương tự, cho phép những người đã được tiêm vắc xin đến đây kinh doanh hoặc đầu tư, vì điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà không làm suy yếu các nỗ lực y tế.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/eurocham-de-xuat-quan-he-doi-tac-cong-tu-trong-tiem-chung.html