1.Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 và lớn lên tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) – một làng quê thanh bình với những người nông dân hiền hậu và phong trào hiếu học truyền thống.
Tháng 12/1967: Đồng chí làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Ngày 19 tháng 12 năm 1967, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8/1968 - Tháng 8/1973: Đồng chí là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; làm Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản. Tháng 9/1973 - Tháng 4/1976: Đồng chí làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tháng 5/1976 - Tháng 8/1980: Đồng chí làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ. Tháng 9/1980 - Tháng 8/1981: Đồng chí học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Tháng 9/1981 - Tháng 7/1983: Đồng chí là thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 8/1983 - Tháng 8/1987: Đồng chí làm Phó Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản. Tháng 9/1987 - Tháng 02/1989: Đồng chí làm Trưởng Ban Xây dựng Đảng; Phó Bí thư Đảng uỷ (từ tháng 7/1985 - tháng 12/1988), Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12/1988 - tháng 12/1991). Tháng 3/1989 - Tháng 4/1990: Đồng chí làm Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tháng 5/1990 - Tháng 7/1991: Đồng chí làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tháng 8/1991 - Tháng 8/1996: Đồng chí làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Tháng 8/1996 - Tháng 02/1998: Đồng chí làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội. Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
Tháng 02/1998 - Tháng 01/2000: Đồng chí phụ trách công tác Tư tưởng - Văn hoá và Khoa giáo của Đảng. Tháng 3/1998 - Tháng 11/2006: Đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11/2001 - tháng 8/2006). Tháng 8/1999 - Tháng 4/2001: Đồng chí Tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 01/2000 - Tháng 6/2006: Đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV. Tháng 5/2002 - đến nay: Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV. Tháng 6/2006 - Tháng 7/2011: Đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Tháng 01/2011 - đến 2024: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII, Bí thư Quân uỷ Trung ương. Tháng 02/2013 - đến 2024: Đồng chí làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tháng 8/2016 - đến 2024: Đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.
Tháng 10/2018 - 4/2021: Đồng chí làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Tháng 4/2021 - đến 2024: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vào lúc13h38' ngày 19/07/2024: Đồng chí từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.
Do có nhiều công lao to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế: "Huân chương Vàng quốc gia" của Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, "Huân chương Hữu nghị" của Đảng và Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, "Giải thưởng Lênin" giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga; "Huân chương José Marti" của Đảng, Nhà nước Cộng hoà Cu Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", luôn nhất quán giữa nói và làm, đồng thời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Mặc dù đảm nhận những chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nguyên đức tính giản dị và khiêm nhường. Phòng làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự đơn sơ, giản dị như chính con người của ông vậy, không hề thấy dấu vết của sự xa hoa, lộng lẫy, đặc biệt trên tường có treo ảnh Bác Hồ và trong phòng làm việc chỉ có sách và sách.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tâm nguyện: Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim bồ câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhấn mạnh 4 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay, đó là: Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối không được dao động, mơ hồ, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công tác thông tin, tuyên truyền phải tập trung vào việc xây dựng cho được sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh tư tưởng, phản bác các luận điệu thù địch, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn,nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều đóng góp lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong việc bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổng Bí Thư luôn vững tinh thần tiến công, quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "bất kể người đó là ai", "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", , thể hiện tính nghiêm minh, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước; tính nhân văn, tính giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, giữ vững ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm; tập trung làm tốt nội dung: học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên bằng những việc làm, hành động cụ thể với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo" theo tinh thần của Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh"; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương tiêu biểu, sáng ngời về tự học, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa và nêu gương trên các lĩnh vực công tác Đảng, nhất là trong học tập, làm theo và nêu gương thực hành đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phương pháp làm việc dân chủ, lắng nghe, khoa học, khách quan, thận trọng, sâu sát và rất quyết đoán. Tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các phương diện, các lĩnh vực, cả về đối nội và đối ngoại mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, kế thừa, phát huy sâu sắc phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là việc quán triệt các quan điểm khách quan, toàn diện, ổn định và phát triển, thực tiễn và lịch sử – cụ thể; kiên quyết, kiên trì về nguyên tắc, song luôn linh hoạt, mềm dẻo để đạt được thành công vì lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc.
Trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh đặc trưng trường phái "cây tre Việt Nam" gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển: mềm mại, linh hoạt, khôn khéo, nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất kiên cường, kiên quyết, ứng vạn biến trước mọi khó khăn, thử thách. Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đều bày tỏ sự yêu mến, kính trọng tài năng, đạo đức cách mạng, lối sống thanh bạch, chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, Tổng Bí thư luôn dành những tình cảm ấm áp, thủy chung, bao dung, nhân hậu, giúp đỡ, chia sẻ. Đối với đồng bào cả nước, các tầng lớp nhân dân từ các giới đến các lĩnh vực nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, từ cụ già đến em nhỏ, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi, quan tâm chăm lo quyền lợi, lợi ích chính đáng, đồng cảm sâu sắc đến mọi nguyện vọng, mong muốn của người dân; trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", coi trọng tư tưởng cốt lõi "Dân là gốc". Đối với bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm chân thành, tinh thần quốc tế trong sáng, tin cậy, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ trên tinh thần bảo đảm các nguyên tắc đối ngoại và đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong cuộc sống đời thường, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình luôn khiêm tốn, mẫu mực, giản dị, hòa đồng…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư thường nhắc nhở: “Công tác tư tưởng - văn hóa phải bảo đảm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới trên cơ sở giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm tăng cường sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân (thống nhất nhận thức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động), tạo ra một không khí phấn chấn đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh và đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước”.
Trọn cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng và yêu thương con người…, được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng, tín nhiệm cao, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao.
Những tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nguyên tắc hành động trong công tác tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sợi chỉ đỏ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ học tập và làm theo.
2.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành trọn niềm tin yêu, kỳ vọng vào thế hệ trẻ.
Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đánh giá cao công lao to lớn của thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng và dành sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ”. Đồng thời, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, tuổi trẻ Việt Nam sẽ làm hết sức mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữ vững các thành quả cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong ước. Tổng Bí thư đã có nhiều bài phát biểu để gửi gắm, căn dặn thế hệ trẻ Việt Nam:
2.1.Thanh niên phải tiên phong
Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 (diễn ra tháng 12/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và truyền thông điệp về tinh thần “Tiên phong” của người trẻ.
- Thanh niên phải tiên phong trong việc trau dồi đạo đức cách mạng với tinh thần khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; phải có khát vọng vươn lên để cống hiến và coi đó là lẽ sống của mình.
- Thanh niên phải tiên phong trong học tập, rèn luyện để có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn giỏi, là những người đi đầu, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới.
- Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
- Thanh niên phải tiên phong, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
- Thanh niên phải tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
2.2. Định hướng thanh niên, xây dựng một lớp thanh niên mới có tâm, có trí, có tài, có tính tự trọng và tự chủ
Tổng Bí thư đề nghị, tuổi trẻ Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài hãy cùng nhau rèn đức, luyện tài, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ra sức học tập, rèn luyện, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, công nghệ hiện đại của nhân loại để trở thành một lớp người mới, một nguồn nhân lực có tri thức, chất lượng cao, cống hiến xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Với quan điểm này, tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục căn dặn tổ chức Đoàn làm tốt công tác giáo dục, định hướng thanh niên, góp phần xây dựng một lớp thanh niên mới có tâm, có trí, có tài, có tính tự trọng và tự chủ.
- Theo Tổng Bí thư, có “tâm” là có lòng yêu nước, yêu chế độ; yêu thương bản thân, gia đình; sống có văn hoá, nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, vì mọi người.
- Có “trí” là có kiến thức, vững về chuyên môn, nghiệp vụ; hiểu biết về lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội,...Có “tài” là có năng lực làm việc, khả năng sáng tạo; dám nghĩ, biết làm, tìm tòi và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại.
- “Tự trọng” là có ý thức giữ gìn nhân cách, hình ảnh tốt đẹp của bản thân, của cộng đồng, của đất nước; biết gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
- “Tự chủ” là có khả năng tư duy độc lập, làm chủ bản thân; có “sức đề kháng”, biết chọn lọc điều hay, lẽ phải; học tập, lao động, cống hiến bằng chính năng lực của bản thân, không bị tác động bởi những âm mưu và hành vi xấu, độc, tiêu cực.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X (diễn ra tháng 12/2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: “Thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh”, “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc”. Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay; bày tỏ mong muốn mỗi thanh niên và tổ chức Đoàn cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, có “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2.3.Vai trò, sứ mệnh của thế hệ trẻ
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hết sức coi trọng, đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên và tổ chức Đoàn. “Song, bản thân thanh niên và tổ chức Đoàn cũng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh quan trọng của mình, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng để thực hiện bằng được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giữ vững các thành quả của cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: Xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường; Đất nước ta ngày càng giàu mạnh; Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Dân tộc ta ngày càng vẻ vang, ngẩng cao đầu sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
3. Thế hệ trẻ cần làm gì để ra sức học tập, noi gương Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
Tấm gương của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về việc rèn đức, luyện tài với lối sống mẫu mực và hình ảnh người cộng sản kiên trung vì nước, vì dân không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là động lực mạnh mẽ để thế hệ trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện, cống hiến trong mọi hoàn cảnh.
Muốn trở thành những người cách mạng có đức và có tài, có thể gánh vác được trách nhiệm mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, đồng thời làm chủ tương lai một cách xứng đáng thì bản thân mỗi người trẻ luôn phải tự giác rèn luyện tinh thần, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh của mình; phải tích cực làm việc để chuẩn bị cho tương lai với tâm thế “điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”
Thế hệ trẻ cần tự giác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng không phải sinh ra đã có mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người. Thế hệ trẻ cần nhận thức rằng nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính.
Thông qua việc trang bị những tri thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thế hệ trẻ sẽ có nhận thức đúng đắn tính cách mạng, khoa học và nhân văn về lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc và cũng là lý tưởng của thanh niên.
Thế hệ trẻ cần bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý thức phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, lợi ích của nhân dân. Kết hợp giữa nâng cao giác ngộ về lý tưởng cách mạng với tăng cường ý thức cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu và hành động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Thanh niên phải biết yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột thì phải chăm lo bảo vệ lợi ích của nhân dân, dám đấu tranh chống những sách nhiễu dân, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân... để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Thế hệ trẻ chủ động bồi dưỡng tri thức. Cùng với việc học tập lý luận cách mạng, các thế hệ trẻ còn phải tích cực học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật...; sử dụng những tri thức đó để xây dựng xã hội mới. Thế hệ trẻ cần chủ động nghiên cứu, học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm trang bị và nâng cao trình độ lý luận cách mạng - ngọn đèn pha soi sáng cho hoạt động thực tiễn. Có như vậy, thế hệ trẻ mới tích lũy được những tri thức cần thiết, tạo tiền đề phát huy năng lực sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Đồng thời, thế hệ trẻ cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, tăng cường trao đổi, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo.
Trong tình hình hiện nay, khi mà các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt lợi dụng mạng xã hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, âm nhạc, điện ảnh để chống phá nước ta. Đối tượng mà chúng nhằm đến là thế hệ trẻ vì họ dễ bị hấp dẫn bởi cái mới; chưa thực sự trưởng thành về nhận thức, bản lĩnh chính trị chưa thực sự vững vàng. Cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng môi trường văn hóa, tham gia mạng xã hội lành mạnh, trong sạch để không ngừng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết cho đoàn viên, thanh niên trước “ma trận” thông tin thật, giả, đúng, sai, nhằm tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Thế hệ trẻ tự ý thức bồi dưỡng thể chất. Bởi 'Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Đối với thế hệ trẻ phải có sức sống dẻo dai, thể chất cường tráng, tinh thần mạnh mẽ và nghị lực lớn. Để có được thể chất như vậy, cách duy nhất là tích rèn luyện thể dục, thể thao.
Thế hệ trẻ phải xung phong trong mọi công tác (đi trước, làm trước, gương mẫu trước) trên tinh thần chủ động, gan dạ, sáng tạo; đồng thời, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần cầu tiến, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến bộ mãi không ngừng… Mỗi người, không chỉ phải ra sức học tập trong nhà trường, ở gia đình và ngoài xã hội, học tập qua sách vở và trau dồi tri thức, làm giàu tri thức của mình từ chính thực tiễn cuộc sống mà còn phải luôn nghiêm khắc với bản thân, tự phê bình và phê bình để khắc phục những nhược điểm: nóng vội, thiếu thực tế, hình thức, chủ quan…, đồng thời phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp và phải rèn luyện đạo đức cách mạng.
Thế hệ trẻ dù còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng khi nhìn vào tấm gương của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng rằng sự kiên định, trí tuệ và lòng tận tụy với Tổ quốc là những yếu tố then chốt vượt qua mọi hoàn cảnh.