Bàn về quy tắc xuất xứ hàng hóa và một số bài học cho Việt Nam

TÓM TẮT:

Trên cơ sở nghiên cứu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Úc/Niu-di-lân (AANZFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và pháp luật của một số quốc gia, bài viết tổng hợp và phân tích quy tắc xuất xứ hàng hóa, từ đó chỉ ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng quy tắc xuất xứ hàng hóa nội địa.

Từ khóa: Quy tắc xuất xứ, trị giá khu vực, gian lận xuất xứ, hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra một không gian rộng lớn cho hàng hóa nước ta vươn ra thế giới dễ dàng hơn, đồng thời cũng đặt ra vấn nạn gian lận xuất xứ hàng hóa. Đề cập tới nguyên nhân của hiện tượng này không thể không nhắc tới sự thiếu sót từ phía quy định của pháp luật Việt Nam.

Bài báo tập trung phân tích các quy định của một số FTA mà Việt Nam là thành viên về cách xác định xuất xứ hàng hóa, trình bày cách xác định xuất xứ theo quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về xuất xứ hàng hóa nội địa và phòng chống có hiệu quả hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa.

2. Quy tắc xuất xứ và ý nghĩa

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, định nghĩa xuất xứ hàng hóa được nêu trong Điều 3(b) Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO như sau: “Một nước được xác định là nước xuất xứ của một hàng hóa cụ thể nếu như hàng hóa được hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó thì nước xuất xứ hàng hóa là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”. Như vậy, Hiệp định nhìn nhận xuất xứ hàng hóa dựa trên phương pháp xác định nước xuất xứ theo tiêu chí sản xuất hoàn toàn hoặc theo công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng tại một quốc gia. Còn tại Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa Việt Nam đã đưa ra định nghĩa xuất xứ hàng hóa như sau: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Xuất xứ giống như “quốc tịch” của hàng hóa, quy tắc xuất xứ giúp cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu và có được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA hay không.

Các FTA một mặt mở ra môi trường thuận lợi cho hoạt động ngoại thương giữa các quốc gia nội khối, mặt khác lại làm phát sinh số lượng lớn hành vi gian lận thương mại. Một bộ quy tắc xuất xứ thích hợp sẽ giúp việc quản lý xuất xứ hàng hóa trong FTA, góp phần phòng chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm và sản xuất nguyên phụ liệu, hàng hóa trong phạm vi FTA, kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các lãnh thổ thành viên FTA.

Trên thực tế, với hoạt động toàn cầu hóa như hiện nay, việc xác định và thừa nhận quốc gia nào là xuất xứ của hàng hóa là điều không hề dễ dàng. Do vậy, các Hiệp định thương mại luôn ghi nhận những quy tắc cụ thể để có thể xác định chính xác xuất xứ của hàng hóa và qua đó dành ưu đãi cho đúng đối tượng. Quy tắc xuất xứ ưu đãi (Quy tắc chung và Quy tắc cụ thể mặt hàng) là tập hợp các tiêu chí được xây dựng nhằm xác định hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA, bao gồm: Xuất xứ thuần túy, được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ (PE), chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), hàm lượng Trị giá Khu vực (RVC), công đoạn gia công chế biến cụ thể (SP) hoặc sự kết hợp của bất kỳ các tiêu chí nào trong số các tiêu chí kể trên.

3. Quy tắc xuất xứ theo một số FTA mà Việt Nam đã ký kết và pháp luật nước ngoài

3.1. Quy tắc xuất xứ theo CPTPP, AANZFTA và VJEPA

Một tiêu chí xác định xuất xứ cơ bản và phổ biến trong các FTA là xuất xứ thuần túy. Theo Điều 2 AANZFTA và Điều 24 VJEPA, hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên thì được xác định là có xuất xứ thuần túy. Quy tắc xuất xứ thuần túy được công nhận rộng rãi trong quy định pháp luật của hầu khắp các quốc gia cũng như trong các hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương bởi nó đề cập tới những hàng hóa có nguồn gốc tự nhiên như nông - lâm sản, khoáng sản cũng như thủy - hải sản. Quy định này chặt nhất trong hệ thống quy tắc xuất xứ và xem xét trên thực tiễn sản xuất, không nhiều mặt hàng đáp ứng được yếu tố “thuần túy”. Ví dụ: Cà phê thu hoạch tại Việt Nam và đường nhập khẩu từ Lào, chế biến thành cà phê hòa tan tại Việt Nam, thì sản phẩm này được xác định không có xuất xứ thuần túy dù phần lớn trị giá thành phẩm là từ Việt Nam. Đến CPTPP, tiêu chí này có sự mở rộng, cho phép “thu hoạch hoặc sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều Bên” (Điều 3.2). Toàn bộ khu vực CPTPP được coi như một vùng lãnh thổ thống nhất, không có sự phân biệt giữa các quốc gia thành viên. Ví dụ: Cà phê thu hoạch tại Việt Nam, sữa nhập khẩu từ Úc và vỏ nhôm nhập khẩu từ Malaysia, chế biến thành cà phê lon tại Việt Nam thì sản phẩm này có xuất xứ thuần túy.

Trường hợp hàng hóa không có xuất xứ thuần túy, tiêu chí “sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ” được áp dụng. Điều 24 VJPEA quy định hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc Nhật Bản từ những nguyên liệu có xuất xứ thì thỏa mãn xuất xứ nội khối. Tương tự, Điều 2 AANZFTA ghi nhận hàng hóa “sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên khác; và đáp ứng tất cả các yêu cầu xuất xứ liên quan khác” thì thỏa mãn quy tắc xuất xứ. Bản thân điểm a Điều 3.2 CPTPP tuy quy định về xuất xứ thuần túy nhưng có thể hiểu theo tiêu chí này. Bên cạnh đó, CPTPP cũng áp dụng tiêu chí này cho mặt hàng tân trang, nhà sản xuất nước thành viên được phép sử dụng nguyên liệu thu từ việc tháo dỡ hàng đã qua sử dụng, trải qua xử lý, làm sạch đưa về điều kiện hoạt động tốt được coi là nguyên phụ liệu có xuất xứ (không cần đáp ứng PSR), nếu được dùng để lắp ráp, sản xuất hàng tân trang. Ví dụ: Hàng hóa cũ nhập từ nước ngoài khối về tháo dỡ, xử lý, lắp ráp lại thành sản phẩm tân trang có bảo hành của nhà sản xuất, nếu xuất khẩu sang các nước CPTPP được hưởng thuế suất ưu đãi CPTPP.

Dưới tác động của hiện tượng chuyển dịch hàng hóa toàn cầu, việc hàng hóa được đưa vào lưu thông bao gồm các nguyên liệu thô, hàng hóa đang chế biến, các linh kiện… đến từ nhiều quốc gia là hết sức phổ biến. Từ đó nảy sinh ra trường hợp thứ hai, đó là hàng hóa có nguyên liệu không xuất xứ FTA. Khi này, RVC sẽ là tiêu chí để xác định xuất xứ hàng hóa.

RVC là một ngưỡng (tính theo tỷ lệ phần trăm) mà hàng hóa phải đạt được đủ để coi là có xuất xứ. Ngưỡng này có thể khác nhau tùy vào từng FTA, tùy vào quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) áp dụng cho từng mã HS khác nhau. Tương tự hầu hết các FTA trên toàn cầu, ngưỡng RVC tối thiểu của VJEPA và AANZFTA (tính trực tiếp và tính gián tiếp) là 40%. Với cách tính gián tiếp sử dụng trị giá hàng hóa trừ đi tất cả các yếu tố đầu vào không có xuất xứ hoặc không xác định được xuất xứ, thương nhân có thể giấu một số yếu tố như lợi nhuận trên mỗi sản phẩm, chi phí phân bổ, chi phí nhân công và một số chi phí khác. Do vậy, cách tính này được ưu ái lựa chọn nhiều hơn so với cách tính trực tiếp.

Với CPTPP, RVC, còn được tính theo giá trị tập trung (dựa trên trị giá của nguyên, phụ liệu không có xuất xứ, bao gồm các nguyên, phụ liệu không xác định được xuất xứ, được nêu trong quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng và được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa) và theo chi phí tịnh (áp dụng đối với phương tiện gắn động cơ). Đây là một phương pháp mới, đặc biệt hiệu quả khi một số lượng lớn vật liệu được sử dụng để sản xuất hàng hóa như máy móc và thiết bị cơ khí. Vì số lượng vật liệu được chỉ định trong PSR có xu hướng rất hạn chế, phương pháp này sẽ mang lại ít gánh nặng hành chính hơn liên quan đến việc xác nhận và xác minh trạng thái xuất xứ của hàng hóa so với các loại phương pháp tính toán khác.

Một tiêu chí xuất xứ ngày càng phổ biến hiện nay là Chuyển đổi mã số HS của hàng hóa (CTC). Xác định rằng những nguyên liệu không có xuất xứ phải được thực hiện một quá trình sản xuất trong khu vực nội khối khiến cho bản chất của chúng thay đổi và dẫn tới thay đổi mã HS ban đầu, khiến cho thành phẩm phải mang mã HS khác. CTC bao gồm: CC (Change in Chapter - Chuyển đổi Chương); CTH (Change in Tariff Heading - Chuyển đổi Nhóm) và CTSH (Change in Tariff Sub-Heading - Chuyển đổi Phân nhóm). Ví dụ: Sản phẩm trứng cá muối theo PSR của AANZFTA là RVC 40% hoặc CC, của VJEPA là CC.

Trường hợp nguyên vât liệu không đáp ứng tiêu chí CTC chỉ chiếm tỷ lệ thấp (De Minimis) thì thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ nếu tỷ lệ đó không vượt quá ngưỡng tối đa cho phép của trị giá hoặc trọng lượng của thành phẩm. Tỷ lệ được tính bằng trọng lượng hoặc trị giá của nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí CTC chia cho tổng trọng lượng hoặc trị giá hàng hóa có sử dụng nguyên vật liệu đó. Tỷ lệ này thay đổi tùy theo quy định tại các FTA. Hầu hết các FTA (bao gồm cả 3 FTAs được bàn tới trong bài) đều đặt ngưỡng không quá 10% trị giá hoặc trọng lượng hàng hóa. Riêng VJEPA, chỉ cho phép ngưỡng 7% trị giá hàng hóa đối với một số mặt hàng như cacao và chế phẩm từ cacao, cà phê, trà… CPTPP loại trừ áp dụng De Minimis với một số nguyên, phụ liệu sử dụng sản xuất mặt hàng bơ sữa, mặt hàng chứa bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả, một số loại dầu ăn. Ngoài ra, CPTPP còn xây dựng quy tắc bộ hàng hóa áp dụng cho bộ hàng hóa phân loại theo CTC, cho phép hàng hóa không có xuất xứ trong bộ chiếm tối đa 10% trị giá của bộ hàng hóa (Điều 3.17 Chương 3).

Tiêu chí công đoạn chế biến xác định rằng hàng hóa nếu có một phần xuất xứ nằm ngoài các quốc gia thành viên thì phải trải qua quá trình sản xuất cụ thể mà làm thay đổi một cách cơ bản về bản chất hàng hóa thì được coi là có xuất xứ. Hầu hết các hiệp định thương mại đều đưa ra cấu trúc chung về các hoạt động bị coi là không đáp ứng được trao xuất xứ hàng hóa dựa trên khuyến nghị của Công ước Kyoto. Tuy nhiên, danh mục này có thể dài hoặc ngắn, có thể áp dụng cùng với một, một vài hoặc tất cả các tiêu chí xuất xứ, bao gồm WO, PE, RVC, CTC hoặc SP tùy vào quy định cụ thể tại các FTA khác nhau. Ví dụ: VJEPA áp dụng cùng tiêu chí CTC, AANZFTA áp dụng cùng RVC.

CPTPP sử dụng danh mục để xác định xuất xứ hàng hóa, vì danh mục PSR trong hiệp định được quy định rất chi tiết và chặt chẽ để tránh “công đoạn gia công chế biến đơn giản” có thể diễn ra, từ đó hạn chế gian lận xuất xứ thực chất của hàng hóa. Tuy nhiên, CPTPP vẫn xây dựng danh sách công đoạn gia công đơn giản để xác định nơi sản xuất cuối cùng trong trường hợp Bên nhập khẩu áp dụng mức thuế ưu đãi khác nhau cho các quốc gia thành viên tại đoạn 8, Phần B, Phụ lục 2-D Chương 2 với 5 nhóm công đoạn.

Có ba hình thức cộng gộp cơ bản là: Cộng gộp thông thường, cộng gộp toàn phần và cộng gộp bán phần.

VJEPA và AANZFTA sử dụng quy tắc cộng gộp thông thường: Nguyên liệu nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chí xuất xứ FTA (đạt hàm lượng RVC tối thiểu 40%), khi đó 100% giá trị của nguyên liệu nhập khẩu đó sẽ được dùng để tính hàm lượng RVC trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.

CPTPP sử dụng quy tắc cộng gộp toàn phần, nghĩa là: Nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ nhưng có giá trị gia tăng trong khu vực thì số phần trăm giá trị gia tăng thực tế đạt xuất xứ của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng giá trị khu vực trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó. Quy tắc công gộp toàn phần thường được áp dụng trong nhóm hàng dệt may trong một số hiệp định như AJCEP hay AAZNFTA. Mức độ cộng gộp càng cao, ví dụ số lượng càng đông đối tác thương mại tiềm năng có nguyên liệu đầu vào đáp ứng xuất xứ, thì các quy tắc xuất xứ càng tự do và hàng hóa càng dễ thỏa mãn. Mặc dù những quy tắc cộng gộp rộng rãi có thể thúc đẩy các quốc gia cạnh tranh hơn trong quy trình sản xuất, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp. Tuy nhiên, điều này đồng thời có thể làm tăng khả năng sử dụng các ưu đãi FTA của các quốc gia không là thành viên. Mặt khác, phạm vi tích lũy hẹp có thể gây ra chi phí lớn hơn cho các nhà sản xuất, với rủi ro là các quy tắc xuất xứ không được thỏa mãn hoặc chỉ thỏa mãn với chi phí cao quá mức.

3.2. Pháp luật của một số quốc gia

Theo pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức, các nhà sản xuất được tự xác định xuất xứ hàng hóa và tự chịu trách nhiệm với công bố đó. Việc một nhà sản xuất dán nhãn xuất xứ sai có thể phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các doanh nghiệp cạnh tranh và bị hải quan tịch thu hàng hóa. Một sản phẩm để được dán nhãn “Sản xuất tại Đức” (Made in Germany) phải đảm bảo nguyên liệu chính có xuất xứ từ Đức và hoạt động sản xuất, tinh chỉnh tại Đức đáng kể đến mức quyết định chất lượng và trị giá sản phẩm. Ví dụ, một công ty sản xuất thùng chứa khí siêu tinh khiết bằng thép không gỉ do bề mặt của thùng được xử lý hóa học và cơ học đặc biệt. Thùng được sản xuất bán thành phẩm tại nước ngoài và được xử lý bề mặt tại Đức. Vì công đoạn xử lý bề mặt là tối quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm nên thùng chứa được phép dán nhãn “Sản xuất tại Đức”. Một ví dụ khác, để sản xuất máy ảnh, một công ty Đức nhập khẩu hầu hết các linh kiện, riêng ống kính sản xuất trong nước và việc lắp ráp phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao được thực hiện tại Đức. Khi này máy ảnh được phép dán nhãn “Sản xuất tại Đức” vì trị giá sản phẩm được quyết định bởi chất lượng ống kính và công đoạn lắp ráp. Mô tả “Sản xuất tại Đức” không được áp dụng đối với trường hợp các bộ phận đã được đúc sẵn ở nước ngoài, sau đó lắp ráp đơn giản tại Đức hoặc hoàn toàn sản xuất tại nước ngoài và ở Đức chỉ thực hiện dán nhãn.

Một sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu đối với nhãn dán “Sản xuất tại Đức”, thì có sẵn các lựa chọn thay thế. Nếu sản phẩm được lắp ráp tại Đức, nhà sản xuất có thể hiển thị điều này bằng cách dán nhãn là “Được lắp ráp tại Đức” (Assembled in Germany). Nếu một sản phẩm được thiết kế ở Đức thì điều này thực sự có thể được làm rõ bằng tuyên bố về “Thiết kế tại Đức” (Designed in Germany). Nhãn dán “Được sản xuất tại Liên minh Châu Âu” (Made in the European Union hoặc Made in the EU) được áp dụng khi các bộ phận cấu thành thiết yếu của sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu ngoài Đức [1].

Tương tự pháp luật Đức, pháp luật Hoa Kỳ chỉ cho phép dán nhãn "Lắp ráp tại Hoa Kỳ " (Assembled in USA) đối với một sản phẩm có nguyên liệu xuất xứ nước ngoài và được lắp ráp giản đơn, không tạo ra sự chuyển đổi đáng kể tại Mỹ. Ví dụ, việc lắp ráp bằng tuốc nơ vít ở Hoa Kỳ để tạo ra sản phẩm cuối cùng trong quy trình sản xuất không đáp ứng điều kiện cho nhãn dán "Lắp ráp tại Hoa Kỳ ". Đối với sản phẩm nội địa, để được công nhận xuất xứ Hoa Kỳ, nhà sản xuất Mỹ phải sử dụng toàn bộ nguyên liệu và lao động trong nước. Công thức tính thành phần nội địa của Mỹ bao gồm chi phí nguyên liệu ban đầu, chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất như: Chi phí lao động thực tế (phúc lợi bổ sung, chi phí đào tạo tại chỗ và chi phí kỹ thuật, giám sát, kiểm soát chất lượng và nhân sự); chi phí của dụng cụ, khấu hao trên máy móc và thiết bị có thể được phân bổ cho hàng hóa cụ thể; chi phí nghiên cứu, phát triển, thiết kế, xây dựng và chi phí kế hoạch chi tiết trong phạm vi phân bổ cho hàng hóa cụ thể; chi phí kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa…[2]

4. Bài học cho Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam gia nhập sâu vào thị trường quốc tế tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ta. Trong giai đoạn đầu bước chân vào những thị trường mới, phần đông các doanh nghiệp Việt Nam không thể chỉ dựa vào thương hiệu riêng mà xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn để xác định hàng hóa tiêu thụ trong nước gắn nhãn Made in Vietnam. Thiếu quy định về xuất xứ hàng nội địa Việt Nam đã dẫn tới thực trạng không ít doanh nghiệp lạm dụng tem, nhãn Made in Vietnam, dù tỷ trọng sản xuất nội địa rất thấp. Gần đây nhất là vụ việc ASANZO với các sản phẩm “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng bản chất là hàng Trung Quốc. Các sản phẩm như tivi, điều hòa nhiệt độ, ấm đun nước siêu tốc… của ASANZO được nhập khẩu linh, phụ kiện từ Trung Quốc, lắp ráp thủ công bằng tua-nơ-vít, sau đó dán nhãn Made in Vietnam và đưa ra thị trường tiêu thụ [3].

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã đề xuất dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Theo Dự thảo, để mang nhãn Made in Vietnam, hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu 30%. Đối với những hàng hóa có tỷ lệ gia tăng thấp hơn 30%, cơ sở sản xuất được phép ghi xuất xứ theo hiểu biết tốt nhất của họ, nhưng phải phù hợp Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và không được vi phạm pháp luật.

Vẫn tồn tại không ít tranh luận xung quanh hàm lượng giá trị gia tăng 30% do Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo. Theo quan điểm của nhóm tác giả, vì hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ nội địa nên yêu cầu về hàm lượng nội địa nên cao hơn, tối thiểu 40% như trong các FTA Việt Nam là thành viên. Thực tế, nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam sử dụng phần nhiều nguyên liệu, linh - phụ kiện từ nước ngoài, do các doanh nghiệp nội địa chưa đủ khả năng sản xuất nguyên liệu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương có thể đặt ra tỷ lệ gia tăng cho từng nhóm ngành hàng, như: Sản phẩm truyền thống, sản phẩm điện tử,…

Một cách khác, thay vì xác định xuất xứ của hàng hóa sau cả quá trình sản xuất, có thể chứng nhận xuất xứ cho từng công đoạn sản xuất, như: Thiết kế tại (designed in), lắp ráp tại (assembled in)… Việc chứng nhận xuất xứ cho từng công đoạn nhỏ sẽ giúp đáp ứng yêu cầu của cả quá trình cho nhà sản xuất.

Ngoài ra, điểm c, khoản 4, Điều 9 Dự thảo Thông tư đưa ra danh sách các chi phí để xác định giá xuất xưởng còn nặng về các chi phí hữu hình. Trong khi đó, một sản phẩm còn bao gồm nhiều chi phí không thể nhìn thấy ngay như: Chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân công, chi phí tư vấn, chi phí xúc tiến thương mại, chi phí thuê và khấu hao các văn phòng sử dụng cho hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm (nếu có)…

Tóm lại, việc xây dựng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa nội địa vừa phải chặt chẽ để đảm bảo hàm lượng nội địa đủ cao giúp khẳng định giá trị hàng Việt Nam, vừa phải tương thích với các FTA mà nước ta đã tham gia để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa. Bộ tiêu chí về hàng hóa Made in Vietnam không chỉ tạo hành lang pháp lý giúp hạn chế và xử lý các hành vi gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/ban-ve-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-va-mot-so-bai-hoc-cho-viet-nam-72757.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin