Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tập trung theo 8 nhóm vấn đề

10/03/2023 09:50

Nhiều nội dung được thảo luận như cần xác định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, hay nhóm vấn đề về kiểm toán lại báo cáo tài chính.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thông tin, ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của tổ chức tín dụng.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH 14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó, tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.

Tọa đàm nhằm gợi mở cho các tổ chức tín dụng hội viên tập trung trao đổi, thảo luận vào một số nội dung hiện đang vướng mắc như: các quy định liên quan tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng (người đại diện theo pháp luật; về Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; về thành viên Hội đồng quản trị độc lập; về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn; hoạt động L/C…); các quy định liên quan đến hoạt động và hạn chế bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; về nghiệp vụ đại lý; hoạt động ngân hàng điện tử; về nắm giữ bất động sản…); các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém; các quy định liên quan xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

Đặc biệt, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh vấn đề quyền và trách nhiệm của người vay phải được quy định rõ ràng chính xác trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, phải chi tiết trách nhiệm của người vay để tránh việc né tránh trách nhiệm hoặc "đổ vấy" trách nhiệm trong xử lý nợ xấu của ngân hàng.

4-1678349253.png

Tại tọa đàm, các tổ chức tín dụng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, vấn đề liên quan tới xử lý tài sản đảm bảo được nhiều tổ chức tín dụng quan tâm

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng TPCM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất bổ sung nội dung (khoản 3, Điều 102 dự thảo Luật các tổ chức tín dụng) cho phép tổ chức tín dụng được thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giá tài sản đảm bảo cho khách hàng vay vốn tại chính ngân hàng thương mại đó (không phải hoạt động thẩm định giá theo Luật giá 2012). Theo bà Phương, thực tế hiện nay có một số công ty AMC là công ty con của ngân hàng thương mại thực hiện thêm dịch vụ tư vấn giá tài sản bảo đảm cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng thương mại.

Bà Lưu Thanh Nguyên, Phó Trưởng Ban Pháp chế Công ty Quản lý tài sản (VAM) cho biết, đối với nội dung VAMC và tổ chức tín dụng mua bán nợ có thoả thuận phân chia, Dự thảo quy định: “3. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý”. Dự thảo đã bãi bỏ nội dung: trong trường hợp có VAMC và tổ chức tín dụng mua bán có thoả thuận phân chia thì giá mua phải bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập và VAMC phải thống nhất với tổ chức tín dụng lựa chọn tổ chức định giá độc lập.

Bà Nguyên cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 đối với quy định này, VAMC cho rằng giá trị do tổ chức định giá đưa ra chỉ là giá tham khảo để hai bên xem xét quy định giá mua bán phù hợp, kể cả đối với trường hợp tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thảo thuận với tổ chức tín dụng bán nợ phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu (sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý) thì sau khi có kết quả thẩm định giá, hai bên vẫn cần thoả thuận để thống nhất giá mua bán nợ.

Liên quan đến quy định xét duyệt cấp tín dụng đối với các khoản cho vay tiêu dùng (Khoản 2, Điều 92 Dự thảo), bà Tôn Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) cho biết, đặc điểm các khoản cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là các khoản vay nhỏ và quy trình vay nhanh gọn nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách trong cuộc sống của khách hàng.

Cũng theo bà Yến, nhiều đối tượng khách hàng như sinh viên, người lao động tự do khó có khả năng chứng minh tài chính nên việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu và dữ liệu chứng minh khả năng tài chính sẽ kéo dài thời gian tiếp cận vốn của khách hàng, dẫn đến khả năng phải tìm tới nguồn vay từ các kênh không chính thống (tín dụng đen), đi ngược với chủ trương ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, phát triển tín dụng khu vực nông thôn.

Đại diện EVNFinance đề xuất Ban soạn thảo xem xét quy định đối với các khoản cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ của công ty tài chính chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về khả năng tài chính của khách hàng thay vì cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính.

Bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công, Techcombank cho rằng, trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của tổ chức tín dụng. Do vậy, cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay/bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức tín dụng.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nội dung khác cũng được thảo luận như cần xác định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, hay nhóm vấn đề về kiểm toán lại báo cáo tài chính…

Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhìn chung có đổi khác so với trước nhưng cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Tuy nhiên, dự thảo đã được bổ sung thêm việc Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH 14.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xây dựng tập trung theo 8 nhóm vấn đề, như vấn đề về giấy phép quản trị điều hành; về hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán; quy định bảo đảm, an toàn; vấn đề liên quan đến kiểm soát đặc biệt, giải thể, phá sản….Ngoài ra, dự thảo Luật đã được bổ sung quy trình hỗ trợ cho quá trình thực hiện các biện pháp can thiệp sớm. Đồng thời, thực hiện các phương án khắc phục khi các tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng can thiệp sớm. Bổ sung thêm vai trò và điều chỉnh nội dung cho vay đặc biệt của các tổ chức tín dụng hỗ trợ tổ chức tín dụng khác bị đặt vào tình trạng can thiệp sớm… Trong đó, vấn đề giải quyết hiện tượng khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt cũng được bổ sung vào dự thảo. Theo ông Đôn, sẽ cần nhiều buổi tọa đàm góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với các hoạt động cùng quyền lợi của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, lưu ý, sau buổi tọa đàm, Hiệp hội Ngân hàng sẽ có báo cáo tổng hợp tổng kết các ý kiến gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất cho vay

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Cần có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Cần điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.

 

Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tập trung theo 8 nhóm vấn đề" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin