Đưa Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo

13/12/2022 13:19

(Pháp lý) - Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 với nhiều nội dung mới, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.

Để Luật PCRT đi vào cuộc sống, dự kiến sẽ có nhiều bản dưới luật quy định chi tiết sẽ được ban hành như: Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Đáng chú ý, trong dự thảo đang được NHNN lấy ý kiến có qui định giao dịch 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo…

anh-1-1670336383.jpg
 

Ảnh minh hoạ

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có nhiều điểm mới

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 6 luật được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền. Xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền. 

Luật đã sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo như: các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng... phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế. Bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đáng lưu ý, để bảo đảm bao quát các hoạt động phát sinh trong tương lai, tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn cho biết thêm, tại Khoản 3, Điều 4 Luật giao Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại Khoản 1 Điều 7, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 còn bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.

“Các quy định này là cơ sở để các cơ quan quản lý rà soát, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền đối với các hoạt động mới phát sinh, để đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung hoạt động của đối tượng báo cáo, tạo sự chủ động và bảo đảm quy định của Luật theo kịp tình hình thực tiễn” ông Tạ Quang Đôn cho biết.

Luật bổ sung quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Cụ thể, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền.

Về trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, lần này, Luật quy định đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền. Xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền. Trong đó, có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền. Luật giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.

anh-2-1670336414.jpg
 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh trình bày những điểm mới của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, Luật bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh qua giới thiệu và quy định rõ xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác.

Luật cũng bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Về minh bạch thông tin của pháp nhân, tổ chức phi lợi nhuân, Luật đã kế thừa, quy định cụ thể hơn một số yêu cầu thu thập, cập nhật, lưu trữ, thông tin của đối tượng báo cáo, cá nhân, tổ chức có liên quan, quy định trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật yêu cầu đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và việc áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.

Điểm mới đáng lưu ý của Luật là đã làm rõ hơn yêu cầu về quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo, giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo.

Luật cũng bổ sung trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, sửa đổi trách nhiệm cụ thể một số bộ, ngành, bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan.

Để bảo đảm Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực từ ngày 1.3.2023, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tạ Quang Đôn cho biết, đối với Luật Phòng, chống rửa tiền, dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết, gồm Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; và Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành các văn bản quy định chi tiết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết Luật và đang tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản này, bảo đảm thời hạn ban hành để các văn bản này có hiệu lực cùng thời điểm của Luật.

Kiến nghị giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo

Đây là một trong những kiến nghị được nêu ra trong Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo mà của Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, mức giá trị giao dịch phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày.

Theo NHNN, việc kiến nghị và lấy ý kiến về mức giá trị giao dịch phải báo cáo NHNN là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày, không những phù hợp với quy định tại Luật PCRT 2022 mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay – trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới gồm: CPTPP và EVFTA.

Hơn nữa việc quy định hạn mức giao dịch phải báo cáo từ 300 triệu đồng không phải là mới mẻ. Cụ thể mức giao dịch này cũng đã được quy định theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, kể từ ngày 10/6/2013. Và trước đó, theo Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm)…

Quá trình triển khai thực hiện các văn bản trên cho thấy việc giữ nguyên mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300.000.000 là phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, NHNN cho biết theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng). Mặc dù cao hơn mức quy định tạivăn bản lấy ý kiến nhưng theo NHNN, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên400.000.000 đồng thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF.

Xuân Trường (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Đưa Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin