Không ít ý kiến cho rằng “chiếc áo” giãn thuế trong dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là quá chật trước nhiều lĩnh vực, ngành hàng bị thiệt hại, rất cần ngành thuế tính toán lại.
Mới đây, các tiểu thương ở 3 chợ lớn trên địa bàn quận 1, Tp.HCM là Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Thái Bình đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị giảm thuế đến Chi cục Thuế quận 1 với lý do là tình hình kinh doanh hiện nay quá ế ẩm trong mùa dịch.
Ai cũng chật vật!
Tương tự, hàng nghìn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5) đã cùng nhau ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch Covid-19.
Trong đơn xin giảm thuế, các tiểu thương cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đa số các quầy sạp không bán được hàng hóa, mãi lực tại chợ gần như bằng 0. Vì vậy, tiểu thương mong được cơ quan thuế xem xét giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian từ 3 - 6 tháng tính từ tháng 2/2020.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp cấp bách để hỗ trợ giới tiểu thương tại các chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này và việc xem xét giảm thuế là vấn đề thiết thực.
Tuy nhiên, không chỉ riêng tình cảnh chật vật của các tiểu thương, việc giảm thuế cho các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại trong mùa dịch xem ra khó khả thi, bởi nguồn thu ngân sách năm 2020 chật vật không kém.
Trong khi đó, việc gia hạn nộp thuế cho những trường hợp sản xuất kinh doanh bị thiệt hại trong mùa dịch là điều mà phía cơ quan quản lý nhà nước đang hướng tới. Thế nhưng, đối tượng nào được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế thì vẫn còn có không ít băn khoăn.
Ngày 17/3, góp ý với Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý ở Điều 1 của Dự thảo đã xác định 22 nhóm ngành kinh tế sẽ được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế do chịu thiệt hại từ dịch bệnh Covid-19.
Theo VCCI, cần bổ sung một số nhóm đối tượng: các dịch vụ vui chơi, giải trí như thư viện, bảo tàng, chiếu phim, sân khấu, dịch vụ biểu diễn, khu vui chơi, khu bảo tồn, công viên, các dịch vụ thể thao (trừ các hoạt động sáng tác, xổ số, cá cược và đánh bạc).
Bên cạnh đó, cần bổ thêm nhóm lĩnh vực cho thuê mặt bằng, bất động sản thương mại, cho thuê sân khấu, hội trường, khu làm việc chung (co-working space). Hoặc như nhóm ngành dịch vụ giáo dục; và các dịch vụ phục vụ cá nhân khác có sự tiếp xúc trực tiếp như cắt tóc, làm đầu, gội đầu, massage, spa, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ hôn lễ.
Cần “chiếc áo" rộng hơn
“Đây đều là các dịch vụ chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19 và rất cần có sự giãn thuế của Nhà nước nhằm tránh cho DN gặp khó khăn về dòng tiền trong giai đoạn này”, VCCI nêu rõ.
Chẳng hạn như với lĩnh vực dịch vụ giáo dục hay ngành thiết bị giáo dục, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng đây là nhóm ngành chịu ảnh hưởng rất nặng nề do học sinh, sinh viên đang nghỉ học trong mùa dịch.
“Nhóm ngành này đang gặp “khủng hoảng thừa” với những sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho việc giáo dục nhưng lại chịu cảnh thiếu người mua, thiếu người sử dụng. Đã không có nguồn thu nhưng họ lại còn nặng gánh chi phí về mặt bằng, nhân sự…”, ông Dũng nói.
Vì thế, việc không có tên trong 22 nhóm ngành kinh tế sẽ được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế sẽ là thiệt thòi lớn cho nhóm ngành dịch vụ giáo dục.
Ngoài ra, VCCI còn đề nghị cơ quan soạn thảo của Bộ Tài chính nghiên cứu quy định trường hợp DN không thuộc các ngành kinh tế trên, nhưng cũng phải chịu thiệt hại do các quyết định cách ly, phong toả, buộc dừng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đó là các DN có trụ sở, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu vực cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước, các DN có từ 20% số lao động trở lên thuộc diện cách ly bắt buộc.
Ví dụ trường hợp các DN tại khu công nghiệp Bình Xuyên bị thiếu lao động trong 21 ngày cách ly xã Sơn Lôi thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hoặc là các trường hợp cách ly, phong toả, buộc đóng cửa, dừng hoạt động khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Được biết, danh mục ngành kinh tế để gia hạn nộp thuế được xác định dựa theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 22.600 tỷ đồng khi gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3-6/2020 (nộp thuế trong tháng 4-7). Trong đó, số thuế GTGT giãn của DN theo ngành kinh tế là 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của DN nhỏ và siêu nhỏ là 10.900 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc giảm số thu ngân sách thời điểm này trong khi cần gia hạn nộp thuế cho các DN, nhóm ngành kinh tế bị thiệt hại là bài toán hóc búa với cơ quan quản lý thuế.
Thế nhưng, trước “chiếc áo” giãn thuế được cho là quá chật với nhiều lĩnh vực, ngành hàng bị thiệt hại vì dịch Covid-19, rất cần ngành thuế tính toán lại sao cho hợp lý với “chiếc áo” rộng hơn, là phương cách lâu dài để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/chiec-ao-gian-thue-co-qua-chat-1066285.html