Thủ tướng Anh cam kết kích hoạt Điều 50 trong vòng 2 tuần nữa, châu Âu muốn Anh nhanh rời đi càng sớm cũng không được.
Ngày 17/3, phát biểu tại cuộc họp của Đảng Bảo thủ cầm quyền, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon vào 2 tuần tới.
"Trong vòng 2 tuần tới chúng ta sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU và bắt đầu các cuộc đàm phán để Vương quốc Anh ra khỏi EU" - bà May tuyên bố.
Nữ Thủ tướng Anh cũng cam kết sẽ đấu tranh vì sự thống nhất của nước Anh trước việc Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố về kế hoạch trưng cầu ý dân để Scotland tách khỏi liên bang.
Bà nhấn mạnh việc Scotland độc lập với Anh sẽ tác động xấu đến Scotland cũng như cả nước Anh. Các cuộc đàm phán sắp tới rất quan trọng đối với tất cả người dân Anh và chỉ có thể đạt được một thỏa thuận tốt với EU khi Vương quốc Liên hiệp Anh và một khối thống nhất.
Trước đó ngày 16/3, Nữ Hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn dự luật về Brexit, cho phép Thủ tướng May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức đưa nước Anh bước vào tiến trình rời EU.
Ngày 14/3, Lưỡng viện Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật về việc Anh rời khỏi EU. Dự luật mang tên "Luật thông báo rút khỏi EU" sẽ chính thức cho phép Anh và EU bắt đầu đàm phán về rất nhiều bộ luật, nghị định, quy định của EU ràng buộc Anh về kinh tế, ngoại giao và pháp lý.
Nếu theo đúng kế hoạch, Thủ tướng May có thể thông báo khởi động tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm với EU, theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, vào cuối tháng 3 này.
Điều này cũng có nghĩa cuộc đàm phán của cuộc ly hôn giữa Anh và ngôi nhà chung châu Âu sẽ không thể diễn ra trước tháng 6.
Theo trình tự Brexit, sau khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, Thủ tướng Anh sẽ chính thức gửi thư thông báo Brexit đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Sau đó Hội đồng châu Âu sẽ nhóm họp để để thống nhất nguyên tắc đàm phán Brexit trước khi bắt đầu chính thức đàm phán. Ban đầu, Hội đồng châu Âu dự kiến họp vào tháng 4, nhưng nếu Anh thông báo Brexit vào cuối tháng 3, cuộc họp Hội đồng châu Âu sẽ phải hoãn lại đến tháng 5.
Cơn địa chấn tới từ nước Anh
Việc lùi tiến trình đàm phán Anh - EU về vấn đề Brexit sẽ khiến thời gian đàm phán dự kiến trong 2 năm để Anh tìm kiếm thỏa thuận thương mại với EU bị ngắn lại, có thể khiến Anh và EU tiến hành trao đổi thương mại dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, theo đó áp dụng thuế đối với mọi mặt hàng mà Anh nhập khẩu từ các nước EU.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo việc Anh rời EU khi không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, hay còn gọi là Brexit "cứng", sẽ gây tổn hại cho tất cả các nước và đặc biệt đối với London.
Tới nay, trước thời điểm bà Theresa May kích hoạt điều 50, các doanh nghiệp trong nước của Anh đang đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập với mục đích cắt giảm chi phí hoạt động để đối phó với tình hình bất ổn.
Theo Công ty phân tích dữ liệu Dealogic, hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các doanh nghiệp Anh đang diễn ra với nhịp độ sôi động cùng với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm qua.
Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 15 thương vụ sáp nhập với tổng trị giá lên tới 24,3 tỷ bảng. Đi đầu là các hoạt động mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực quản lý tài sản, năng lượng và bán lẻ. Mới đây nhất là thương vụ sáp nhập trị giá 2,2 tỷ bảng giữa hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng là Wood Group và Amec Foster Wheeler.
Theo đánh giá của các giám đốc ngân hàng tại Anh, tiến trình Brexit đã phần nào làm giảm lòng tin của các tập đoàn nước ngoài trong việc mua lại các doanh nghiệp Anh và đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước của Anh tìm kiếm cơ hội sáp nhập với nhau với mong muốn tìm kiếm nền móng vững chắc. Hiện một loạt các tập đoàn lớn của Anh như Standard Life và Aberdeen Asset Management; Tesco và Booker, đang lên kế hoạch sáp nhập.
Nhiều dự báo đổ vỡ và ảnh hưởng kinh tế được đưa ra cho thấy Anh sẽ bị mất đi nhiều hơn được lợi bởi số lượng người dân EU đến Anh và làm việc tại đây rất lớn. Nếu Brexit cứng xảy ra, số lao động với khoảng 4 triệu người ở các lĩnh vực đang làm việc tại Anh sẽ không còn cơ hội việc làm hay trở về nước. Điều này ắt hẳn sẽ gây nên một cơn địa chấn lớn trong cả Anh và EU.
Tất cả châu Âu đang hướng đến những cuộc đàm phán sắp tới liên quan đến những chính sách của bà Theresa May trong việc thỏa thuận với EU về các hiệp định thương mại ra sao.
Làn sóng ly khai hậu Brexit có nguy cơ nhen nhóm ở châu Âu đã bị dập tắt ở Hà Lan nhưng tại Mỹ, phong trào đòi độc lập vẫn diễn ra sôi động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hào hứng với Brexit, gọi đó là "điều tuyệt vời" bởi áp lực từ cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn. Tổng thống Mỹ cũng ủng hộ một thỏa thuận thương mại với Anh thời hậu Brexit.
"Các nước muốn có bản sắc riêng của họ và Anh cũng muốn điều đó. Nhưng tôi nghĩ nước Anh sẽ không bị buộc phải nhận hết tất cả những người tị nạn cho tới khi họ thực hiện Brexit" - ông Trump nói.
Ông Trump hoan nghênh sự sụt giảm giá trị của đồng bảng Anh đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của các sản phẩm của Anh ở nước ngoài.
Nhưng ông Trump cũng quên mất, Brexit đã trở thành biểu tượng và tinh thần cho người dân Mỹ noi theo tinh thần tự chủ này. California là bang đi đầu cho phong trào này. Sau đó là Texas và New Hampshire.
Theo Bao Datviet