Cần những giải pháp pháp luật toàn diện để phòng, chống tham nhũng từ nguồn lợi đất đai

21/03/2017 13:56

(Pháp lý) - Mặc dù số liệu thống kê cho thấy thực trạng tham nhũng là có giảm, nhưng tình hình tham nhũng nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng là rất nghiêm trọng, phức tạp và ngày càng tinh vi hơn. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai kỳ này cần thiết kế những quy định chặt chẽ, toàn diện hơn để phòng, chống tham nhũng từ nguồn lợi đất đai.

Ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách nhà nước

Tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng” do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức, ông Lê Quốc Trung, đại diện Bộ TN – MT cho rằng: Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn bất cập đã tạo kẽ hở tham nhũng, trục lợi cho nhiều tổ chức; Việc thực hiện giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong một số trường hợp không theo quy hoạch mà chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư; Lợi dụng thẩm quyền để lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm trục lợi; Việc xác định giá đất làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Điều đáng nói là những hoạt động có dấu hiệu tiêu cực, trục lợi kể trên, có nhiều hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng đất vàng như giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất trong đấu giá đất.

Từ trước đến nay, có một ý nghĩ vừa là định kiến, vừa có thật, đó là cán bộ liên quan đến đất đai, có rất nhiều đặc quyền đặc lợi. Ở hầu hết các nơi, những cán bộ làm công tác quản lý đất đai thường có thu nhập cao hơn cán bộ khác, thể hiện ở chỗ họ mua xe đẹp hơn, nhà cửa rộng rãi hơn. Tất nhiên, nhiều cán bộ quản lý đất đai biện minh là do họ tham gia vào dự án này khác nên thu nhập cao hơn, nhưng có nhiều chuyên gia chính trong ngành lại cho rằng đó chỉ là biện minh. Bởi cán bộ đất đai thường biết trước quy hoạch, kìm hãm quy hoạch, nhờ chuyên môn, vị trí công tác đoán biết được giá trị của đất nên có thể trục lợi.

Các nhà khoa học tham dự một tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai - Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách” đã đưa ra nhiều ý kiến rằng: Thực tế từ một số dự án cho thấy, tham nhũng đất đai nảy sinh từ tương tác giữa doanh nghiệp với cán bộ công chức là nghiêm trọng nhất và ngày một tăng cao cùng với chủ trương đối tác công tư. Đồng thời, trong hầu hết các dự án lợi ích của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án này đã không quan tâm thỏa đáng. Trên thực tế các nhóm lợi ích chi phối quá trình quy hoạch và phát triển và ít quan tâm tới những lợi ích kinh tế và xã hội rộng lớn hơn. Kết quả nghiên cứu ở 5 dự án khác nhau chỉ ra nhiều loại tham nhũng, như thông thầu, tham nhũng chính sách vv… Ở một dự án xây dựng đô thị mới ở miền núi phía Bắc tới 400 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, nhưng chỉ có một nhà thầu.

Thống kê của Chính phủ cho thấy, trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra và được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Nhưng tài sản tham nhũng mà nhà nước thu hồi được là rất thấp, chỉ đạt khoảng 4.676 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Như vậy trên 90% tài sản tham nhũng, đã bị các quan tham “ăn” mất thông qua con đường tẩu tán, tiêu xài hoang phí…

Hướng đến quản lý toàn diện đất vàng

Trong một lần trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng đất đai trên đất nước Việt Nam thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện toàn dân để quản lý sử dụng, các tổ chức cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng. Nếu nhà nước quản lý sử dụng kém hiệu quả, tạo ra lợi ích nhóm là có tội với nhân dân. Lợi ích trên đất đai quá lớn nên rất dễ bị lợi dụng nếu nhà nước quản lý không nghiêm, đặc biệt là đất công và đất thuộc quyền sử dụng của quân đội (Bộ Quốc phòng).

Lô đất “vàng” ở số 23 Lê Duẩn (TP. Hồ Chí Minh) đã chính thức về tay Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Lô đất “vàng” ở số 23 Lê Duẩn (TP. Hồ Chí Minh) đã chính thức về tay Tập đoàn Tân Hoàng Minh)

Bởi vậy, việc siết chặt quản lý đất đai đặc biệt là đất vàng là rất quan trọng và cần thiết hiện nay. Theo Quyết định số 3344/QĐ-TTCP phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu kí thì trong năm nay Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc thanh tra dự phòng. Đặc biệt, trong đó có sự phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị mới; thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc bộ này; thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị 11/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Cuộc thanh tra này sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vụ II sẽ thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.

Nội dung liên quan đến chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác cũng được Thanh tra Chính phủ giao Cục I thanh tra tại UBND TP Hà Nội, Cục II thanh tra tại UBND tỉnh Khánh Hoà và UBND TP Đà Nẵng, Cục III thanh tra tại UBND TP Cần Thơ.

Như vậy, vấn đề chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là đất đắc địa, đất vàng đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm đặc biệt, sau những vụ chuyển nhượng đất vàng gây thiệt hại lớn cho khối tài sản công mà dư luận đã lên tiếng với phản ứng khá mạnh thời gian qua.

Tuy nhiên có nhiều e ngại rằng, việc làm này là muộn so với thực tế. Một số doanh nghiệp có lợi thế về đất đã bị nhà đầu tư thâu tóm.

Thanh tra để chỉ ra sai phạm và có chế tài xử lý nghiêm là cần thiết, muộn còn hơn không. Nhưng một vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào đưa được lợi thế so sánh trong kinh doanh của các DNNN có nhiều “đất vàng” vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Làm được việc này sẽ vừa hạn chế tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, vừa giúp phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, góp phần đảm bảo giúp quá trình tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không bị biến dạng so với những mục tiêu, ý nghĩa đề ra ban đầu.

Cần những giải pháp pháp luật toàn diện

Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại siêu thị Intimex ở số 22-32 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Tập đoàn BRG
Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại siêu thị Intimex ở số 22-32 Lê Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Tập đoàn BRG)

Tăng cường vai trò của Nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra song song với việc tăng cường giám sát của cộng đồng, của báo chí, dư luận là những giải pháp thích hợp nhằm ngăn chặn những vụ chuyển nhượng đất vàng một cách mờ ám, ngăn chặn việc bòn rút tài sản công cho những nhóm lợi ích.

TS. Andrew Wells Dang - cố vấn quản trị cao cấp của Tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Việt Nam, cho rằng, “khoảng tự do chính sách” dẫn tới sự bắt tay giữa công - tư, giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. “Cấu kết tham nhũng thời gian qua là do sự tham gia giám sát của cộng đồng chưa mạnh mẽ, mà điều này rất quan trọng, cho nên phải kiểm soát tham nhũng, giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy mô hình người dân giám sát và sự tham gia của cộng đồng.

Từ cách tiếp cận này, nhiều chuyên gia đề xuất một số giải pháp. Trước hết, Nhà nước yêu cầu các chủ đầu tư lập dự án theo hướng mở, yêu cầu các nhà đầu tư tham vấn đại diện của người dân và cộng đồng trong từng khâu của dự án. Các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thử nghiệm hình thức thiết kế dự án mở tại Việt Nam. Thiết kế dự án mở cho phép người dân tham gia tranh luận về xây dựng đề án, thiết kế dự án, phân bổ ngân sách cho dự án và giám sát thực hiện dự án. Sự hỗ trợ về mặt chủ trương của Nhà nước và kỹ thuật của các nhà tài trợ là nền tảng cho sự thành công của cơ chế mở ở cấp độ dự án này.

Hai là, tạo cơ chế cho người dân tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc quy hoạch và phát triển đất đai. Để làm được điều này, hệ thống luật pháp liên quan đến đất đai và quản lý dự án cần được bổ sung các quy định bắt buộc về việc tiếp thu ý kiến của người dân. Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng cần chú trọng ưu tiên phòng ngừa những hành vi “kết nối” có thể có giữa doanh nghiệp và cán bộ, công chức ở những lĩnh vực “nóng”, như đất đai và đầu tư.

* Đón đọc tiếp các bài viết sửa đổi Luật Đất đai trên các số Tạp chí Pháp lý kỳ phát hành tiếp theo

Thái Đăng – Anh Tuấn

Bạn đang đọc bài viết "Cần những giải pháp pháp luật toàn diện để phòng, chống tham nhũng từ nguồn lợi đất đai" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin