Bí ẩn vụ sát hại Đại sứ Mỹ ở Libya

27/01/2019 12:49

Đêm 11 rạng sáng 12-9-2012, một nhóm vũ trang nặc danh đã tấn công tòa nhà trụ sở Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Benghazi, phía Bắc Libya, giết chết 4 người Mỹ bao gồm cả Đại sứ Christopher Stevens, 52 tuổi và 10 nhân viên an ninh người địa phương.

Vậy diễn tiến vụ án này ẩn chứa những điều gì?

Dựa trên một cuốn phim đăng tải trên trang chia sẻ hình ảnh YouTube thuộc mạng Internet, do nhóm người gốc Ai Cập ở Mỹ lưu hành nhạo báng đấng tiên tri Muhammad của người Hồi giáo, làn sóng biểu tình chống Mỹ đã bùng phát khắp khu vực Bắc Phi và Trung Đông.

Nhưng điểm khác biệt diễn ra ở Libya thay vì phong tỏa Tòa đại sứ tại địa bàn thủ đô như các quốc gia lân cận, những người phản kháng lại nhắm vào Tổng lãnh sự quán Mỹ ở hải cảng Benghazi, nơi đang có mặt đương kim Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ tại Libya, ông C. Stevens - “cha đỡ đầu” của cách mạng Libya như báo chí phương Tây thường gọi.

Sinh năm 1960 ở Grass Valley, tiểu bang California trong một gia đình có cha là một viên chức cao cấp nghỉ hưu và mẹ là một nghệ sĩ đàn vĩ cầm, Christopher Stevens đã tốt nghiệp hai cơ sở giáo dục đại học công lập nổi tiếng ở California là Trường Berkeley và Trường Luật Hastings. Kế đến ông làm việc ở thủ đô Washington D.C trong vai trò là một luật sư thương mại quốc tế.

Năm 1991, ông C.Stevens gia nhập ngành ngoại giao, lần lượt công tác ở các Tòa đại sứ Mỹ tại “điểm nóng” Trung Đông như Israel, Syria, Ai Cập và Saudi Arabia.

Cảnh đốt phá Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi.
Cảnh đốt phá Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi.)

Từ tháng 3 đến tháng 11-2011, ông C.Stevens cầm đầu phái bộ đặc biệt của Hoa Kỳ tại Hội đồng chuyển tiếp quốc gia ở Benghazi, đô thị lớn thứ 2 ở Libya cũng là “thủ đô kháng chiến” của quân nổi dậy chống lại thể chế Muammar Gaddafi. Kế tiếp trong tháng 5-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu C. Stevens làm tân Đại sứ ở Libya, tới đầu tháng 6 cùng năm ông chính thức nhận bàn giao nhiệm sở từ cựu Đại sứ Gene Cretz.

Ông C.Stevens được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về thế giới Arab, được cử tới Benghazi trợ giúp phong trào kháng chiến chống lại nhà độc tài M. Gaddafi giữa giai đoạn ác liệt nhất. Rốt cuộc phần thắng đã thuộc về phe nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn. Điều trớ trêu của số phận là nơi C. Stevens đặt chân lên đất Libya lần đầu tiên từ con tàu chở hàng nghi binh treo cờ Hy Lạp vào ngày 5-4-2011, cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng chưa đầy một năm rưỡi sau đó.

Lật lại diễn tiến cuộc tấn công Tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi, trà trộn trong đám đông biểu tình hàng trăm người là những tên đàn ông có vũ trang. Lợi dụng đêm tối chúng đã sử dụng súng phóng lựu bắn thẳng vào bên trong Lãnh sự quán, gây ra vô số đám cháy hòng hủy hoại tài sản. Nhưng điều bí ẩn ở đây là làm sao các tay súng quá khích có thể biết được chính xác địa điểm trú ẩn, nơi các nhà ngoại giao sẽ tạm lánh những khi có mối đe dọa an ninh để điên cuồng bắn vào đó; cũng như lịch trình công cán của Đại sứ Mỹ luôn được liệt vào dạng thông tin tuyệt mật?

Ông C.Stevens vừa từ một hội nghị quốc tế ở Vienna (Áo) trở lại Tripoli khuya ngày 8-9-2012, để hai hôm sau đi cùng ông Sean Smith thuộc Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Benghazi, mục đích nhằm thông báo và triển khai biện pháp đối phó với các cuộc tấn công cơ sở ngoại giao và đại diện quyền lợi Mỹ ở nước ngoài, nhân 11 năm xảy ra “vụ không tặc thế kỷ” mà bọn khủng bố quốc tế đang ráo riết lên kế hoạch thực hiện.

Đến tối 10-9, Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C nhận được báo cáo chính thức, rằng Đại sứ quán ở Tripoli và Lãnh sự quán tại Benghazi trong trạng thái sẵn sàng đẩy lùi bất cứ hành vi bạo lực nào - với kịch bản tương tự vụ khủng bố ngày 11-9-2001 xảy ra trên đất Mỹ. Vậy mà chỉ nội ngày sau…

Điều không ai ngờ là giữa “cái nôi” Benghazi của cuộc cách mạng lật đổ M. Gaddafi, đoàn tuần hành phản kháng đông đảo lại quyết định… tiến chiếm Lãnh sự quán. Hệ quả là 4 người Mỹ đã thiệt mạng gồm Đại sứ C. Stevens và vị khách S. Smith, hai người còn lại là Tyrone Woods và Glen Doherty thuộc tiểu đội lính thủy đánh bộ bảo vệ Lãnh sự quán, cũng là hai cựu thành viên biệt đội đặc nhiệm SEAL lừng danh của Hải quân Mỹ.

Cuộc điều tra do chính quyền Libya tiến hành, cho thấy cuộc tấn công kéo dài 4 tiếng đồng hồ đã được lên kế hoạch từ trước, với chủ đích hòng báo thù cho vụ máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt Abu Yahya al-Libi, một lãnh đạo cao cấp người Libya trong mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Pakistan dạo 3 tháng trước. Chính Al-Qaeda đã lợi dụng bộ phim nói trên làm cái cớ, nhằm khởi xướng phong trào chống Mỹ đồng thời ở một loạt quốc gia Hồi giáo trên thế giới, để chúng dễ bề trà trộn và khuếch trương hành động bạo lực khi có điều kiện.

Theo nhân chứng Ali Fetori, người sống gần hiện trường vụ tấn công thì toàn bộ đội bảo vệ bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ là cảnh sát địa phương đã nhanh chóng bỏ chạy trước những tay súng vũ trang đằng đằng sát khí đang tiến về phía cổng chính. Còn Tổng thống Libya Mohamed Yousef el-Magariaf lên tiếng quả quyết, rằng “có người ngoại quốc tham gia tấn công tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Benghazi”.

Được biết, ông C. Stevens là Đại sứ Mỹ đầu tiên thiệt mạng trong vòng 1/4 thế kỷ qua, kể từ vụ Đại sứ Arnold Raphel tại Islamabad bị tai nạn phi cơ khi bay cùng Tổng thống Pakistan Zia ul-Haq dạo giữa tháng 8-1988. Lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ trong 6 thập niên gần đây ghi nhận có 8 vị đại sứ hy sinh khi tại nhiệm, trong đó có 6 người thiệt mạng do các hành động khủng bố và 2 người bị tai nạn máy bay đều thuộc dạng bí ẩn.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/the-gioi/vu-an-noi-tieng/bi-an-vu-sat-hai-dai-su-my-o-libya-285078.html

Bạn đang đọc bài viết "Bí ẩn vụ sát hại Đại sứ Mỹ ở Libya" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin