Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tối rất quan trọng để tận dụng được các cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) mang lại.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra sáng 23/3, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên Lương Hoàng Thái cho rằng: Một số doanh nghiệp vẫn còn tâm lý dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước để được hướng dẫn đi vào thị trường.
"Tất nhiên Nhà nước sẽ triển khai trong phạm vi chức năng của mình nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp cần chủ động, nghiêm túc tiếp cận Hiệp định EVFTA" - ông Thái nói.
“Một doanh nghiệp đưa hàng vào thị trường EU, thay vì chạy đến hỏi cơ quan nhà nước về thủ tục, thị trường, họ bỏ vài chục nghìn USD thuê một công ty nghiên cứu, đánh giá, xem hàng vào EU cần đáp ứng quy định gì”, ông Thái dẫn chứng và nhấn mạnh có nhiều doanh nghiệp hiểu biết thị trường EU hơn các cán bộ, cơ quan nhà nước rất nhiều.
Ông gợi ý, nếu doanh nghiệp xác định EU là thị trường mục tiêu thì phải có cách tiếp cận bài bản. Còn không, trong quan hệ với EU sẽ có chuỗi cung ứng giữa các nền kinh tế với nhau thì doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Vì dụ như trong thị trường thực phẩm, ông Lương Hoàng Thái cho biết, khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, điều thuận lợi lớn nhất là thị trường EU cùng một khối, nên các quy định về hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm cơ bản là giống nhau.
Tuy nhiên, điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu tối thiểu bắt buộc phía EU đặt ra.
Chính vì thế, các doanh nghiệp cần nỗ lực để cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố khác để ngoài việc vượt qua hàng rào bắt buộc từ phía nhà nước, còn có thể chinh phục khách hàng EU.
Ông Thái cho biết, Hiệp định EVFTA hài hòa lợi ích giữa hai bên. Do đó, hàng hóa của Việt Nam khi có đủ tiêu chuẩn sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ phía EU. Ngược lại, nếu hàng hóa không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ không được hưởng ưu đãi của Hiệp định, chịu sự chi phối của quy tắc thuế thông thường.
Mặt khác, EU luôn áp dụng chung các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật (hàng rào kỹ thuật) cho tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu. Nếu hàng hóa không đáp ứng được những yêu cầu sẽ không thể nhập khẩu vào EU.
Ông Thái cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp sẽ phải chú ý các quy tắc để đáp ứng được những điều kiện của phía EU, có như vậy mới tận dụng tất cả những cơ hội từ EVFTA. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên quá bi quan, bởi Hiệp định cùng các quy tắc không đặt thêm rào cản mới, thậm chí còn giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ những rào cản này một cách minh bạch hơn.
“Đã có những doanh nghiệp Việt Nam rất quen thuộc với thị trường EU. Những kinh nghiệm này cần được lan toả ra cho nhiều doanh nghiệp khác để có thể tìm hiểu, đồng thời làm thay đổi quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía EU,” ông Thái nói.
Đồng tình rằng doanh nghiệp phải chủ động song bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra 3 khía cạnh mà các doanh nghiệp rất cần được cơ quan nhà nước hỗ trợ: Một là các cam kết trong các Hiệp định; Hai là có những việc doanh nghiệp có thể làm nhưng không hiệu quả bằng cơ quan nhà nước làm; Ba là các cơ quan nhà nước cần có tư duy hành động không chỉ tuân theo Hiệp định mà còn vượt lên trên hiệp định để cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/kinh-te/chuyen-gia-chi-cach-chinh-phuc-thi-truong-eu-502369.html