Xử nghiêm cán bộ không làm hết trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

“Đề nghị các bộ, ngành chức năng, UBND các cấp cần thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), phản ánh, kiến nghị của công dân; đồng thời cần giải thích để người dân hiểu rõ những chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước, địa phương, mở rộng dân chủ, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến dân, thông qua trao đổi mang tính xây dựng để tạo sự đồng thuận của người dân”.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện quy định về tiếp công dân.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện quy định về tiếp công dân.)

Đó là kiến nghị của cử tri TP HCM gửi đến Quốc hội (QH) và các cơ quan chức năng với mong muốn các ý kiến của nhân dân được lắng nghe để “hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài, đông người gây bất ổn xã hội”. Tuy nhiên, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 9/6, đại biểu (ĐB) Ngọ Duy Hiểu (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội) còn nhiều trăn trở khi “đơn thư KNTC và những vụ việc khiếu kiện đông người là một thách thức lớn trong quá trình phát triển của đất nước”.

KNTC “đo” sự bức xúc xã hội

Ngay tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giải quyết đơn thư KNTC năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp, trong đó nhấn mạnh đến chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, giải quyết chưa quyết liệt và còn nhiều thiếu xót; ý thức chấp hành pháp luật của một số công dân đi khiếu kiện còn hạn chế nên đã đưa ra những yêu cầu vượt quá quy định pháp luật, thậm chí còn bị xúi giục, kích động bởi một số phần tử xấu…

Để khắc phục và giải quyết tình hình KNTC, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là tập trung giải quyết những vụ việc đông người, phức tạp, tồn động, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lí các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở. Thủ tướng cũng yêu cầu, cơ quan, chính quyền phải đề cao trách nhiệm trong quá trình giải quyết KNTC, sát dân, lắng nghe, minh bạch, công bằng, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân; cả bộ máy phải xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân; sâu sát quyết liệt từ cấp cơ sở bằng tình cảm cách mạng, có lý có tình.

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, tình hình KNTC và khiếu kiện đông người đang diễn ra phức tạp, có lúc có nơi diễn ra gay gắt, nhất là ở những địa phương, địa bàn có nhiều dự án công trình thu hồi đất và giải phóng mặt bằng với quy mô lớn. Số vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài vượt cấp chưa có chiều hướng giảm. Một số vụ việc xuất hiện yếu tố manh động, có bàn tay hỗ trợ và can thiệp rất tinh vi, nguy hiểm từ bên ngoài. Nhiều vụ việc, người dân bị lôi kéo vào các nhóm tụ tập khiếu kiện đông người mà không có mục đích hay lý do gì chính đáng, chỉ thuần túy là a dua, làm theo hiệu ứng đám đông hay vì lợi ích vật chất nhỏ được nhận cho việc trả công khi tham gia hoạt động này.

ĐB Ngọ Duy Hiểu nhận định, tình hình trên ngoài sự tác động xấu về an ninh, niềm tin của người dân và hiệu lực của chính quyền các cấp, “đó còn là sự tốn kém về thời gian, công sức của người dân và chính quyền, sự bức xúc xã hội và những tác động tiêu cực trong quá trình vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện chính sách, chủ trương, pháp luật”.

Còn “khoán trắng” trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC

Phân tích nguyên nhân của tình hình KNTC hiện nay, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức không đúng, không đầy đủ và thiếu thuyết phục, còn thiếu công khai, khách quan, minh bạch hay các hành vi quan liêu, sách nhiễu tiêu cực gây bức xúc cho nhân dân. Nhận thức của nhiều người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là cơ sở về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC chưa đúng, chưa đầy đủ. Có lúc, có nơi chưa coi trọng còn “khoán trắng” cho cơ quan thanh tra hoặc bộ phận tiếp công dân.

Cùng với đó, ông Hiểu chỉ ra, nhiều địa phương cấp ngành chưa thực hiện nghiêm luật tiếp công dân. Người đứng đầu chính quyền ở nhiều nơi chưa tiếp dân định kỳ một tháng một lần theo quy định. Có cử tri phản ánh có nơi 6 tháng liền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không tiếp dân theo quy định. Khi phát sinh khiếu kiện, tố cáo, tại cơ sở thì công tác thẩm tra, xác minh của cơ quan chức năng còn sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, gây bức xúc cho công dân, dẫn đến tiếp tố, tiếp khiếu đến nhiều nơi.

Việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết đơn thư KNTC ở nhiều địa phương chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất, có nơi cơ quan chức năng chưa bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân mà tìm mọi cách bảo vệ sự an toàn cho cán bộ sai phạm trong việc giải quyết đơn thư. “Có địa phương có Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện bị kiểm điểm rút kinh nghiệm hàng chục lần trong việc sai phạm tiếp công dân và giải quyết đơn thư KNTC nhưng vẫn tại vị” – ông Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng việc xử lý cán bộ có sai phạm trong giải quyết đơn thư còn chưa nghiêm.

Tuy vậy, việc tuyên truyền giáo dục vận động, thuyết phục, hướng dẫn người KNTC và công tác hòa giải ở cơ sở lại chưa được làm tốt, nên còn nhiều vụ việc đơn giản vẫn phát sinh khiếu kiện, tố cáo kéo dài vượt cấp. Hệ thống pháp luật, chính sách, nhất là pháp luật về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng và tố cáo, khiếu nại còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, xa thực tế, nhiều quy định chứa đựng những nội dung thiếu công bằng, bảo vệ làm lợi cho người chây ỳ chống luật, còn người gương mẫu có ý thức chấp hành pháp luật cao lại không được bảo vệ, không được hưởng lợi từ chính sách.

ĐB cũng không loaị trừ nguyên nhân do một bộ phận nhân dân không hiểu biết đầy đủ về pháp luật, chính sách, một số khác cố tình không hiểu bị các thế lực thù địch hoặc không thiện chí, kích động, lôi kéo tham gia khiếu kiện đông người gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.

Xử lý nghiêm cán bộ không làm hết trách nhiệm

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC trong thời gian tới, cùng với các chủ trương, giải pháp mà Đảng và Chính phủ đang tiến hành trong thời gian qua, ông Hiểu nhấn mạnh đề xuất Chính phủ quan tâm triển khai quyết liệt các giải pháp góp phần kéo giảm đơn thư và số vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người vượt cấp và kéo dài.

Theo ĐB này, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan hành chính, nhất là ở cấp cơ sở về tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Phải coi đây là một trọng tâm công tác, việc làm thường xuyên đòi hỏi sự đầu tư về mọi mặt, phải tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những địa phương có nhiều đơn thư.

Các cơ quan nhà nước cần củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác này. Có bước đột phá trong việc tuyển chọn, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra và tiếp công dân.

Xác định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, cấp huyện trong việc giải quyết KNTC, vì trên thực tế hầu hết các đơn thư thuộc thẩm quyền trước hết của cấp huyện và cấp xã và đơn tố cáo hiện nay chủ yếu cũng tố cáo cán bộ ở hai cấp này. Cần quy định chế tài cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm không làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết KNTC. Trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ cần coi kết quả giải quyết KNTC là một tiêu chí quan trọng.

Thay việc hiện nay nhiều nơi chúng ta phải đối thoại thụ động, tức là khi có tình huống của dân, chúng ta tiến hành đối thoại, cần duy trì đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện nhân dân sớm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề nhân dân bức xúc để tập trung giải quyết.

Đây là hình thức đối thoại chủ động, được nhân dân đồng tình ủng hộ nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đồng thời giải quyết được rất nhiều việc cho dân, có thể biến những việc to thành nhỏ, việc nhỏ thành không có. Ông Hiểu trân trọng đề nghị: “Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì giao ban trực tiếp về công tác tiếp công dân giải quyết KNTC một năm từ 1 đến 2 lần”.

Bên cạnh đó, “tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhất là pháp luật về đất đai, tiếp công dân và KNTC về lâu dài hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, hành chính, KNTC và đất đai theo hướng chuyển dần các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bởi Tòa án là biểu tượng của lẽ công bằng và có bộ máy chuyên nghiệp để giải quyết đơn thư, thay vì việc các cơ quan quản lý hành chính đang giải quyết như hiện nay. Đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng kích động, lôi kéo nhân dân tham gia khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động, giải thích, xử lý những công dân lợi dụng quyền KNTC để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật” – ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin