Bất động sản du lịch và vai trò của thị trường bất động sản du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế và chiến lược phát triển ngành du lịch ở Việt Nam

04/05/2022 09:57

Tóm tắt: Thị trường bất động sản du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là nhu cầu về du lịch bùng nổ và tăng đột biến sau thời kỳ hậu Covid – 19 ở cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Để thị trường bất động sản du lịch phát triển có hiệu quả, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của các vùng, miền trong cả nước, tạo nên sức hấp dẫn và phúc đáp tốt nhu cầu của du khách thì cần thiết khách quan cần phải có sự nhận định đúng đắn vai trò của thị trường BĐS du lịch. Nhận diện một cách khách quan sự phát triển của thị trường BĐS trong thời gian qua và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.

      Bài viết tập trung phân tích vai trò của thị trường BĐS du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế và chiến lược phát triển ngành du lịch của Việt Nam trong thời gian tới với một số vấn đề trọng tâm sau đây:

  1. Nhận diện các phân khúc thị trường BĐS du lịch có tiềm năng và thế mạnh ở Việt Nam; 
  2. Nhận diện vai trò của thị trường BĐS du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế và là yếu tố then chốt để hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam;
  3. Dự báo về xu hướng phát triển của thị trường BĐS du lịch trong thời gian tới mà gợi mở những giải pháp cho việc thúc đẩy sự phát triển thị trường này.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là đất nước xinh đẹp, giàu tiềm năng và có nhiều thế mạnh cho việc phát triển ngành du lịch nói chung và thị trường BĐS du lịch nói riêng với sự phong phú và đa dạng về du lịch rừng, du lịch biển, du lịch bản địa, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa tâm linh, ẩm thực, khám phá.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, … cạnh tranh được với các nước trong khu vực và phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác để Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Như vậy, Nghị quyết 08-NQ/TW đã định hướng tập trung phát triển thị trường bất động sản du lịch trong trung hạn và dài hạn.

Hiện thực hóa Nghị Quyết nêu trên của Bộ Chính trị, một trong những yếu tố then chốt, những mắt xích quan trọng và là cầu nối, là điểm đến đầu tiên của du lịch Việt Nam đó chính là những sản phẩm BĐS du lịch Việt Nam với sự hòa quyện giữa những sắc màu du lịch độc đáo, mang dấu ấn của mỗi vùng, miền, địa phương và sự phong phú, đa dạng của những sản phẩm du lịch có khả năng thích ứng cao với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Phát triển thị trường BĐS du lịch là con đường duy nhất để phát hiện, khám phá và chuyển hóa những vùng đất hoang sơ trở thành những khu du lịch nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế; cũng là con đường ngắn nhất để quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam với sự đa dạng về văn hóa, giàu truyền lịch sử tới cộng đồng quốc tế.

 

diem-du-lich-01-1632671030-1651630905.jpg
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, chỉ có thể phát triển thị trường BĐS du lịch Việt Nam với kỳ vọng nêu trên nếu chúng ta nhận định và đánh giá đúng đắn, khách quan về vị trí và vai trò của thị trường BĐS du lịch tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhận diện được thị trường BĐS hiện tại đang hiện diện ở đâu, mức độ nào ở những vai trò đó và cần phải làm gì trong thời gian tới để vai trò của thị trường BĐS du lịch được phát huy, phúc đáp ngày càng có hiệu quả nhu cầu và thị hiếu của thị trường và định hướng của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.

2. Vai trò của thị trường bất động sản du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế và chiến lược phát triển ngành du lịch ở Việt Nam

    2.1. Tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển thị trường BĐS du lịch và phát triển ngành du lịch

Thị trường BĐS là một trong những thị trường “đầu vào” không thể thiếu được của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ngành du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Du lịch là một ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp 10% vào GDP toàn cầu trong năm 2016 (theo UNWTO).[1] Trong những năm gần đây, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, bên cạnh các cơ sở lưu trú du lịch truyền thống như khách sạn, nhà nghỉ… các sản phẩm BĐS mới, đa dạng nhằm thích ứng với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng trong nước và quốc tế với mục đích không chỉ thuần túy là nghỉ dưỡng, mà cao hơn là các sản phẩm BĐS du lịch có sự tích hợp bởi nhiều mục đích và tính năng khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch như: nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm, trải nghiệm, khám phá, thân thiện môi trường. Thể theo nhu cầu đó, hàng loạt các loại hình BĐS du lịch mới đã phát triển khá sôi động trong thời gian gần đây như: căn hộ du lịch (condotel) – khách sạn căn hộ hay căn hộ khách sạn; biệt thự du lịch (resort villa); nhà nghỉ du lịch (hostel); nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); bãi cắm trại du lịch hay nhà phố du lịch (shoptel); nhà phố thương mại (shophouse) - loại hình nhà phố cho phép việc đầu tư kinh doanh các dịch vụ mua sắm và dịch vụ lưu trú khách sạn du lịch; mô hình homestay - loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch; mô hình farmstay - mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, một sản phẩm lai kết hợp giữa hai từ “farm” (nông trại) và “homestay” (khu lưu trú địa phương)… Những sản phẩm này trên thị trường được gọi chung là BĐS du lịch hoặc BĐS nghỉ dưỡng. Có thể khẳng định rằng, dù hình thành muộn hơn so với các phân khúc thị trường BĐS khác trong nền kinh tế song thị trường BĐS du lịch có sự phát triển nhanh và lớn mạnh và về số lượng các dự án BĐS du lịch và chất lượng của dự án (xét ở khía cạnh đáp ứng và làm hài lòng sự lựa chọn theo sở thích đa dạng của du khách).

Nếu xét ở tính năng và mục đích khai thác của từng sản phẩm BĐS du lịch cụ thể, có thể nhận diện tiềm năng và thế mạnh của thị trường BĐS du lịch ở Việt Nam cho thấy, thị trường BĐS du lịch có dư địa phát trển tốt ở những phân khúc thị trường cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển

Có thể khẳng định đây là phân khúc thị trường phát triển bậc nhất so với các phân khúc thị trường BĐS du lịch khác và là thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam. Khẳng định điều này bởi lẽ, Việt Nam được ưu đãi với vị trí thuận lợi về địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên. Theo đó, Việt Nam có hơn 3000 km đường bờ biển được trải dài ở đất nước hình chữ S với những cảnh quan thiên nhiên hung vĩ, với hơn 125 bãi biển  nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu cho những vịnh đẹp nhất trên thế giới; với 126 bãi cát biển đẹp (trong đó có khoảng 20 bãi cát đạt tiêu chuẩn quốc tế), cùng hàng trăm bãi biển nhỏ, đẹp, nằm ven các vịnh tĩnh lặng, quanh các đảo hoang sơ có thể khai thác, phát triển loại hình du ngoạn, picnic, v.v. Vùng biển ven bờ có khoảng trên 2.500 đảo lớn, nhỏ; nhiều đảo, cụm đảo có giá trị du lịch cao, như: Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, v.v. Đây là tiềm năng lớn mà chúng ta đã, đang và sẽ tận dụng, khai thác phát triển du lịch biển.[2] Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của du lịch biển, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: du lịch biển, đảo là một trong 05 lĩnh vực kinh tế biển, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung.

Thứ hai, tiềm năng và thế mạnh của du lịch rừng, du lịch trải nghiệm

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng trên 27,3 triệu ha, tương đương với 80,4% tổng diện tích Việt Nam, đóng góp 24% GDP, sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia. Thực tế, tỷ lệ người đang sinh sống ở nông thôn và miền núi chiếm tới gần 70% dân số của Việt Nam.[3] Trong nhóm đất nông nghiệp hiện nay một số loại đất cụ thể có tiềm năng và lợi thế lớn cho phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá và mạo hiểm như: đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, rừng trồng, đất đồi núi. Trong đó, đặc biệt là mô hình du lịch trải nghiệm như Homestay và farmstay là hai loại hình mới nổi lên ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Homestay là mô hình kinh doanh dành cho khách du lịch sẽ đến đó và ở cùng với chủ nhà cùng ăn, cùng ở để trải nghiệm lối sống văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. Cũng giống như farmstay, khách du lịch khi đến đó là để trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng với chủ trang trại. Nếu không có khách, thì chủ trang trại vẫn thực hiện việc sản xuất bình thường, không ảnh hưởng gì đến nguồn thu nhập chính của mình. Để nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách, các chủ đầu tư hiện nay đã xây dựng homestay và farmstay theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Đó là xây dựng những dự án lớn, trang bị tất cả những điều kiện về nghỉ dưỡng như phòng ốc, không gian sinh hoạt chung, ăn uống và thậm chí nhiều nơi còn có cả hồ bơi đều rất tiện nghi. Đây là phân khúc thị trường du lịch được  nhiều khách du lịch ưa chuộng trong thời gian gần đây bởi không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Cùng với đó, mô hình kinh doanh du lịch khám phá, mạo hiểm cũng đã bắt đầu dành sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Dù là mô hình mới mẻ và được giới trẻ khá ưa chuộng và trong tương lại hứa hẹn sẽ có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực này.

Đây cũng là mô hình kinh doanh cần được khuyến khích và nhân rộng bởi khác với các dự án BĐS khác về nhà ở, về kết cấu hạ tầng, về dịch vụ thương mại thì chúng thường chỉ tập trung ở những trung tâm, cận trung tâm, nơi có điều kiện về hạ tầng đồng bộ, đất đưa vào dự án chủ yếu là đất phi nông nghiệp có giá thành cao, thì đất để thực hiện các dự án BĐS du lịch trải nghiệm, khám phá chủ yếu được thực hiện trên đất nông nghiệp hoặc đất ở nông thông xen lẫn với các loại đất nông nghiệp, đất rừng, gắn với chủ thể sử dụng là hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, khách quan có thể khẳng định rằng, nếu thuần túy sử dụng để các hộ gia đình, cá nhân sử dụng, giá trị kinh tế sẽ rất thấp bởi chúng chỉ được sử dụng cho một chức năng đơn nhất là để ở hoặc canh tác; nếu kinh doanh farmstay hoặc homestay theo kiểu tự phát của các hộ gia đình, cá nhân  mang tính nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao, không thể thu hút khách du lịch ở phạm vi diện rộng, lại gây ra những hệ lụy về môi trường. Như nhận thấy được thực trạng đó, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS du lịch trong những năm trở lại đây bắt đầu quan tâm, chú trọng tới việc phát triển BĐS du lịch trên nền tảng đất nông nghiệp nhằm tận dụng và khai thác tối ưu quỹ đất, gắn với vấn đề môi trường trên nền tảng giữ gìn và tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử của người dân bản địa. Kinh doanh mô hình này của các nhà đầu tư kinh doanh BĐS được triển khai ở phạm vi diện rộng sẽ mang đến sức sống mới, diện mạo mới cho những vùng, miền, địa phương; hạ tầng được nâng cấp, giải quyết được nhiều lao động nhàn rỗi ở các vùng nông thôn và điều quan trọng là nâng cao giá trị và hiệu quả của đất đai, biến những vùng đất hoang sơ, giá trị kinh tế thấp thành những địa điểm du lịch độc đáo, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Nếu mô hình này được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện, hoạt động chính quy và bài bản thì chúng có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, địa phương.

Tiềm năng và thế mạnh của du lịch văn hóa:

Dân tộc Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với nền văn hóa đa dạng bản sắc của 54 dân tộc anh em, trong đó có nhiều tài nguyên đặc biệt có giá trị. Chỉ tính riêng về các di tích, trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng. Tám di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam và 9 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kỹ năng độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.

      Nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế trong những năm gần đây dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với việc tìm hiểu, khám phá và chiêm nghiệm về lịch sử, văn hóa, tâm linh và những yếu tố đặc sắc, độc đáo của của mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia, dân tộc và chúng luôn được gắn liền và đồng hành với mỗi chuyến đi, những kỳ nghỉ dưỡng của du khách. Như nhận thấy điều đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS du lịch cũng đặc biệt chú trọng tối đa việc khai thác các giá trị này ở mỗi địa bàn thực hiện dự án đầu tư và tích hợp, gắn kết các tiềm năng và thế mạnh của văn hóa của mỗi vùng miền trong từng dự án. Đó cũng là lý do cho thấy, xu hướng gần đây trên thị trường thường xuất hiện các dự án BĐS du lịch công sinh – ở đó có sự tích hợp của nhiều sản phẩm, nhiều phân khúc BĐS du lịch khác nhau như: nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, văn hóa tâm linh…

Tiềm năng và thế mạnh của du lịch ẩm thực

Ẩm thực là một phần không thể thiếu của mỗi nền văn hóa. Đối với ẩm thực Việt Nam cũng vậy, các món ăn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giữ gìn và phát huy các món ăn truyền thống là một phương pháp bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam. Văn hóa ẩm thực Việt được coi là tài sản quý, là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Ngay trong thời điểm hoạt động du lịch hầu như bị “tê liệt” bởi dịch COVID-19. Mỗi một món ăn đều gắn liền với sự tích ra đời, sự tồn tại để giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế.

Ẩm thực Việt Nam mang trong nó những nét văn hóa riêng gắn liền với ba miền Bắc, Trung và Nam. Mỗi vùng miền lại có những món ăn mang đậm chất địa phương và đặc biệt là chịu nhiều những ảnh hưởng của tập quán dân cư cũng như các điều kiện tự nhiên phong phú. Từ đó tạo ra sự đa dạng cho nền ẩm thực Việt. Cũng chính bởi sự đa dạng phong phú đó mà ẩm thực Việt Nam mang những ý nghĩa đặc trưng của một nền văn hóa lâu đời. Ẩm thực Việt thật sự đã làm say lòng biết bao du khách và bạn bè quốc tế khi đến thăm Việt Nam. Ẩm thực Việt với sự phong phú, đa dạng cũng như hội tụ đầy đủ những nét tinh tế riêng biệt đã trở thành một biểu tượng về văn hóa. Ẩm thực Việt Nam không chỉ là những món ăn, đó còn là hồn dân tộc, là hơi thở của một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Đây là cũng là một trong những thế mạnh, là điểm nhấn và giá trị riêng biệt của ngành du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Dấu ấn đặc biệt và giá trị không thể phủ nhận này luôn được các chủ thể đầu tư kinh doanh BĐS quan tâm, chú trọng trong việc hiện thực hóa các ý tưởng đầu tư của mình ngay từ khi bắt đầu các dự án đầu tư BĐS.

Tiềm năng và thế mạnh của du lịch khám phá, mạo hiểm

Du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình du lịch đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch, đặc biệt là những khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm, trở về với tự nhiên. Bản chất con người là muốn khám phá những điều mới lạ từ tự nhiên và từ nền văn hoá bản địa, đặc biệt là ở những vùng xa xôi. Do đó, khi đời sống vật chất và tinh thần tương đối đầy đủ, bản chất ấy lại trỗi dậy trong mỗi con người. Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến những điểm đến mới, ít nổi tiếng để khám phá những trải nghiệm mới lạ. Nhiều quốc gia đang rất coi trọng phát triển du lịch mạo hiểm bởi những lợi thế về sinh thái, văn hóa và kinh tế của loại hình du lịch này.

Ở Việt Nam, với 3/4 địa hình là đồi núi, với các hệ thống sông ngòi chằng chịt, các dãy núi đá vôi của địa hình karst, nhiều hang động đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn, với hơn 3.000 km bờ biển tạo nên những cảnh đẹp vô cùng phong phú, những bức tranh sinh động trải dài từ Bắc đến Nam là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm. Địa hình nước ta rất thích hợp cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ (trekking), leo núi (hiking),  đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu… Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nguyên sơ và bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, khu vực miền núi Đông bắc, Tây Bắc, miền Trung Tây Nguyên là những địa chỉ tuyệt vời cho việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Tuyến đường từ Đà Nẵng lên Kon Tum, từ Đà Lạt về Phan Rang, đèo Prenn, tuyến đường số 4 từ Cao Bằng đến Hà Giang, 2 tuyến đường tại Hà Giang (từ Thị xã Hà Giang lên Đồng Văn và từ Bắc Quang đến Hoàng Su Phì sang Xín Mần), tuyến đường vòng cung Tây Bắc từ Hoà Bình qua Sơn La lên Điện Biên, Lai Châu sang Sa Pa (Lào Cai) và từ thị xã Lào Cai đến Bắc Hà là những tuyến đường có cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và rất thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm như mô tô, ô tô, xe đạp. Đỉnh Phan Xi Păng, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), dãy núi Lang Biang (Đà Lạt), dãy núi Yên Tử (Quảng Ninh), đỉnh Bạch Mã, vách núi hòn Phụ Tử ở Hà Tiên,  là những nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch leo núi. Việt Nam có rất nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ mà ở đó có thể tổ chức loại hình du lịch vượt thác đầy mạo hiểm và hấp dẫn như Thác Đầu Đẳng (Hồ Ba Bể), Thác Dray Sap, Dray Nu, Thác Dam Bri ở Tây Nguyên, Thác Bản Giốc (Cao Bằng) và nhiều thác nước khác ở vùng núi Đông bắc và Tây bắc của Tổ quốc. Với lợi thế bờ biển dài, hàng trăm bãi biển và nhiều hòn đảo đẹp và hấp dẫn như đảo Cát Bà, đảo Cù Lao Chàm, đảo Phú Quốc, Côn Đảo, các đảo trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, chúng ta có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch mạo hiểm dưới biển và trên đảo như lặn biển, đua thuyền kayak, đua thuyền buồm, lướt ván, dù bay trên biển,… Hệ thống sông, hồ dày đặc cũng là những tiềm năng to lớn cho việc tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm. Các hồ như hồ Ba Bể, hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà, hồ Núi Cốc và các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Hương, sông Cửu Long đều là những địa chỉ thích hợp cho việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm dưới nước.

Những nghiên cứu trên đây cho thấy, phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về phát triển ngành công nghiệp không khói là một định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Hiện thực hóa chủ trương và định hướng này của Đảng và Nhà nước, một trong những yếu tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là thúc đẩy thị trường BĐS du lịch phát triển lên một tầm cao mới, với những quyết sách mới và điều quan trọng là cần phải đánh giá đúng đắn vị trí và vai trò của thị trường BĐS đối với sự phát triển của ngành du lịch và đối với sự phát triển của nền kinh tế.

2.2. Vai trò của thị trường BĐS du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế và của ngành du lịch

Sự ra đời và phát triển của dòng sản phẩm BĐS du lịch trong thời gian qua có ý nghĩa và tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an sinh và môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho con người. Có thể nhận diện rõ nét vai trò của thị trường BĐS du lịch thông qua một số giá trị cơ bản sau đây:

Thứ nhất, bất động sản du lịch có vai trò quan trọng làm đa dạng hoá sản phẩm thị trường bất động sản từ đó đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là điều hết sức cần thiết đối với các quốc gia muốn phát triển ngành du lịch, trong đó có Việt Nam. Thị trường bất động sản đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia và địa phương. Những hoạt động của BĐS du lịch đang dần được phát triển theo hướng bền vững, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân địa phương và cho cả quốc gia. Phát triển BĐS du lịch trong đó có các mô hình du lịch xanh, bền vững góp phần vào sự tăng trưởng về kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Bất động sản du lịch là một ngành tất yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, chính vì thế việc đa dạng các loại hình du lịch trong BĐS du lịch không chỉ là nhiệm vụ mà còn một trong các yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của thị trường BĐS du lịch một quốc gia. Với những bước thử nghiệm các loại du lịch mới đã làm đa dạng hoá thị trường BĐS Việt Nam hơn nữa một số mô hình này đang từng bước gặt hái được những thành công nhất định. Không những đó, còn góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước muốn đến và tìm hiểu nét văn hoá của từng địa phương hay từng quốc gia.

Thứ hai, Thị trường BĐS du lịch lại có vai trò lớn thúc đẩy ngành du lịch phát triển rộng khắp trong cả nước, điều tiết công ăn việc làm, tạo dòng tiền nhàn rỗi từ các khu vực giàu có đến các địa bàn khó khăn, giúp vực dậy nền kinh tế khu vực, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách trong xã hội. Bên cạnh đó, BĐS du lịch là hàng hóa có giá trị lớn, các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, xây dựng đều cần có nguồn vốn lớn, đòi hỏi cam kết tài chính lâu dài giữa chủ đầu tư và người mua.

Thứ hai, đa dạng các loại hình bất động sản làm tăng vị thế cho thị trường BĐS so với các thị trường khác, nâng cao về mặt kinh tế, tạo đà phát triển cho ngành du lịch. Các nhà đầu tư thường bị thu hút bởi các loại BĐS có giá trị cao, từ đó sử dụng nguồn vốn lớn, tăng thu ngân sách cho việc thu tiền sử dụng đất,... Khi thị trường bất động sản du lịch tăng cao kéo theo đó các thị trường khác có liên quan cũng nâng cao. Bởi thị trường bất động sản là thị trường quan trọng trong nền kinh tế, có mối liên hệ mật thiết với các thị trường khác, như: thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và đặc biệt là với thị trường tài chính, tiền tệ. Ngược lại, với thị trường tài chính, tiền tệ, việc đầu tư tạo lập bất động sản cần sử dụng một lượng vốn lớn với thời gian tạo lập bất động sản cũng như thu hồi vốn tương đối dài, vì vậy thị trường bất động sản đóng vai trò là "đầu ra" lớn nhất, đồng thời những biến động của thị trường bất động sản có tác động trực tiếp đối với thị trường tài chính, tiền tệ. Từ đó tăng vị thế của thị trường BĐS du lịch so với các ngành khác, tạo đà cho các ngành có liên quan tạo cơ hội việc làm cho phần lớn người dân.

bds-nghi-duong-1651631008.jpg
Thị trường BĐS du lịch lại có vai trò lớn thúc đẩy ngành du lịch phát triển rộng khắp trong cả nước (ảnh minh hoạ)

 Thứ ba, ở góc độ an sinh xã hội, thị trường BĐS du lịch góp phần kéo giãn khu dân cư. Việc vận hành chuỗi bất động sản du lịch tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong quá trình xây dựng, vận hành dự án qua đó điều tiết dòng lao động, dòng tiền từ chỗ giàu đến chỗ nghèo hơn, bảo đảm an sinh xã hội. Kéo theo đó các mô hình dự án sẽ góp phần kéo giãn khu dân cư tạo sự đồng đều trên từng địa phương tránh các tình huống ùn tắc ở vùng này nhưng lại thưa thớt ở vùng khác.

Thứ tư, thị trường BĐS du lịch phát triển, là động lực để thúc đẩy sự hình thành đồng bộ hạ tầng cơ sở, điều có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng. Góp phần làm thay đổi diện mạo và của địa bàn và khu vực.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa kéo theo sự phát triển hạ tầng, an sinh xã hội tốt, môi trường sống và môi trường đầu tư tốt sẽ là điều kiện tiền đề quan trọng để trợ giúp đắc lực cho ngành du lịch nói chung và thị trường BĐS du lịch nói riêng phát triển. Ngược lại, sự phát triển của ngành du lịch với nhu cầu về các dịch vụ BĐS du lịch đòi hỏi ngày càng cao sẽ đặt ra các yêu cầu về việc tạo lập BĐS của các CĐT kinh doanh BĐS phải cho ra đời những dòng BĐS đồng bộ, có chất lượng và có khả năng đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu của du khách. Theo đó, không còn giới hạn trong phạm vi tạo lập các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng mà các nhà đầu tư còn quan tâm, chú trọng tới việc hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo lập cấu trúc hệ sinh thái du lịch cộng sinh.

Thứ năm, phát triển thị trường BĐS du lịch là cơ hội tối ưu khai thác và sử dụng đất đai một cách có hiệu quả. Thị trường BĐS du lịch là thị trường có tính chất đặc biệt và duy nhất có khả năng tìm tòi, phát hiện và khám phá những vùng đất hoang sơ, chưa có giá trị, những vùng đất chết thành những vùng đất có giá trị kinh tế cao, mang dấu ấn độc đáo của mỗi vùng miền và bảo lưu được các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc trưng của địa bàn, của khu vực đó. Ở một khía cạnh khác, thị trường BĐS du lịch so với các phân khúc thị trường khác như: nhà ở, thương mại, dịch vụ, hạ tầng công nghiệp thì quy mô của các dự án BĐS du lịch thường có nhu cầu sử dụng đất ở phạm vi rộng lớn hơn. Với sự đầu tư của khoa học, công nghệ, nguồn tài chính lớn, lại được đầu tư chủ yếu bởi các chủ thể đầu tư lớn, có tiềm năng và thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm trên thương trường nên có khả năng để để nâng cao giá trị của các BĐS hiện hữu là rất lớn.

