Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa hoàn tất thủ tục thuê đất

(Pháp lý). Trong số những vấn đề pháp lý mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản quan tâm, đó là hậu quả pháp lý khi doanh nghiệp khai thác khoáng sản mà chưa hoàn tất thủ tục pháp lý về thuê đất. Liệu trong trường hợp này, doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khai thác khoáng sản trái phép không ?
1-1719993155.png

Bài viết sau, luật sư  Phạm Minh Tiến (Công ty luật TNHH Bizlink ) sẽ cung cấp góc nhìn riêng từ việc nghiên cứu pháp luật và thực tiễn xử lý  trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khai thác khi chưa hoàn tất thủ tục thuê đất để các doanh nghiệp lưu ý trong quá trình khai thác khoáng sản.

1. Quy định của pháp luật hình sự về tội khai thác khoáng sản trái phép  

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 lần đầu tiên ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Cụ thể, pháp nhân thương mại gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác (trừ doanh nghiệp tư nhân) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu pháp nhân thương mại đó có hành vi phạm một trong các tội phạm quy định tại Điều 76 BLHS 2015, trong đó có Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên tại Điều 227 BLHS 2015.

Cụ thể, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quy định tại Điều 227 BLHS 2015:

(i) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng trở lên;  (ii) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên;  (iii) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên hoặc làm chết người;  (iv) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên hoặc đã bị kết án về tội phạm quy định tại Điều 227 BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (v) Gây sự cố môi trường.

Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên có thể được hiểu là hành vi, không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (như nước, đất, cát, đá, dầu mỏ...) mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Liên quan đến nội dung của giấy phép khai thác khoáng sản, khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản 2010 quy định giấy phép khai thác khoáng sản phải có 05 (năm) nội dung chính sau đây: (1) Tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; (2) Loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực khai thác khoáng sản; (3) Trữ lượng, công suất, phương pháp khai thác khoáng sản; (4) Thời hạn khai thác khoáng sản; và (5) Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan. Theo đó, nội dung của giấy phép khai thác khoáng sản sẽ có thể được chia thành 02 (hai) nhóm nội dung chính là: (i) Nhóm nội dung liên quan đến lĩnh vực khoáng sản thuộc điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản (ví dụ: Loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực khai thác, trữ lượng, công suất, phương pháp khai thác khoáng sản; thời hạn khai thác khoáng sản); và (ii) Nhóm nội dung liên quan đến các nghĩa vụ thuộc lĩnh vực khác được điều chỉnh bởi các luật khác (ví dụ: Nghĩa vụ thuê đất được điều chỉnh bởi Luật Đất đai; nghĩa vụ thực hiện việc ký quỹ để phục hồi môi trường trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ môi trường).

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn bộ luật này hiện không có quy định làm rõ hành vi vi phạm nội dung nào được ghi nhận trong giấy phép thì bị coi là Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên hay khai thác khoáng sản trái phép tại Điều 227 BLHS 2015.

2. Thực tiễn xử lý doanh nghiệp có hành vi khai thác tài nguyên khi chưa có quyết định cho thuê đất

Theo khoản 1 Điều 31 Luật Khoáng sản 2010, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp không sử dụng lớp đất mặt hoặc hoạt động khoáng sản không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp. Theo điểm a khoản 3 Điều 152 Luật Đất đai 2013, việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải có giấy phép hoạt động khoáng sản và quyết định cho thuê đất để thăm dò, khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chưa có quyết định thuê đất nhưng vẫn tiến hành khai thác khoáng sản. Lý do doanh nghiệp chưa có quyết định thuê đất có thể xuất phát từ nhiều nhân khách quan và chủ quan như cơ quan nhà nước chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng hay doanh nghiệp không thực hiện thủ tục thuê đất. Quá trình khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp này vẫn đóng đầy đủ thuế, phí cho Nhà nước.

Câu hỏi được đặt ra trong trường hợp này, hành vi khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khi chưa có quyết định cho thuê đất có phải là hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản hay vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên tại Điều 227 BLHS 2015 không? Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hiện nay thực tiễn xử lý đối với trường hợp này bởi các cơ quan quản lý nhà nước và tòa án vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định cho thuê đất là hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, bởi lẽ vi phạm nội dung giấy phép khai thác khoáng sản là vi phạm tất cả các nội dung điều khoản quy định trong giấy phép, bao gồm cả hoạt động thuê đất khai thác tài nguyên. Do đó, khi thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện: phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản (điều kiện cần); phải được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh cho thuê đất để khai thác tài nguyên (điều kiện đủ) thì việc khai thác mới được coi là hợp pháp. Theo đó, hành vi khai thác khi chưa có quyết định cho thuê đất là hành vi khai thác khoáng sản trái phép (Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên). Theo quan điểm này, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và người đứng đầu doanh nghiệp có rủi ro phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khai thác khoáng sản trái phép tại Điều 227 BLHS 2015.

2-1719993222.png

Ảnh minh hoạ

Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả bài viết cho rằng: Các hành vi vi phạm nội dung về lĩnh vực khoáng sản tại giấy phép khai thác, bao gồm khai thác không đúng khoáng sản được cấp phép, khai thác không đúng địa điểm, diện tích khu vực khai thác, phương pháp khai thác khoáng sản; khai thác khi hết thời hạn khai thác; khai thác vượt công suất cho phép; khai thác dưới độ sâu cho phép sẽ được xử lý theo quy định của Luật Khoáng sản và nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ được xử lý theo quy định về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên tại Điều 227 BLHS 2015. Còn đối với các hành vi vi phạm về việc thuê đất sẽ được xem xét và xử lý theo quy định của Luật Đất đai và nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ được xử lý theo quy định về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai tại Điều 228 BLHS 2015.

Xét yếu tố hành vi khách quan, hành vi khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất (chưa có quyết định cho thuê đất) là hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP (Nghị Định 91/2019), Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; (b) tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; (c) sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp); hoặc (d) sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Do đó, hành vi khai thác khi chưa có quyết định cho thuê đất phải được xem là hành vi Chiếm đất trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài ra, xét về yếu tố mặt khách thể, hành vi khai thác khi chưa có quyết định cho thuê đất tác động trực tiếp đến trật tự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực về sử dụng đất đai. Trong khi đó, hành vi vi phạm về Tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên xâm phạm chế độ quản lý của nhà nước về khai thác tài nguyên vi phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản không có quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định cho thuê đất. Do đó, việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định cho thuê đất sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai về hành vi chiếm đất quy định tại Điều 14 Nghị Định 91/2019. 

Qua tìm hiểu, tác giả nhận thấy trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tiến hành khai thác khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất sẽ bị coi là thực hiện hành vi chiếm đất và chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 14 Nghị Định 91/2019/NĐ-CP. Cần phải lưu ý rằng, theo quy định tại Điều 76 BLHS 2015, doanh nghiệp không chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai tại Điều 228 BLHS 2015.  

Mặc dù vậy, việc doanh nghiệp đã có giấy phép khai thác nhưng tiến hành khai thác khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất vẫn có rủi ro phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên tại Điều 227 BLHS 2015. Vì vậy, để tuân thủ đúng các quy định về khai thác khoáng sản, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các quy định pháp luật và thực hiện hoàn tất thủ tục thuê đất và các nghĩa vụ khác trước khi khai thác khoáng sản.

Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”.

Luật sư  Phạm Minh Tiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin