Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Yên Bái về kết quả điều tra vụ án bắn hai lãnh đạo tỉnh này mới được công bố, cơ quan chức năng đã tìm thấy 1,5 tỷ đồng, 100.000USD cùng một số đồ trang sức trong két sắt tại phòng làm việc của Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn sau thời điểm ông bị nghi phạm Đỗ Cường Minh sát hại.
Sau đó, khi cơ quan điều tra làm việc với vợ ông Tuấn là bà Hiền thì bà Hiền khẳng định: Đây là số tiền mà 2 vợ chồng ông bà tích góp nhiều năm nay. Hai ông bà quyết định không để ở nhà mà để ở két sắt của ông Tuấn tại cơ quan cho an toàn.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề xử lý thế nào với số tài sản lên tới vài tỷ đồng tìm thấy trong két của ông Ngô Ngọc Tuấn theo đúng quy định của pháp luật, nhiều bạn đọc đã băn khoăn với câu hỏi làm thế nào xác định chính xác nguồn gốc số tài sản đó. Về vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam.
Thưa luật sư, tại cuộc họp báo do Công an tỉnh Yên Bái mới tổ chức, Cơ quan điều tra đã cho biết đây là số tiền mà 2 vợ chồng ông Tuấn tích góp nhiều năm, để ở cơ quan cho an toàn. Nhưng để khẳng định số tiền đó là của vợ chồng ông Tuấn, phải dựa trên căn cứ nào?
- Trước tiên là dựa vào Bản kê khai tài sản, thu nhập của ông Tuấn. Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17.7.2013 “Về minh bạch tài sản, thu nhập” của Chính phủ và Khoản 1, Điều 1, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31.10.2013 của Thanh tra Chính phủ quy định: “Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND” là người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Tài sản, thu nhập phải kê khai được quy định tại Điều 3, Thông tư nêu trên.
Căn cứ vào quy định này và số tiền trong két sắt tại phòng làm việc của ông Tuấn thì ông Tuấn thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai những tài sản đó. Như vậy nếu trong Bản kê khai tài sản, thu nhập của ông Tuấn có kê khai số tài sản đó thì tài sản đó thuộc về ông Tuấn.
Trường hợp tài sản đó không có trong bản kê khai tài sản, thu nhập của ông Tuấn, phải xem xét trong thời gian chưa kịp bổ sung vào bản kê khai, ông Tuấn có thu nhập nào đột xuất như việc trúng xổ số, hay bán đất đai nhà cửa… hay không? Tóm lại có nhiều cách để xác minh.
Trừ trường hợp có thu nhập đột xuất mà chưa kịp kê khai, nếu tài sản trên không có trong bản kê khai thì Cơ quan điều tra cũng phải làm rõ vì sao tài sản đó lại không kê khai? Nguồn gốc ở đâu?
- Nếu bà Hiền (vợ ông Tuấn) khai số tiền đó là tài sản gia đình tích góp được từ nhiều năm nay thì bà Hiền phải có nghĩa vụ chứng minh. Chứ không chỉ đơn giản khai là của gia đình tích góp được và Cơ quan điều tra cũng không thể chỉ dựa vào lời khai đó để trả tài sản cho bà Hiền. Biết đâu, ai đó gửi ông Tuấn thì sao?...
Tóm lại, để khẳng định số tài sản có trong két sắt của ông Tuấn thuộc sở hữu của ai phải căn trên cơ sở pháp lý.
Trường hợp số tài sản đó không có trong bản kê khai tài sản, thu nhập của ông Tuấn và cũng không có căn cứ để xác định ông Tuấn có khoản thu nhập đột xuất, đồng thời bà Hiền cũng không chứng minh được tài sản đó là do vợ chồng bà tích góp được thì sẽ xử lý ra sao?
- Khi không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản đó thì nó sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước.
Có người băn khoăn sao tài sản riêng lại mang đến để ở trụ sở cơ quan. Như vậy có vi phạm quy định của Nhà nước không?
- Hiện chưa có văn bản pháp quy nào về việc đó, tuy nhiên 1 số cơ quan có nội quy riêng, không cho phép cá nhân mang tài sản riêng vào cơ quan.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo báo Tuổi Trẻ, sau khi điều tra, cơ quan công an xác định số tiền 100.000 USD, 1,5 tỉ đồng và 4 chiếc nhẫn trong két sắt là tiền và tài sản cá nhân của ông Tuấn nên cơ quan công an đã trả lại số tiền và tài sản này cho vợ ông Tuấn.
Số tiền 50 triệu trong phòng làm việc ông Phạm Duy Cường cơ quan công an cũng xác định đây là số tiền cá nhân của ông Cường nên đã trao trả lại gia đình ông.
Theo Danviet