Đổi mới chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

01/06/2020 07:40

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) những năm qua tuy đã có những bước phát triển đáng kể, song xét về tổng thể thì vẫn còn rất yếu kém, chưa đáp ứng được kỳ vọng, cần có những cơ chế, chính sách mới thích hợp và các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, để thúc đẩy phát triển.

Vẫn yếu cả bề rộng lẫn chiều sâu

Xác định công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam; đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016 - 2025. Cơ chế, chính đã được ban hành và đi vào thực tiễn, đến nay các doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam đã có sự phát triển về cả số lượng, chất lượng, tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam ước đạt 900.000 tỷ đồng/năm, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Sản xuất công nghiệp điện tử. Ảnh minh họa

Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có năng lực khá tốt sản xuất khuôn mẫu linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới.

Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đã được nâng lên trong thời gian vừa qua. Theo đó, đã góp phần giúp cho tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử gia dụng đạt từ 30 - 35% linh kiện trong nước; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% nhu cầu (chủ yếu cho sản xuất xe máy). Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô đối với một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu chiến lược và quy hoạch đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa; trong đó, xe tải đến 07 tấn đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên và xe chuyên dụng, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%.

Tuy nhiên, xét về tổng thể thì đến nay, quy mô và năng lực phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam nói riêng, vẫn còn rất nhiều hạn chế. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất CNHT vẫn còn ít so với yêu cầu đề ra, năng lực sản xuất thấp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng tài chính của các doanh nghiệp CNHT còn yếu, vốn tự có thấp, trình độ công nghệ nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như mức độ tương thích về kỹ thuật, khó tiêu thụ. Một số lĩnh vực sản xuất CNHT thậm chí còn có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường.

Giải pháp để thúc đẩy

Trong văn bản gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, trả lời nội dung chất vấn liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh, cho biết: Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho CNHT còn yếu, là do chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chưa ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư phải phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa đưa được pháp lý hóa. Trong khi đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CNHT tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP khi thực hiện lại “vướng” sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu… Chính sách về ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… khiến cho các doanh nghiệp khó tiếp cận. Thực thi chính sách về CNHT vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra các chế tài bắt buộc phải tuân thủ trong việc bố trí các nguồn lực để triển khai.

Ngoài ra, do xuất phát điểm thấp nên các ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn còn đi sau các nước trong khu vực. Đến nay, Việt Nam cũng chưa có “hệ sinh thái công nghiệp”… để tạo môi trường thuận lợi cho ngành cơ khí, ô tô phát triển. Dung lượng thị trường ngành cơ khí và ô tô của Việt Nam còn nhỏ, chưa đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế cho việc đầu tư sản xuất. Dư địa can thiệp về chính sách để phát triển ngành cơ khí, ô tô, đặc biệt là các yêu cầu về nội địa hóa, sử dụng sản phẩm trong nước… bị thu hẹp do phải thực thi các cam kết quốc tế, những vấn đề này cũng khiến cho công nghiệp hỗ trợ phát triển gặp khó khăn.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng: Cần phải tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tạo nền tảng cơ bản đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng sáng tạo và bền vững. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp phát triển.

Tranh thủ tận dụng những điều kiện ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác cơ hội tại các thị trường mới. Cần có các chính sách mới trong việc quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ, từ đó tạo lan tỏa phát triển tới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa. Phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, bao gồm một số ngành công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo… để cho CNHT có điều kiện phát triển.

Khẩn trương triển khai và hoàn thành xây dựng hệ thống các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nói riêng trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu… tại 03 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam và tại các địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi mới về thuế, vay tín dụng… để hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNHT phát triển.

Theo congthuong.vn/

Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/doi-moi-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-138154.html

Bạn đang đọc bài viết "Đổi mới chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin