Đấu giá cổ phiếu và những vấn đề pháp lý đặt ra

(Pháp Lý). Sau 27 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc thử thách và thăng trầm. Với đà phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, quy mô của thị trường được mở rộng lên một tầm cao mới với tốc độ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, trong đó có những sai phạm đến từ đấu giá cổ phiếu. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cần phải xây dựng khung pháp lý về lĩnh vực này theo hướng tăng cường bảo vệ lợi ích của bên “yếu thế” là cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ tại các công ty đại chúng theo thông lệ chung của thị trường chứng khoán quốc tế.
3-1680761692.png

Bài viết phân tích những điểm bất cập trong quy định về việc đấu giá cổ phiếu, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này trong thời gian tới.

1. Thực trạng việc đấu giá cổ phiếu

Thuật ngữ “Đấu giá cổ phiếu” hay còn được hiểu là “Đấu giá chứng khoán” là một trong những phương thức mà người bán – chủ thể phát hành (tổ chức, công ty gọi tắt là tổ chức) muốn thoái vốn hoặc tăng vốn theo phương thức đấu giá; theo phương thức này, dĩ nhiên, nhà đầu tư nào trả giá cao hơn sẽ được mua trước cho đến khi hết số lượng cổ phiếu phát hành thêm mà tổ chức phát hành muốn bán.

Trong những năm qua, khi Nhà nước muốn cổ phần hóa, thoái vốn của mình tại các công ty trước khi đưa các công ty đó lên sàn chứng khoán thì đây là phương thức chủ yếu mà Nhà nước sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể khi Nhà nước muốn thoái bớt một phần vốn của mình, thì phương thức này cũng được ưu tiên áp dụng, đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần sữa Việt Nam, mã chứng khoán VNM; Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, mã chứng khoán SAB; Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, mã chứng khoán BMP...

Phương thức này phần nào khắc phục nhược điểm của việc bán cổ phiếu trực tiếp trên sàn chứng khoán vốn có quy mô bé hơn nhiều và không kham được lượng cổ phiếu bán ra cực lớn từ phía Nhà nước. Thông thường, quy trình đấu giá cổ phiếu sẽ được diễn ra theo các trình tự cụ thể sau đây: 1) Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; 2) Lập và nộp phiếu tham dự đấu giá; 3) Tổ chức đấu giá và nhận kết quả đấu giá; 4) Thanh toán và xử lý tiền đặt cọc.

Nghiên cứu cho thấy, đối với việc đấu giá cổ phiếu, thông thường việc các tổ chức muốn thoái vốn hoặc tăng vốn thì sẽ được thực hiện theo “kịch bản” như sau: Đầu tiên, tổ chức phát hành công bố thông tin chốt danh sách cổ đông để họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường với thời gian cụ thể, trong đó bao gồm ngày đăng ký cuối cùng và ngày giao dịch không hưởng quyền họp ĐHCĐ bất thường. Tiếp đó, tài liệu họp ĐHCĐ sẽ được gửi đến các cổ đông, nhưng những tài liệu này bằng một cách nào đó mà luôn được gửi một cách “chậm trễ” đến cho các cổ đông. Thực tế cho thấy, tại thời điểm công bố tài liệu họp ĐHCĐ, giá khởi điểm đấu giá cổ phiếu mà tổ chức phát hành đưa ra thông thường sẽ thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét; giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính riêng soát xét và giá trị thị trường giao dịch bình quân 30 phiên trong một khoảng thời gian được ấn định cụ thể theo quy định.

22-1680761681.jpg

Đấu giá cổ phiếu là một trong những phương thức mà chủ thể phát hành muốn thoái vốn hoặc tăng vốn theo phương thức đấu giá (ảnh minh họa)

Sau khi cổ phiếu được chào bán công khai, đối với những cổ phiếu không bán hết từ đợt chào bán hoặc chào bán không thành công, phương hướng xử lý mà các tổ chức phát hành đưa ra được thực hiện theo trình tự:

1) Tiếp tục ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) thực hiện chào bán cho các nhà đầu tư khác quan tâm với mức giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân;

2) Nhà đầu tư, cổ đông khi mua cổ phiếu dạng này đều phải công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu theo quy định có liên quan; tuy nhiên, điểm “thiệt thòi” cho các nhà đầu tư, cổ đông khi mua cổ phiếu dạng này đó là bị hạn chế quyền chuyển nhượng trong 01 năm;

3) Quá trình xử lý cổ phiếu còn dư của tổ chức phát hành sau khi cổ phiếu được chào bán công khai phải đảm bảo phù hợp theo quy định về xử lý cổ phiếu nhà đầu tư không đăng ký mua, không nộp tiền mua, số cổ phiếu lẻ tại Điều 42 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán năm 2019, trong đó có nêu: “1. Tổ chức phát hành thực hiện phân phối số cổ phiếu nhà đầu tư không đăng ký, không nộp tiền mua, số cổ phiếu lẻ cho một hoặc một số nhà đầu tư xác định (trừ trường hợp chào bán cho cổ đông hiện hữu tương ứng với tỷ lệ sở hữu của họ trong công ty) phải bảo đảm điều kiện chào bán, điều kiện về quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho cổ đông hiện hữu, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác”; khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về Công ty mẹ, công ty con “Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này”, cùng các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở những nội dung được đề cập ở trên, câu hỏi đặt ra ở đây là cơ sở nào để HĐQT của tổ chức phát hành trình ra ĐHCĐ mức giá cổ phiếu phát hành thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét; giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính riêng soát xét và giá trị thị trường giao dịch bình quân 30 phiên trong một khoảng thời gian được ấn định cụ thể theo quy định? Và giá phát hành này có hợp lý, đảm bảo với quyền lợi của bên “yếu thế” là cổ đông đại chúng hiện tại hay không? Xét trên phương diện pháp lý, về nguyên tắc, khi đấu giá cổ phiếu và trường hợp đấu giá trúng ở mức đúng giả khởi điểm thì phương án chào bán chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu. Và việc HĐQT của tổ chức phát hành cổ phiếu trình ĐHCĐ kế hoạch chào bán cổ phiếu đó đã vi phạm vào:

1) Điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty, cụ thể:

“b. Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;

c) Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác”.

2) Khoản 3 Điều 5 của Luật Chứng khoán năm 2019 quy định 4 nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó có nguyên tắc “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”.

3) Khoản 1 Điều 119 Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự, cụ thể:

“Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.

4) Khoản 6 Điều 404 của BLDS năm 2015 quy định về giải thích hợp đồng: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”.

Có thể thấy, BLDS năm 2015 được xác định là đạo luật gốc, là nền tảng cho sự xây dựng, hình thành các Luật dân sự khác tại Việt Nam. Chính vì vậy, xét theo quy định của BLDS thì việc tổ chức phát hành cổ phiếu bản chất là một giao dịch dân sự và việc HĐQT trình phương án phát hành với giá chào bán thấp hơn giá trị thị trường là bất lợi cho bên “yếu thế” chính là cổ đông đại chúng của công ty.

2. Yêu cầu pháp lý đặt ra

Nghiên cứu khoản 17 Điều 2 Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần ra công chúng (ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-UBCK ngày 06/7/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần ra công chúng) có quy định về Hội đồng bán đấu giá cổ phần là tổ chức thực hiện chỉ đạo việc bán đấu giá cổ phần bao gồm: đại diện Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp đấu giá, đại diện Ban tổ chức đấu giá, đại diện tổ chức tư vấn bán cổ phần và đại diện nhà đầu tư (nếu có). Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá cổ phần là Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa hoặc thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa do Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa ủy quyền bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá cổ phần thay mặt cho Hội đồng bán giá đấu cổ phần ký các văn bản thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, các đối tượng không thuộc diện được tham gia cuộc đấu giá bao gồm:

1) Đối với phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa: a) Thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp, trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp cổ phần hoá; b) Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc các tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp; trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh; c) Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá; d) Các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ - công ty con[1].

2) Đối với phiên bán đấu giá thoái vốn nhà nước/chào bán chứng khoán ra công chúng theo Giấy phép của Ủy ban chứng khoán nhà nước: a) Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn, xác định giá khởi điểm bán cổ phần và kiểm toán báo cáo tài chính (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh); b) Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc các tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá; c) Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ; Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau[2].

Từ những quy định nêu trên, nhìn nhận dưới giác độ pháp lý của các cuộc bán đấu giá cổ phiếu đối với phần vốn của nhà nước thì lợi ích của nhà nước, của cổ đông luôn được quy định rất chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa những xung đột về mặt lợi ích có thể xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy chế cụ thể quy định về việc đấu giá chào bán ra công chúng dành cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, mặc dù đây là những công ty mang lại lợi ích cho công chúng, nhà đầu tư.

Thực trạng này dẫn đến tình huống thành viên trong Hội đồng đấu giá có thể bao gồm các cổ đông nội bộ và khi tình huống này xảy ra thì xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư do bất đối xứng thông tin giữa thành viên hội đồng đấu giá với các cổ đông khác là điều không thể tránh khỏi; bởi việc bỏ giá có thể diễn ra theo “chiều hướng” có lợi cho thành viên Hội đồng đấu giá, đi ngược lại với lợi ích của công ty và của cổ đông; do việc phân phối lại số cổ phần không được mua hết có thể dẫn tới HĐQT được phép phân phối lại cho các cá nhân tổ chức liên quan của mình gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Từ những phân tích nêu trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích của bên “yếu thế” nhà đầu tư, tôn trọng quyền của cổ đông đại chúng khi thực hiện chào bán cổ phiếu, nhằm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và uy tín của tổ chức niêm yết trên thị trường; hướng tới xây dựng thị trường chứng khoán lành mạnh, phát triển, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và cổ đông đại chúng, chúng tôi cho rằng, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt một số mặt công tác sau đây:

Một là, cần quy định rõ nguyên tắc giá khởi điểm phát hành của công ty không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm công bố, hoặc giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính quý gần nhất. Đối với những trường hợp có hành vi sai phạm, cần có chế tài xử lý cụ thể nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông.

Hai là, cần quy định cụ thể về diện các đối tượng không được tham gia vào việc mua cổ phần chào bán ra công chúng, chào bán riêng lẻ; quy định cụ thể về thời gian tổ chức phát hành công bố thông tin chốt danh sách cổ đông để họp ĐHCĐ và tài liệu cần thiết phục vụ họp ĐHCĐ phải được gửi nhanh chóng, thông tin kịp thời đến cho các cô đông; đối với trường hợp gửi tài liệu chậm trễ, thì phải có lý do giải trình cụ thể. Tránh tình trạng thông báo một ngày nhưng phải mất một khoảng thời gian tài liệu phục vụ họp ĐHCĐ mới đến được tay các cổ đông của công ty, đảm bảo cho các cổ đông nắm được thông tin đúng, đủ về nội dung họp ĐHCĐ, trên cơ sở đó có những phương án, quyết định phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Ba là, cần quy định thêm diện các đối tượng không được phân phối bổ sung số lượng cổ phần không chào bán hết, hoặc quy định rõ số lượng không chào bán hết lần một bắt buộc phải hủy bỏ hoặc có phương hướng xử lý khác nhằm triệt tiêu tính bất đối xứng thông tin giữa thành viên Hội đồng đấu giá với các nhà đầu tư, cổ đông khác./.

 

[1] Xem: Điều 4 Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

[2] Xem: Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

ThS. Lại Sơn Tùng (Học viện CSND) và ThS. Nguyễn Thúy Hà (Cục Hải quan TP Hà Nội)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin