Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

23/04/2024 09:32

Thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã có những bước chuyển mạnh mẽ; tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội.

Bài viết sau, nhóm tác giả ThS. Trần Trung Hiếu, ThS. Dương Anh Tuấn, Triệu Lan Hương  ( Học viện Cảnh sát nhân dân) phân tích một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian tới.

1-1708484331.png

1. Dẫn nhập

Trên cơ sở chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI; ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên phạm vi cả nước. Với thành phần tham gia bao gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị có liên quan của Đảng và Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập và triển khai các hoạt động với 6 quyền hạn và 9 nhiệm vụ cốt lõi(1).

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTN, TC trong bối cảnh hiện nay, nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác PCTN, TC của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đều nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC. Theo Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC, tính đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, TC ở địa phương, cơ sở.

Đặc biệt thời gian gần đây cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế; quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu, đấu giá; chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tài chính ngân hàng…

2-1708484338.jpg

Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long khi chưa bị bắt

2. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn nhận một cách khách quan và qua nghiên cứu cho thấy, công tác PCTN, TC ở nước ta trong thời gian qua vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, TC có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về PCTN, TC; trong đó, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn mang nặng tính hình thức. Hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân chưa thực sự tương xứng với vai trò trong công tác PCTN, TC. 

Thứ hai, cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử như việc hiện nay một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng còn thiếu, chưa đồng bộ, không thống nhất, nhất là hướng dẫn của các cơ quan chức năng, dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau. Cụ thể là: Tại Mục 1 Các tội phạm tham nhũng thuộc Chương XXIII Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định 07 hành vi phạm tội tham nhũng; trong khi đó tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 lại quy định 12 hành vi tham nhũng, nên 05 hành vi còn lại của Luật PCTN còn thiếu chế tài để xử lý, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn và kẽ hở trong quá trình vận dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết định khung của một số tội danh thuộc các tội phạm tham nhũng như tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội" quy định tại điểm c khoản 3 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và điểm d khoản 3 Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), dẫn đến việc đánh giá, áp dụng quy định này không thống nhất.

Bên cạnh đó, một số quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 còn bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng nên gây khó khăn trong việc áp dụng, cụ thể, khoản 1 Điều 128 và khoản 1 Điều 129 BLTTHS năm 2015 quy định về hoạt động kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản có nêu rõ: “chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định…” Tuy nhiên trên thực tế, công tác thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều trường hợp bị can, bị cáo, người bị buộc tội bằng nhiều cách khác nhau đã chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người thân, bạn bè nhằm mục đích tẩu tán tài sản, che mắt các cơ quan chức năng; và điều quan trọng là những người được bị can, bị cáo, người bị buộc tội chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản lại không thuộc diện áp dụng các quy định trên. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 128 và khoản 3 Điều 129 BLTTHS năm 2015 có nêu rõ “chỉ được kê biên, phong tỏa phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt, tịch thu hoặc bồi thường thiệt hại”, việc CQĐT xác định “phần tài sản tương ứng” là rất khó khăn do không có quy định về định lượng cụ thể thế nào là phần tài sản tương ứng, dẫn đến việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản không kịp thời, tạo điều kiện cho các đối tượng có thời gian để tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thu hồi thiệt hại cho Nhà nước.

3-1708484339.jpg

Bà Trương Mỹ Lan khi chưa bị bắt

Thứ ba, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ và quyền hạn. Từ khi Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ (Nghị định 130) về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được ban hành đến nay, đa phần các cấp ngành đều triển khai thực hiện quy định một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có nơi có lúc, việc kê khai được thực hiện chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời, chưa công khai kết quả kê khai, kê khai chỉ dựa vào ý thức tự giác; trong khi các cơ quan có thẩm quyền chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn hình thành tài sản cá nhân trong xã hội; việc kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, dẫn đến việc xác định và thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản có được từ tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét, còn nhiều hạn chế; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương đến địa phương vẫn là khâu yếu, hầu như không có. Số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện chuyển cho CQĐT vẫn là con số khiêm tốn, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng hiện nay, điều đó phần nào ảnh hưởng đến việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn gặp một số vướng mắc, nhất là việc xác định tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng trong vụ án thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... Theo quy định, CQĐT phải trưng cầu giám định để có kết quả chính xác về thiệt hại. Trong khi đó, một số trường hợp cơ quan được trưng cầu giám định thường có thái độ không hợp tác như: Từ chối, né tránh, kéo dài thời gian giám định; trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu về giám định tài sản thiệt hại. Dẫn đến tình trạng có những kết luận giám định không chính xác, cơ quan trưng cầu phải soạn thảo quyết định trưng cầu giám định nhiều lần... Thực trạng đó phần nào xuất phát từ việc hiện chưa có các quy định cụ thể về việc quy trách nhiệm của các cơ quan giám định trong việc phối hợp với CQĐT trong điều tra tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng nói riêng.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc được nêu ở trên, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC thời gian tới, chúng tôi kiến nghị, đề xuất một số nội dung cụ thể sau đây: 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN, TC. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; sử dụng hiệu quả công cụ truyền thông và sự giám sát của Nhân dân trong công tác PCTN, TC; qua đó giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi, tự sửa, đặt mình trong bối cảnh từng trường hợp cụ thể để tự khắc phục, để rút kinh nghiệm, để làm sao cho cán bộ không thể, không dám và không muốn làm những hành động tham nhũng, tiêu cực.

4-1708484339.jpg

Các bị can bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương.

Hai là, trên cơ sở những sơ hở, bất cập trong chính sách pháp luật gây khó khăn trong công tác PCTN, TC, nhóm tác giả kiến nghị:

Các cơ quan có thẩm quyền cần đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết, hoặc liên ngành tư pháp Trung ương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với 05 hành vi tham nhũng quy định tại điểm h, i, k, l, m khoản 1 Điều 2 của Luật PCTN năm 2018; có thể nghiên cứu việc hình sự hóa từng hành vi cụ thể tạo sự thống nhất giữa BLHS năm 2015 và Luật PCTN năm 2018.

Cần luận giải rõ về tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội" quy định tại điểm c khoản 3 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và điểm d khoản 3 Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) BLHS năm 2015, có thể lập luận hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội là hành vi gây phẫn nộ, bất bình trong nhân dân, dẫn đến gây rối, biểu tình; bị các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, chính sách đoàn kết, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá rối an ninh…(4) nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các CQTHTT trong việc vận dụng vào quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng.

Đối với công tác kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản quy định tại Điều 128, Điều 129 BLTTHS năm 2015, cần mở rộng phạm vi đối tượng bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản là những người có liên quan đến bị can, bị cáo, người bị buộc tội nếu như có căn cứ chứng minh bị can, bị cáo, người bị buộc tội chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho các đối tượng có liên quan nhằm mục đích tẩu tán tài sản. Có hướng dẫn định mức cụ thể trong việc kê biên, phong tỏa “phần tài sản tương ứng” với mức có thể bị phạt, tịch thu hoặc bồi thường thiệt hại, tạo tiền đề cho việc thu hồi tài sản bị thất thoát một cách tối đa.

Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ và quyền hạn; trong đó, các cơ quan có thẩm quyền có thể nghiên cứu đưa nội dung bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ phải xác minh tài sản vào hoạt động kê khai, kiểm soát kê khai tài sản hàng năm. Cụ thể, trên cơ sở Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130 của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ là đơn vị đầu mối cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho tất cả các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc ban hành quy định giám sát việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, có chế tài xử lý đối với đối tượng không giải trình được nguồn gốc thu nhập; ban hành quy định bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn cán bộ phải xác minh tài sản nhằm kiểm tra tính trung thực và ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Việc bốc thăm để tạo công bằng với mọi cán bộ, công chức; đồng thời nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả người kê khai tài sản dù có che giấu kỹ, khôn khéo đến đâu thì bất kỳ lúc nào cũng có thể nằm trong diện bị xác minh. Do đó, người trong diện kê khai phải phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các Bộ, ban ngành, địa phương. Trong đó, người đứng đầu các Bộ, ban ngành, địa phương cần cụ thể hóa chỉ tiêu phát hiện, xử lý tham nhũng và chuyển đến các CQTHTT cùng cấp để điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử được số vụ án tham nhũng cụ thể trong Nghị quyết lãnh đạo công tác của từng Bộ, ban ngành, địa phương; chú trọng phát hiện, xử lý các hành vi “tham nhũng vặt”. Việc này sẽ góp phần khắc phục tình trạng không giao chỉ tiêu thì các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ không chú trọng thực hiện hoặc thực hiện không quyết liệt công tác này.

Năm là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan được trưng cầu để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định, xác định rõ nội dung trưng cầu, thời hạn giám định. Cơ quan trưng cầu trước khi gửi quyết định trưng cầu cần có sự trao đổi tỷ mỷ, cụ thể với cơ quan được trưng cầu về những nội dung cần làm nhằm tránh việc quyết định trưng cầu phải soạn thảo nhiều lần. Tham mưu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan giám định kịp thời phân công giám định viên có kiến thức, chuyên môn, trình độ, không né tránh, từ chối giám định với lý do không thuyết phục. Tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện có hiệu quả Luật giám định tư pháp 2012, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Trong đó tập trung vào trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định về đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đất đai là những lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng (Điều 4 - Thông tư liên tịch số 01)./.

---------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Quy định số 163-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

2. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

3. Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015;

4. Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2018), Bình luận Tội tham ô tài sản, truy cập tại: https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/binh-luan-toi-tham-o-tai-san-d10-t1339.html;

5. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018;

6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ tư pháp (2017), Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

ThS. Trần Trung Hiếu, ThS. Dương Anh Tuấn, Triệu Lan Hương (Học viện Cảnh sát nhân dân)
Bạn đang đọc bài viết "Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin