Chiến tranh thương mại và kinh tế thế giới 2020

05/01/2020 09:26

(Pháp lý) - Kinh tế thế giới năm 2020 sẽ ra sao trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại của các nền kinh tế lớn trên thế giới Hoa Kỳ - Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc hay như Nga trong bối cảnh bị trừng phạt từ Phương Tây suốt 5 năm qua...?

[caption id="attachment_215826" align="aligncenter" width="410"]Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu năm 2019 Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu năm 2019[/caption]

Thương chiến Mỹ - Trung

Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, viện dẫn nước này có những chính sách về công nghệ và thương mại đi ngược lại với cam kết mở rộng thị trường của Bắc Kinh và không công bằng. Từ đó, hai bên áp thuế đáp trả lên tổng cộng hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau.
Cuộc chiến tranh thương mại này khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thiệt hại nặng, hàng xuất khẩu giảm mạnh và giá hàng tiêu dùng tăng vọt, dẫn đến thiệt hại dây chuyền đến nền kinh tế toàn cầu.

Phân tích của UNCTAD chỉ đánh giá tác động của thuế suất do Mỹ áp dụng và nhận thấy tác động khiến lượng hàng hóa Trung Quốc trong diện bị đánh thuế nhập vào Mỹ đã giảm 25% chỉ trong nửa đầu năm 2019.

Các nền kinh tế khác cũng chịu thiệt hại chung, dù được Mỹ và Trung Quốc chuyển hướng giao dịch nhiều hơn, do nền kinh tế toàn cầu ngày càng thu hẹp, nhất là trong trường hợp chiến tranh thương mại tiếp diễn.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 21/11/2019, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cảnh báo nếu không được giải quyết, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể leo thang thành cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp hơn cả Thế chiến thứ nhất. Từ đó, ông Kissinger cho rằng hai bên cần tìm ra các nguyên nhân chính trị và nỗ lực vượt qua những bất đồng. Ông bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ mở đầu cho cuộc thảo luận chính trị giữa hai nước, theo Bloomberg.

Người ta cũng dự báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2020 có thể đi theo 3 kịch bản. Thứ nhất, trong kịch bản “cuộc chiến thương mại được kiểm soát”, hai bên sẽ nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và định hướng đàm phán trong dài hạn về các bất đồng mang tính cốt lõi. Kịch bản này sẽ giúp thúc đẩy các triển vọng kinh tế toàn cầu, qua việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thế giới.

Thứ hai, trong kịch bản “chiến tranh công nghệ”, hai bên sẽ nhất trí về một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng không nhất trí về định hướng đàm phán dài hạn. Một “hiệp định đình chiến” sẽ là phần mở đầu của cuộc chiến thương mại dài hơi, mà ở đó Nhà Trắng sẽ viện tới “lý do an ninh quốc gia” để tận dụng các công cụ “chống cạnh tranh” nhằm làm xói mòn thành công 5G của Trung Quốc và sự bành trướng của Huawei. Kịch bản này sẽ dẫn tới các triển vọng u ám tại tất cả các nền kinh tế lớn.

Thứ ba, trong kịch bản “chiến tranh hỗn hợp”, thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" sẽ bị suy yếu, trong khi hai bên không đạt được định hướng đàm phán dài hạn. Trong kịch bản này, thế giới sẽ phải hứng chịu các hậu quả tồi tệ nhất khi Mỹ sẽ viện tới các công cụ kinh tế, chính trị, quân sự và các biện pháp giấu diếm khác để kiềm chế sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc và nước này sẽ đáp trả.

Theo như lời cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào giai đoạn "giảm tốc đồng bộ". Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Mỹ và Trung Quốc không đi theo kịch bản “cuộc chiến thương mại được kiểm soát”.

Theo thông tin mới, Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với Bắc Kinh để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài 17 tháng qua. "Thỏa thuận bằng văn bản vẫn đang được xây dựng, nhưng họ đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc", người này nói. Chưa có chi tiết cụ thể về thỏa thuận. Như vậy, nếu thỏa thuận được đưa ra, hy vọng cuộc thương chiến được kiểm soát, kinh tế thế giới nhờ đó sẽ ổn định trở lại.

[caption id="attachment_215827" align="aligncenter" width="410"]Tổng thống Trump cùng Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc. Tổng thống Trump cùng Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc.[/caption]

Cuộc tranh chấp có nguồn gốc lịch sử

Tháng 10/2018 Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết một công ty Nhật Bản phải bồi thường cho 4 người Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho họ trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên hồi Thế chiến II. Lập trường của Nhật Bản cho đến giờ là vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến đã được giải quyết xong khi hai nước ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại lập luận rằng hiệp ước này không ngăn người dân kiện các công ty Nhật Bản và phán quyết của tòa án nên được tôn trọng.

Phản ứng trước động thái của Seoul, Tokyo khẳng định Nhật Bản sẽ áp đặt các qui định xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao gồm fluorinated polyamides, photoresists và hydrogen fluoride dùng trong sản xuất điện thoại thông minh và chất bán dẫn của Hàn Quốc.

Đáp lại lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật, Hàn Quốc dọa trả đũa bằng việc hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản. Hàn Quốc nắm giữ tới 90-95% thị phần màn hình OLED toàn cầu. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách "trắng" gồm 27 nước với lý do nước láng giềng có hệ thống kiểm soát xuất khẩu không đáng tin cậy. Việc bị loại khỏi danh sách trắng có thể ảnh hưởng đến khoảng 1.100 mặt hàng và thiệt hại cho nền công nghiệp của Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng xóa tên Nhật Bản trong Danh sách Trắng các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tổ chức cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/7 để thảo luận về việc Nhật Bản áp dụng các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang thị trường Hàn Quốc. Cuộc họp có sự tham dự của các đại diện đến từ 164 nền kinh tế thành viên WTO.

Hai nền kinh tế hàng đầu châu Á đã sa lầy trong tranh chấp thương mại và nếu cuộc chiến này khốc liệt và gay gắt hơn chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Hai nước đã nhận ra điều đó sau hơn nửa năm thương chiến, bất lợi cho cả hai bên, hai nước đang nỗ lực để bình thường hóa mối quan hệ. "Bất chấp nhiều quan điểm khác nhau về các sự kiện lịch sử, chủ nghĩa thực dụng về chính sách kinh tế và thương mại sẽ thắng thế", Jesper Koll, cố vấn cao cấp của Wisdom Tree Investments, nhận xét.

"Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã nhận ra rằng họ "có trách nhiệm chứng minh với các quốc gia châu Á khác rằng nền thương mại tự do dựa trên luật lệ là nền tảng tốt nhất cho sự thịnh vượng chung, không chỉ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, mà tất cả các quốc gia châu Á và thế giới", Koll tuyên bố trong một email dành cho CNBC.

Nga trong bối cảnh trừng phạt của Phương Tây

Kể từ thời điểm mùa xuân năm 2014, khi Nga hứng chịu đòn trừng phạt đầu tiên từ phương Tây, liên quan việc bán đảo Crưm sáp nhập LB Nga, đến nay đã 5 năm trôi qua, căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Báo cáo về tầm nhìn kinh tế thế giới năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu năm 2019 cũng ghi nhận nền kinh tế Nga tiếp tục trụ vững, dù các đòn trừng phạt ngày một siết chặt, trong đó nổi bật nhất là tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định, sản lượng dầu tiếp tục tăng trong năm 2018. Một điều đáng nói khác là trước những áp lực không có dấu hiệu giảm nhẹ từ Mỹ, Nga còn mạnh tay “cắt giảm” 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc đồng USD bằng cách chuyển sang các đồng ngoại tệ khác, như Euro, Yên (Nhật Bản) và Nhân dân tệ (Trung Quốc), cũng như thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các nước ngoài phương Tây.

Tuy nhiên, Báo Độc lập (Nga) cho biết năm 2019 là năm tăng trưởng tồi tệ nhất trong 3 năm qua của nền kinh tế Nga. Theo ước tính của các chuyên gia, kinh tế Nga khó có thể tăng trưởng hơn 1% trong năm 2019.

Các chuyên gia cho rằng nhiều yếu tố tiêu cực, như nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu suy yếu và chi tiêu ngân sách giảm mạnh, đã tác động xấu đến đà tăng trưởng của kinh tế Nga. Nhu cầu nội địa - động lực tăng trưởng then chốt của kinh tế Nga - yếu hơn giữa bối cảnh thu nhập của người dân sụt giảm khiến chi tiêu tiêu dùng trở nên eo hẹp.

Chuyên gia phân tích Alexei Antonov của công ty Alor bình luận thực tế nền kinh tế Nga, do nhà nước đóng vai trò ngày càng lớn với chính sách kinh tế đang ngày càng bảo thủ và thuế cao hơn, tăng trưởng gần như bằng không nếu tính tới sai số thống kê”. Theo chuyên gia này, rõ ràng xuất khẩu đang đình trệ, do ảnh hưởng tạm thời của giai đoạn mất giá năm 2014, và các sản phẩm của Nga khó có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đang phát tác.

Nga là một quốc gia dồi dào dầu mỏ và nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên đó. Vào cuối năm 2018, sản lượng dầu của Nga đã ở mức cao nhất mọi thời đại, ở mức 11,16 triệu thùng mỗi ngày, theo Reuters. Trong năm 2017, khí đốt chiếm 59% sản lượng xuất khẩu của Nga và 25% tổng doanh thu của Nga, theo Ngân hàng Thế giới.

Nền kinh tế Nga đã chịu một cuộc khủng hoảng tài chính đáng kể từ năm 2014 đến 2017, khiến giá trị của đồng Rúp bị giảm đi một nửa. Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đồng Rúp khiến nó chạm mức thấp nhất trong hai năm (với tỷ giá 69,40 đồng rúp /USD). Trong năm 2013, đồng rúp ở mức 33 đồng Rúp/USD. Cuộc khủng hoảng kinh tế nguyên nhân lớn là do giá dầu đã giảm mạnh trong năm 2014 và các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Nga khi nước này can thiệp quân sự vào Ukraine.

Kinh tế thế giới 2020

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói, diễn biến nền kinh tế thế giới đang được gói gọn trong cụm từ: giảm tốc, tăng trưởng chậm lại và rủi ro bất định. Theo TS.Võ Trí Thành, trước hết là vấn đề giảm tốc, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, giảm tốc có thể kéo dài trong trung hạn. IMF thậm chí sửa dự báo nhiều lần.

Trong báo cáo mới nhất OECD cũng dự báo năm 2019 kinh tế giảm tốc, năm 2020 tiếp tục giảm, năm 2021 có thể đi lên chút đỉnh. Trong những nước giảm tốc, có thể xảy ra nặng ở những quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều nước ASEAN.

Thứ hai là tăng trưởng chậm lại. Trước đây, tăng trưởng thương mại lớn hơn tăng trưởng GDP toàn cầu, nhưng cách đây 2 năm, tăng trưởng thương mại đã nhỏ hơn GDP, năm nay cũng thấp hơn.

Các dự báo đưa ra từ các tổ chức quốc tế cũng rất khác nhau, vì hiện nay, kinh tế bất định và rủi ro cao, ảnh hưởng từ địa chính trị Bắc Hàn, biển Ðông và châu Âu… Diễn biến tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu có thể thấy rõ qua đà lan rộng của chính sách nới lỏng tiền tệ. Tới nay, có khoảng 30 - 40 ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, đơn cử Mỹ giảm mạnh mỗi lần 25 điểm phần trăm.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm suy giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, các đối tác của Việt Nam giảm tốc, kéo theo suy giảm nhu cầu nhập khẩu.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/10, bà Kristalina Georgieva dự báo chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 700 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP toàn cầu vào năm 2020.

Phân tích mới của IMF cũng dự báo, nếu kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, khối nợ doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng lên 19.000 tỷ USD, tương đương gần 40% tổng nợ tại 8 nền kinh tế lớn - cao hơn thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm trước, bà Georgieva cho biết.

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những rạn nứt ngày càng lớn và những vết nứt này có thể gây thay đổi kéo dài cả một thế hệ, bao gồm, chuỗi cung ứng bị phá vỡ và "Bức tường Berlin kỹ thuật số", buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa các hệ thống công nghệ, bà Georgieva nhận định. Bà cho rằng sẽ ngày càng nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi những xung đột này bởi vì các nền kinh tế đã trở nên kết nối mạnh mẽ trong hai năm qua.

Bà Georgieva kêu gọi các quốc gia giải quyết những mối quan ngại chính đáng liên quan tới hoạt động thương mại của mình, như giảm trợ cấp thương mại, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Tuy nhiên, nhìn dài hạn hơn thì cũng có những đánh giá lạc quan. Hội nghị Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 đưa ra các dự báo về tăng trưởng sản lượng nền kinh tế toàn cầu, bao gồm 11 khu vực chính, 33 nền kinh tế chủ chốt và 36 thị trường mới nổi trong giai đoạn 2020 – 2024 và 2025 – 2029. Kinh tế toàn cầu suy giảm đáng kể trong năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống mức 2,3% so với 3% năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ phục hồi lên mức 2,5% vào năm 2020 và có thể tăng trưởng lên mức 2,7% vào những năm giữa thập kỷ. Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ hưởng lợi từ thu nhập cao hơn và tỷ lệ lạm phát thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng sự đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số để tăng doanh thu và giảm chi phí.

Thái Chân

 

Bạn đang đọc bài viết "Chiến tranh thương mại và kinh tế thế giới 2020" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin