(Pháp lý) - Nếu so sánh về thành tích kinh tế của ông Trump với 2 người tiền nhiệm là Barack Obama, George Bush, rõ ràng ông Trump được dư luận đánh giá cao hơn, nếu không có đại dịch covid xuất hiện. Thế nhưng, các chính sách kinh tế của vị Tổng thống nào có những ưu điểm rõ rệt hơn vẫn còn là sự tranh cãi…
Tổng thống Trump và dấu ấn chính sách kinh tế “hai trong một”
Ngay sau khi kế nhiệm ông Obama bước chân vào Nhà Trắng, những chính sách đầu tiên để điều hành nền kinh tế Mỹ cũng như các quan hệ kinh tế đối ngoại của ông Trump đã tạo ra một thái cực rất rõ ràng: “Tổng thống trong vai doanh nhân”. Hay nói cách khác, ông Trump điều hành nước Mỹ trong đó có các chính sách kinh tế dựa trên góc nhìn của một doanh nhân. Cũng chính vì vậy, giới chuyên gia kinh tế Mỹ gọi ông là vị Tổng thống “hai trong một”.
Ở trong nước, ông Trump thực thi một loạt các chính sách được mệnh danh là “làm đẹp lòng cả người dân và doanh nhân” và phản ứng rất linh hoạt ở từng thời điểm. Một trong số đó là chính sách về thuế. Tác động của các đạo luật giảm thuế do ông Trump kí trong năm đầu tiên ngồi tại Nhà Trắng là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận. Những người chỉ trích cho rằng nó thiên vị cho người giàu, khiến cho tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn, và không đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Dù có một số đánh giá về mục đích về việc giảm thuế, tuy nhiên các đánh giá lạc quan cho rằng Tổng thống Trump luôn lấy tình hình kinh tế quốc gia ổn định làm thành tựu chính để vận động ủng hộ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử. “Chính sách giảm thuế, nới lỏng quy định và sẵn sàng thách thức các đối tác thương mại đã giúp Mỹ có được kết quả phát triển kinh tế như hiện nay”, ông Trump từng tuyên bố.
Trong suốt nhiệm kỳ, ông Trump đã triển khai biện pháp cắt giảm thuế quy mô lớn cho tầng lớp trung lưu. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trump cũng tuyên bố Nhà Trắng đang xây dựng kế hoạch cắt giảm thuế quy mô lớn có lợi cho tầng lớp trung lưu và sẽ được công bố trước cuộc bầu cử Quốc hội.
Không chỉ đối với tầng lớp trung lưu, gần đây nhất, ông Trump trong cuộc họp với các nhà lập pháp phía đảng Cộng hòa đã đưa ra đề xuất đưa thuế quỹ lương về 0% kéo dài từ nay đến cuối năm. Việc cắt giảm thuế quỹ lương - một trong những quyết sách trung tâm mà Tổng thống Donald Trump muốn Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng phê chuẩn – vốn được coi là chính sách kích cầu nền kinh tế vốn đang khủng hoảng vì Covid-19.
Cùng lúc, chính phủ của ông Trump áp dụng sáng kiến "Mua hàng Mỹ" để thuyết phục doanh nghiệp Mỹ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước, nhất là đối với dược phẩm và thiết bị y tế.
Đặc biệt, đối với giới tài phiệt ngân hàng, chính sách thuế của ông Trump cũng tạo ra một bầu không khí dễ thở hơn: Sau cuộc đại tu chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump cuối năm 2017, tiền thuế tiết kiệm được của 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã gia tăng nhanh chóng, hiện đạt đến 32 tỉ USD. Cùng với việc giảm đóng thuế, giới ngân hàng đã kiềm chế cho vay mới, cắt giảm việc làm và tăng cường chi trả cho cổ đông.
Về mặt đối ngoại, tâm điểm trong các chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Trump là sự đối đầu trực diện với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc vốn được giới chuyên gia sử dụng cụm từ “không khoan nhượng để miêu tả”. Nhiều đạo luật, chính sách với mức áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc đã khiến nước này phải thỏa hiệp và “đỡ hung hăng hơn”.
Trong suốt 2 năm cuối của nhiệm kỳ, ông Trump đã tạo ra một loạt các cơ chế nhằm siết chặt những gã khổng lồ Trung Quốc khi có dấu hiệu “cạnh tranh thiếu bình đẳng” ngay tại Mỹ. “Rất khó để nói chính sách này thắng hay thua nhưng điều rõ ràng là ông Trump không muốn nước Mỹ bị thấp kém hơn so với đối thủ” – chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Columbia bình luận.
"Dựa trên những thành tựu đáng kinh ngạc từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, chiến dịch vận động tái tranh cử của tổng thống hôm nay công bố những ưu tiên cốt lõi cho nhiệm kỳ hai với biểu ngữ “Chiến đấu vì các bạn!’"- website chiến dịch vận động của ông Trump viết trong thông cáo ngày trước giờ bầu cử đã miêu tả phần nào tính cách và chính sách của ông Trump nếu tiếp tục giành chiến thắng.
Từ George Bush đến Obama: Những chính sách “cứng và mềm” đan xen.
Trong 4 năm cầm quyền của mình (2004-2008), George Bush (tức Bush con) đã để lại cho nền kinh tế một gia sản nghèo nàn và đối mặt với nhiều khủng hoảng. Thế nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng chính sách kinh tế Mỹ dưới thời ông Bush khá tương đồng với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump về sự cứng rắn cả trong đối nội lẫn đối ngoại.
Đầu tiên phải kể đến chính sách giảm đầu tư và chi tiêu công. Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế chậm lại và trợ cấp của chính phủ giảm dần là đặc trưng của giai đoạn sau khủng hoảng 2007 - 2009. Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, việc chính phủ Mỹ rút hỗ trợ sớm khi đó đã làm đà phục hồi chững lại, khiến rất nhiều người không thể tìm việc trong nhiều năm. Trước khi bầu cử Mỹ dieenx ra, những tuần gần đây, nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng đã cảnh báo cả Mỹ và châu Âu về nguy cơ lặp lại sai lầm này. Nhiều nước phản ứng sớm tại châu Âu cũng đang dần chấm dứt hỗ trợ.
"Phản ứng chính sách ban đầu rất tốt, nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa", Karen Dynan, cựu kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama nhận xét. Đặc biệt: "Quyết định giảm chi tiêu công cách đây một thập kỷ thực sự đã kéo dài thời kỳ kinh tế yếu kém sau suy thoái".
Tuy nhiên, đó là ý kiến của một chuyên gia và nhiều chỉ trích hơn là khen. Công bằng mà nói, Chính phủ Bush đã đưa ra những chính sách cải tố nền kinh tế trì trệ và việc thất nghiệp tràn lan bằng việc giảm thuế và giảm lãi suất ngân hàng. Việc ngân hàng giảm lãi suất liên tục và đến lúc thấp nhất đã hấp dẫn với các nhà đầu tư cộng với việc giảm giá trị đồng dollar đã tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Mỹ trên thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu tăng đáng kể công việc cũng cải thiện tuy là chưa đủ. Việc giảm lãi suất ngân hàng dẫn đến thị trường địa ốc nóng lên hơn bao giờ hết. Nhiều người đổ xô đi mượn tiền ngân hàng đề mua nhà. Với những lý do trên đã làm nền kinh tế Mỹ khởi sắc. Tuy không bằng thời kỳ Bill Clinton. Nhưng nó cũng có những chuyển biến đáng kể.
Về đối ngoại, Bush đã song hành cả chính trị và kinh tế tạo nên các tác động lớn. Từ khi lên nắm quyền Bush đã thực thi một chính sách ngoại giao cứng rắn. Từ vấn đề Trung Đông, Afghanistan đến vấn đề Iraq. Việc lợi trước mắt của Mỹ là Mỹ đã nắm được nơi cung cấp dầu mỏ lớn trên thế giới. Qua việc những ảnh hưởng của chính trị tại Iraq đều ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế thế giới qua giá dầu mỏ lên xuống. “Nhưng nước Mỹ đã chủ động hơn với nguồn nhiên liệu chưa thể thay thế đại trà. Điều này rất giống với Trump hiện nay. Nó tích cực hơn bao giờ hết”, nhiều chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, Obama, vị Tổng thống 44 của nước Mỹ đưa ra nhiều chính sách theo định dạng lý thuyết “uyển chuyển như nước”. "Chúng ta biết rõ rằng ông Obama, vào tháng 1/2009, đã thừa hưởng một nền kinh tế gần như sụp đổ hoàn toàn do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trước khi ông nhậm chức”, cựu Phó chủ tịch Chevy Chase bình luận để nói về những khó khăn mà Obama gặp phải.
Nhưng nó cũng là cái cớ để Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích thành tích kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống Obama. Trong một cuộc họp báo gần đây, ông tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng: "Đó là chính quyền phục hồi chậm nhất, yếu nhất và tệ hại nhất trong lịch sử Mỹ".
Đặc trưng nhất trong các chính sách kinh tế thời Obama đối nghịch với Trump về quan điểm thuế đối với người giàu. Năm 2013, giới nhà giàu Mỹ như “lên đồng” khi vị Tổng thống da màu quyết định cắt giảm thâm hụt 1.800 tỉ USD trong một thập kỷ tới, thông qua các biện pháp tăng các khoản thu mới lẫn tiết kiệm chi tiêu. Để đạt được điều này, thuế tối thiểu đối với các hộ có thu nhập trên 1 triệu USD/năm sẽ tăng lên 30%.
Khoản tăng thuế, cộng với cắt giảm chi tiêu và giảm khấu trừ thuế với người có thu nhập cao, sẽ giúp thâm hụt ngân sách của Washington xuống còn 2,8% - một biện pháp gọi là cứu cánh cho GDP. Tuy nhiên, đối với trung lưu, cùng thời điểm đó, Barack Obama đã kêu gọi quốc hội nước này cần bảo vệ tầng lớp trung lưu để họ không bị tăng thuế. Đây cũng là bất đồng lớn nhất giữa phe Cộng hòa và Dân chủ.
Một đặc điểm rất khác so với cả người tiền nhiệm và kế nhiệm là ông Obama không đưa ra các bước đi cứng rắn trong chính sách kinh tế đối ngoại với Trung Quốc bất chấp những cảnh báo về “sự chèn ép của giới doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ trên quy mô toàn cầu”. “Obama muốn Mỹ là đồng minh hơn là đối thủ của Trung Quốc”.
Trần Nguyễn