Thứ sáu, thị trường BĐS du lịch cũng là thị trường duy nhất có khả năng và cơ hội để tối ưu hóa tiềm năng và thế mạnh của BĐS mà không một phân khúc thị trường BĐS nào khác có được. Khẳng định như vậy bởi lẽ, so với các BĐS khác như nhà ở, thương mại, dịch vụ, hạ tầng thì hầu hết chỉ phục vụ cho một chứng đơn nhất hoặc nếu có kết hợp cũng chỉ thêm một vài chức năng như: nhà ở kết hợp với văn phòng cho thuê, thương mại, dịch vụ. Những nhu cầu này thì không phải đất ở vị trí nào, khu vực nào cũng có thể tạo lập phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, thậm chí là phong tục, tập quán của vùng miền. Ví dụ, đất ở khu vực miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì không thể xây dựng nhà ở chung cư với các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại để kinh doanh. Tuy nhiên, đối với thị trường BĐS du lịch thì có khả năng thích ứng cao với nhu cầu và thị hiếu đa dạng, thể theo phong tục, tập quán, thói quen của mỗi vùng miền. Khẳng định như vậy bởi lẽ, BĐS du lịch vô cùng đa dạng và chúng có khả năng tích hợp bởi nhiều chức năng và tích hợp nhiều tiện ích và mục đích khác nhau trong cùng một dự án đầu tư. Thị trường BĐS du lịch cũng hoàn toàn có thể nghiên cứu và phát triển một cách chủ động dự án nhằm thích ứng với nhu cầu mang tính đặc thù này. Ở một khía cạnh khác, với thị trường BĐS du lịch, tính thích ứng cao còn được thể hiện ở chỗ, chúng có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách linh hoạt và hiệu quả hơn so với các phân khúc thị trường khác.

3. Dự báo về xu hướng phát triển của thị trường BĐS du lịch trong trong thời gian tới và những gợi mở về giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường BĐS du lịch phát triển trong thời gian tới

3.1. Dự báo về xu hướng phát triển thị trường BĐS du lịch trong thời gian tới

Chiến lược phát triển du lịch quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để bất động sản du lịch tăng trưởng trở lại sau thời gian dài đóng băng do dịch COVID-19. Giới chuyên gia nhận định, phân khúc này còn nhiều dư địa phát triển, cần tái cơ cấu để phát triển đồng bộ, bền vững.

Ngày 15.3 vừa qua Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau gần 2 năm đóng cửa. Đây được xem là tin vui trong những ngày đầu năm không chỉ cho riêng ngành du lịch mà còn mở ra cơ hội phục hồi bất động sản du lịch - phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề suốt 2 năm dịch bệnh Covid -19 kéo dài vừa qua. Du lịch phát triển sẽ tác động tích cực tới thị trường BĐS du lịch. Sau thời gian đương đầu nhiều khó khăn, năm 2022, loại hình này sẽ từng bước phục hồi mạnh. Chiến lược phát triển du lịch quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để phân khúc trên tăng trưởng trong tương lai.

Hàng loạt các nhà đầu tư lớn, với các dự án BĐS du lịch nhiều tỷ đô la đã được triển khai trong những năm gần đây, với sự sang trọng và đẳng cấp về tiện nghi, về vị trí và quy mô có thể kể đến như: Dự án Phú Quốc United Center của Tập đoàn Vingroup ở Bãi Dài, Phú Quốc, Kiên Giang với tổng diện tích: 1.044ha; Quy mô: 12.172 phòng nghỉ khách sạn và villa cao cấp; Dự án Sun Riverside Village của Tập đoàn Sun Group ở Sầm Sơn, Thanh Hóa với diện tích: 1.260ha (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư: 25.000 tỷ đồng với sự phong phúc và đa dạng về các dòng sản phẩm: Shophouse, toà nhà cao tầng hỗn hợp, boutique hotel; Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO Group tại Vân Đồn Quảng Ninh, tổng diện tích: 358,3ha với sự tích hợp của nhiều sản phẩm BĐS du lịch như: Khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, trung tâm hội nghị quốc tế, shophouse; Dự án Novaworld Phan Thiết của chủ đầu tư Novaland tại Phan Thiết, Bình Thuận với tổng diện tích: 1.000ha, Vốn đầu tư: 5 tỷ USD và nhiều loại sản phẩm: Nhà phố, biệt thự, khu thương mại... Dự án Venezia Beach – Luxury Residences & Resort của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt tại Hồ Tràm Bình Châu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Diện tích: 72ha, Sản phẩm: Nhà phố, nhà phố vườn, biệt thự song và đơn lập, khu khách sạn 5 sao; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Wonder City Van Phong Bay của chủ đầu tư Eurowindow Holding tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích: gần 300ha, Vốn đầu tư: 3.350 tỷ đồng; với các sản phẩm đẳng cấp: Nhà thấp tầng, khách sạn, căn hộ khách sạn, resort cho du lịch nghỉ dưỡng.

Theo dõi và quan sát trong những tháng đầu năm 2022 khi đại dịch Covid về cơ bản đã được kiểm soát, kinh tế có sự phục hồi trở lại, thị trường du lịch cũng đã khởi động ở mảng thị thị trường quốc tế cũng là cơ hội tốt cho thị trường BĐS du lịch vốn ngủ yên trong gần 3 năm qua cũng bắt đầu được khởi sắc trở lại. Theo đó, ở mảng thị trường BĐS du lịch đã có sự bùng nổ các dự án nghỉ dưỡng hàng tỷ USD của những ông chủ đầu tư lớn được trải dọc ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Có thể kể đến như: Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ninh, Khánh Hòa đều rầm rộ xuất hiện những dự án nghỉ dưỡng ven biển vốn đầu tư tỷ USD. Điển hình: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Wonder City Van Phong Bay của chủ đầu tư Eurowindow Holding tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích: gần 300ha, Vốn đầu tư: 3.350 tỷ đồng. Đây là dự án nhắm đến phát triển du lịch biển gồm khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, resort với nhiều loại hình giải trí cao cấp. Dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định) do Hưng Thịnh phát triển vừa công bố giai đoạn 1 rộng hơn 623,71 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 47.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Dự án Nova Group công bố khu phức hợp nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí NovaWorld tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD, có hàng trăm tiện ích tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn này tham vọng phát triển dự án thành một địa điểm du lịch chăm sóc sức khỏe cho khách nội địa và cả quốc tế. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam (VFI Group), Công ty cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Israel trình UBND tỉnh Lâm Đồng mong muốn lập quy hoạch dự án 18.000 ha. Dự án được thực hiện tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh (khoảng 12.500 ha) và huyện Lâm Hà (khoảng 5.500 ha).

tien-do-xay-dung-du-an-movenpick-cam-ranh-2-1024x576-1651631044.jpg
Hàng loạt các nhà đầu tư lớn, với các dự án BĐS du lịch nhiều tỷ đô la đã được triển khai trong những năm gần đây (ảnh minh hoạ)

Tại TP Bảo Lộc, thành viên Sam Holdings, Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm đề xuất tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khoảng 1.034,5 ha, đồng thời đề xuất được đầu tư dự án trên khu đất. Còn ở huyện Di Linh, Công ty Vườn Thời Đại Việt Nam đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại các xã Hòa Trung, Liên Đầm và Bảo Thuận quy mô 4.000 ha, trong đó 3.500 ha là khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Sự bùng nổ của các dự án nghỉ dưỡng siêu khủng được xem là nằm trong kịch bản đã được dự báo trước do Việt Nam có lợi thế về khí hậu, vùng biển ấm, bãi biển đẹp và có nhiều tiềm năng cho phát triển khu sinh thái, rừng, khu bảo tồn còn hoang sơ, thu hút sự quan tâm của khách du lịch nội địa và quốc tế. Nếu các siêu dự án nghỉ dưỡng về đích sẽ thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tạo sức hút cho ngành du lịch, giúp cộng hưởng cho sự phát triển kinh tế.

3.2. Những gợi mở về giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường BĐS du lịch phát triển trong thời gian tới

Một thị trường BĐS du lịch phát triển đúng định hướng, có hiệu quả, chính quy, lành mạnh và công khai hóa nếu được triển khai trên nền tảng của khung pháp lý phù hợp, an toàn và linh hoạt. Một cơ chế tổ chức thực thi có hiệu quả, hướng tới bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể tham gia thị trường, giải quyết có hiệu quả những tồn đọng và tạo môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn và hiệu quả, tôn trọng tối đa các quy luật của thị trường. Mặt khác, một thị trường BĐS du lịch phát triển hiệu quả nếu nhận được sự quan tâm đúng đắn, nhìn nhận đúng vai trò và tầm quan trọng đối với nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, tôi mạnh dạn gợi mở một số giải pháp mang tính tổng quát sau đây:

      Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất và phù hợp điều chỉnh đối với thị trường BĐS du lịch

Hơn thế, ngày 15 tháng 5 năm 2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chuyên đề cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh. Cùng với đó, Chính Phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện “Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) về hoàn thiện pháp luật đăng kí tài sản: động sản và bất động sản”.

Như vậy, có thể thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây là ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lí minh bạch, thông thoáng cho các hoạt động của thị trường bất động sản nói chung, trong đó có thị trường BĐS du lịch. Quan điểm này của Đảng và Nhà nước là đường lối chỉ đạo để xây dựng những chính sách pháp luật cụ thể về thị trường BĐS du lịch ở Việt Nam.

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vào tháng 4 năm 2018, Chính Phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai. Đây là những Luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh BĐS du lịch. Theo đó, hàng loạt các chính sách cần phải được nghiên cứu và sửa đổi phù hợp trong thời gian tới đó là: Chính sách về quy hoạch; Chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng bất động sản du lịch; Chính sách kinh doanh bất động sản du lịch; Chính sách tài chính đối với BĐS du lịch; Chính sách quản lý bất động sản du lịch; Chính sách sở hữu bất động sản du lịch. Theo đó, chính sách này cần phải thống nhất, đồng bộ, toàn diện, phù hợp và có khả năng thích ứng cao với nhu cầu và thị hiếu của thị trường, của các tác động khách quan của tình hình kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.

      Thứ hai, chú trọng tới việc khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của BĐS ở mỗi vùng, miền, khu vực, nhằm tạo ra sự đa dạng của các sản phẩm BĐS du lịch

Chú trọng tới việc khơi dậy khả năng và thế mạnh của mỗi vùng, miền, địa bàn, khu vực trên cơ sở chú trọng tới tiềm năng sẵn có của thiên nhiên ban tặng, gắn kết với các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử của mỗi vùng miền. Cùng với đó, xu thế chung của pháp luật ở các quốc gia hiện đại là định hướng thị trường BĐS trên nền của sự ổn định chính trị, sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia và lãnh thổ, đặc biệt quan tâm, chú trọng tới với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường. Cụ thể:

Thứ ba, giải quyết dứt điểm những tồn đọng nhằm thanh lọc thị trường

Sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của hàng loạt các BĐS du lịch trong thời gian qua cũng để lại những hệ lụy trái chiều cho thị trường BĐS du lịch, pháp luật điều chỉnh đối với thị trường cũng bộc lộ nhiều khoảng trống. Theo đó, nhiều vấn đề nổi cộm, có ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư song chưa được giải quyết dứt điểm, đang bị bỏ ngỏ dây dưa kéo dài làm mất niềm tin của khách hàng, sự an toàn của các chủ thể tham gia thị trường không được đảm bảo. Vì vậy, sự cần thiết trong thời gian tới cần được Nhà nước có chỉ đạo kịp thời giải quyết những tồn đọng đối với những vấn đề nổi cộm như: Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các sản phẩm BĐS du lịch, đặc biệt là các Resort villa và Condotel; Các dự án giao đất ở không hình thành đơn vị ở; cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp cận đất đai để thực hiện dự án đầu tư và vận hành dự án vốn đang là điểm nghẽn đối với các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhằm phát triển thị trường du lịch trở thành ngành du lịch mũi nhọn

      Để phát triển thị trường BĐS du lịch có hiệu quả, nhằm hiện thực hóa về chiến lược du lịch Việt Nam theo Nghị Quyết của Đảng đã đặt ra thì cần các giải pháp tổng thể, động bộ và toàn diện. Theo đó, bên cạnh các giải pháp gợi mở nêu trên, còn có các giải pháp khác như:

Một là, đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong 5 năm tới và chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của Du lịch.

Hai là, có chính sách miễn visa cho khách du lịch. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam.

Ba là, có chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cần có các chính sách tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch như ưu tiên hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề du lịch, xây dựng tiêu chí cho các chức danh ngành nghề du lịch…

Bốn là, hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng du lịch trong đó chú trọng dành nguồn lực công tư thích hợp cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông nhiều hình thức tới các khu, điểm du lịch; đầu tư khu lưu trú, dịch vụ du lịch.

Năm là, có chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển BĐS du lịch. Cần tập trung vào các ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, về tiền thuê đất, về thuế, ưu đãi về tín dụng, khuyến khích đầu tư những tổ hợp BĐS du lịch đa công năng quy mô lớn. Nghiên cứu áp dụng các chính sách ưu đãi tương tự như đối với 2 ngành kinh tế mũi nhọn khác là nông nghiệp và công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào chính sách về tài trợ vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn…

KẾT LUẬN

Hình thành muộn hơn so với các thị trường về nhà ở, công nghiệp và dịch vụ, song thị trường bất động sản du lịch lại có bước phát triển nhanh, mạnh và có nhiều dư địa để phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, đòi hỏi sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật đối với thị trường này bên cạnh tính đồng bộ, tính phù hợp còn đòi hỏi phải mang tính hiện đại và thích ứng cao với sự phát triển năng động đó của thị trường. Theo đó, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản du lịch được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở của nền tảng lý luận chung về thị trường bất động sản, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản mang tính liên ngành đang có hiệu lực; đồng thời chú trọng tới tính đặc thù của thị trường bất động sản du lịch; cùng với đó là những yêu cầu khách quan thực thực tiễn đặt ra.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai và Kinh doanh BĐS,

Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội

 

[1]https://vn.savills.com.vn/insight-and-opinion/savills-news/155034-0/savills-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%8Bnh-xu-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-du-l%E1%BB%8Bch-n%C4%83m-2030-va-cac-tac-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BA%BFn-b%C4%91s-du-l%E1%BB%8Bch-ngh%E1%BB%89-d%C6%B0%E1%BB%A1ng

[2]http://m.tapchiqptd.vn/vi/bien-dao-viet-nam/tiem-nang-va-vai-tro-cua-du-lich-bien-doi-voi-kinh-te-viet-nam-16221.html#:~:text=V%C3%B9ng%20bi%E1%BB%83n%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20c%C3%B3,nhi%E1%BB%81u%20quy%20m%C3%B4%2C%20h%C3%ACnh%20th%E1%BB%A9c.

[3]https://ihoctot.com/nong-nghiep-viet-nam-chiem-bao-nhieu-phan-tram#:~:text=nghi%E1%BB%87p%20Vi%E1%BB%87t%20Nam-,S%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20n%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p,d%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20c%E1%BB%A7a%20Vi%E1%BB%87t%20Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản du lịch và vai trò của thị trường bất động sản du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế và chiến lược phát triển ngành du lịch ở Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin