Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bị ép từ chức vì mối quan hệ với Nga

Đảng Dân chủ Mỹ đang lên tiếng chỉ trích và kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từ chức sau khi có thông tin “tố giác” ông hai lần liên lạc với Nga trong lúc cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions)

Ngày 1.3, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, ông Jeff Sessions đã 2 lần tới gặp Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey Kislyak khi ông đang là Thượng nghị sỹ bang Alabama và là thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Lần đầu tiên, ông Sessions bị cáo buộc gặp riêng ông Kislyak, và lần thứ hai là gặp cùng một nhóm, sau khi ông Sessions đọc bài diễn văn tại một sự kiện do Heritage Foundation tổ chức.

Tuy nhiên, ông Sessions đã tuyên bố với Quốc hội Mỹ rằng ông không có bất kì mối liên hệ nào với Nga, tờ Washington Post cho biết.

Trong buổi tuyên thệ của tân Tổng thống Donald Trump diễn ra vào tháng 1, khi được hỏi về việc liệu có cá nhân nào trong đội ngũ tranh cử của ôngTrump liên hệ với Nga hay không, ông Sessions đã khẳng định chắc nịch rằng ông không biết những hoạt động này và ông cũng không liên lạc với Nga.

Trong thư phản hồi Thượng nghị sĩ Patrick J. Leahy, ông Sessions một lần nữa khẳng định, ông chưa bao giờ liên lạc với các quan chức của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua và ông cho rằng đó là một cáo buộc vô căn cứ.

Mặc dù vậy, các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn kêu gọi Bộ trưởng Sessions từ chức. Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện ông Nancy Pelosi cho rằng, "ông Sessions không phù hợp để trở thành người đứng đầu cơ quan tư pháp của Mỹ, ông đã nói dối Quốc hội về mối liên hệ với Nga, ông ấy phải từ chức”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ron Wyden - một thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Thượng viện đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chính quyền của Tổng thống Trump với phía Nga.

Ông Sessions là một trong những chính khách đầu tiên của đảng Cộng hòa chính thức ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Đồng thời, ông cũng là một cố vấn và đồng minh chính trị rất được ông Trump tin tưởng.

Trước đó, việc ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp cũng gây ra nhiều tranh cãi, vì có ý kiến cho rằng, quan điểm của ông gây bất lợi cho nhóm người thiểu số ở Mỹ. Vào thời điểm đó, đã có 1330 giáo sư luật phản đối ông nắm giữ chức vụ này.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin