Có nên kiểm toán phần vốn tư nhân ở dự án PPP?

20/03/2020 09:30

Kiểm toán Nhà nước có nên kiểm toán toàn bộ các dự án đối tác công - tư (PPP), hay chỉ áp dụng với phần vốn của Nhà nước, không thực hiện phần vốn tư nhân? Đây vẫn đang là bài toán được nhiều nhà quản lý và chuyên gia bàn luận để đưa ra đáp án.

Nhiều ý kiến trái chiều về kiểm toán ở các dự án PPP mà Dự thảo Luật PPP vừa được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức cá nhân.

Không kiểm toán phần vốn tư nhân

Tại Dự thảo Luật PPP vừa được công bố trên Cổng Thông tin của Bộ KH&ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật). Điểm mới nhất lần này là quy định về hoạt động Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Còn giai đoạn sau khi đã ký kết hợp đồng, KTNN sẽ chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước, không kiểm toán đối với phần vốn tư nhân tham gia vào dự án PPP.

Cụ thể, tại Điều 86, Dự thảo Luật quy định, trước khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Bao gồm, kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT…

Theo Bộ KH&ĐT, nhiệm vụ của KTNN kiểm toán các nội dung tài chính công, tài sản công, trong trường hợp này là phần vốn nhà nước thực hiện trong dự án PPP. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và có thể so sánh tương đối với các lĩnh vực đầu tư khác, phần vốn của khu vực tư nhân bỏ ra để đầu tư vào dự án PPP cần phải được xác định là không thuộc đối tượng của KTNN.

Bởi quá trình đầu tư, đấu thầu là khâu quan trọng phát huy cơ chế cạnh tranh của thị trường. Như vậy, trong phương thức PPP, nhà đầu tư được tự do phát huy khả năng về kỹ thuật quản lý của mình, không áp dụng kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với phần vốn đầu tư mà khối tư nhân bỏ ra. .

Trước đó, trao đổi với báo chí về Dự thảo Luật PPP, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, KTNN chỉ kiểm toán vốn, tài sản nhà nước trong dự án, chứ không kiểm toán toàn bộ dự án. Đơn cử như lĩnh vực năng lượng, cụ thể là xây dựng nhà máy điện, đã thu hút được 18 dự án BOT, với tổng vốn khoảng 857.209 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

“KTNN có muốn kiểm toán các dự án này cũng không được, vì không nhà đầu tư nước ngoài nào chấp nhận cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát tài sản, vốn, công nghệ của họ”, ông Phúc nói.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức PPP (Ảnh: Internet)

Vốn tư nhân để kiểm toán độc lập?

Đồng tình với quan điểm của Bộ KH&ĐT, theo Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, chức năng của KTNN là kiểm toán tài sản công chứ không phải kiểm toán tài sản tư. “Điều quan trọng là đánh giá đúng và minh bạch giá trị công trình thì nên dùng giải pháp định giá công trình. Phần công đã kiểm toán, còn lại phần tư là bao nhiêu?”, ông Võ nêu vấn đề.

Để xác định tổng giá trị công trình nên định giá giá trị công trình theo nguyên tắc độc lập, khách quan. Bởi kinh nghiệm của các nước phát triển, sử dụng công ty định giá rất hiệu quả, khó có chuyện bắt tay nhau, mua chuộc, định giá sai. Tại Việt Nam không thiếu các cơ quan định giá có uy tín.

Đối với việc kiểm toán phần vốn tư nhân, theo Gs. Đặng Hùng Võ, nên dùng kiểm toán độc lập, kiểm toán quốc tế.

"Một số nhà quản lý nói ở dự án PPP là tài sản công thì chưa đúng hết. Dự án sau khi khai thác xong mới trở thành tài sản công, trong quá trình khai thác vẫn là tài sản tư", ông Võ nhấn mạnh.

Trước vấn đề dư luận lo ngại thu phí kéo dài nếu được định giá vượt so với giá trị thật của công trình, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay, nhiều nhà đầu tư tư nhân của Việt Nam lách luật bằng cách thu phí ít đi, nhưng kéo dài thời gian. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây vẫn là khả năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, mời cơ quan định giá uy tín tính đúng giá trị công trình để làm sao cho nhà đầu tư có lãi, nhưng cũng phải tính đến lợi ích của người dân.

Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp thân hữu, tư nhân lợi dụng trục lợi từ dự án PPP, Gs. Đặng Hùng Võ cho rằng Nhà nước đừng ôm đồm nhiều quá mà chỉ giám sát, còn vấn đề định giá, kiểm toán nên cho các công ty độc lập, thậm chí các công ty nước ngoài vào làm. Bởi dù sao họ làm vẫn nghiêm túc và tuân thủ theo pháp luật hơn.

Ở góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, trách nhiệm của KTNN cần kiểm toán toàn bộ dự án như các dự án đầu tư công chứ không chỉ đơn thuần kiểm toán phần tài chính công, tài sản công. Bởi, các dự án PPP về bản chất là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó Nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

“Nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì khó có thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình như thế nào là phù hợp…”, ông Hiền nhấn mạnh.

Bên lề Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của KTNN” mới đây, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng KTNN khẳng định, PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, dù dự án do tư nhân bỏ 100% vốn đầu tư thì công trình, dự án sau khi hoàn thành vẫn là tài sản công, mà đã là tài sản công thì thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/toan-canh/co-nen-kiem-toan-phan-von-tu-nhan-o-du-an-ppp-1066318.html

Bạn đang đọc bài viết "Có nên kiểm toán phần vốn tư nhân ở dự án PPP?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin