Nhiều điểm mới và đề xuất chính sách quan trọng trong 4 dự Luật thuộc lĩnh vực đầu tư và công nghệ sắp trình xin ý kiến Quốc hội

(Pháp lý). Đây cũng là 4 trong số các dự luật đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( kì họp thứ 38) xem xét, cho ý kiến, đó là Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Dữ liệu.
1-1728291917.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp thứ 38 UBTVQH

Dự Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi): Sẽ phân cấp mạnh và chỉ quản dòng vốn đầu tư vào DN

Điểm đổi mới căn bản khi sửa luật lần này là Nhà nước không quản lý về pháp nhân doanh nghiệp mà chỉ quản lý dòng vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

Một điểm mới căn bản nữa là dự luật thể hiện sự phân công rõ ràng, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Phân cấp mạnh là ở chỗ Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Tại phiên họp thứ 38 UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhắc lại quan điểm nhất quán là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp.

"Vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp mà cái gì cũng phải đi xin, phải đi làm thủ tục sẽ mất thời cơ và cơ hội kinh doanh", ông Định nói.

Đánh giá dự thảo luật chưa cắt giảm được nhiều thủ tục, chưa phân cấp, phân quyền, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho, tăng cường phân cấp, phân quyền.

Dự thảo Luật còn đưa ra 3 phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo chủ động cho DN, theo đó tăng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Phương án 1 là trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế; Phương án 2 là trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế; Phương án 3 là để lại 100% lợi nhuận sau thuế.

2-1728291924.jpg

Ảnh minh họa

Luật hiện hành không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Do vậy, với lần sửa đổi luật này, Ban soạn thảo đã xác định đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”.

Sự thay đổi này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.

5 nhóm chính sách sửa đổi chính trong Luật Đầu tư công

Trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính.

Một là, thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư công; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công của địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

3-1728291925.jpg

Ảnh minh họa

Ba là, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước nhằm đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công; khai thác năng lực đề xuất, quản lý, thực hiện dự án, nguồn lực của các địa phương và các thành phần kinh tế khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án.

Bốn là, thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất đặc thù của nguồn vốn này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, bổ sung một Chương riêng quy định về vốn nước ngoài.

Năm là, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật nhằm cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định còn có cách hiểu khác nhau; bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xử lý một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể; sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Dự Luật Công nghiệp công nghệ số: Nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư phát triển công nghệ số

Dự thảo luật có nhiều điểm quan trọng trong đó có quy định về sản phẩm ứng dụng AI; quy định cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quy định thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Để phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là vấn đề ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, chính sách, ưu đãi thuế, các chính sách liên quan,...

4-1728291925.jpg

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật nêu rõ, Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số:

Ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhằm phát huy vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung chú trọng và có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường và các công nghệ số mới khác.

Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện với môi trường, hài hoà với tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Huy động các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ trong ngành công nghiệp công nghệ số; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung nguồn lực để phát triển một số sản phẩm công nghệ số trọng điểm, trọng yếu.

Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghiệp công nghệ số; tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học.

Dự luật cũng qui định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số như: Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu công nghiệp công nghệ số trái với quy định của pháp luật;  Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Cản trở việc huy động nguồn lực công nghiệp công nghệ số phục vụ các hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh, cơ yếu, khẩn cấp, phòng chống thiên tai của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền; cản trở hoạt động công nghiệp công nghệ số hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4 nhóm chính sách lớn trong Luật Dữ liệu

Qua rà soát, Bộ Công an thấy có 69 Luật đang quy định về Cơ sở dữ liệu (Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành). Trong đó, chỉ có một số luật có quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu. Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có gần 40 cơ sở dữ liệu quốc gia và gần 50 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu. Hiện chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ AI, điện toán đám mây, Blockchain, công nghệ truyền thông dữ liệu, IoT, BigData…

Do đó, cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh các vấn đề trên nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.

5-1728291925.png

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công an, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số.

Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam.

Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Do đó, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị xây dựng Luật Dữ liệu với 4 chính sách lớn gồm: quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quy định về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia và quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Công tác lập pháp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm tại phiên họp thứ 38 của UBTV Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 08 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 bao gồm: 05 dự án Luật trình xin ý kiến là Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Dữ liệu.

Bên cạnh đó, có 02 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay tại Kỳ họp này theo quy trình 01 kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Minh Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin