Xử lý hành vi hối lộ công chức nước ngoài: Giải pháp hàng đầu vẫn là phòng ngừa và phát hiện

Xuất phát từ tình hình trong nước và để đáp ứng các quy định của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC), Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 của Việt Nam lần đầu tiên quy định về hành vi và xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài (CCNN). Tuy nhiên, để quy định mới không dừng lại ở tính hình thức thì tới đây cần quan tâm chú ý đến việc thực thi và đặc biệt, không nên đặt nặng việc xử lý hình sự bởi điều căn bản vẫn là phòng ngừa và phát hiện hành vi này.

Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao bước tiến của pháp luật hình sự Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao bước tiến của pháp luật hình sự Việt Nam.)

Bước tiến của pháp luật hình sự Việt Nam

Thời gian gần đây, hòa với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác kinh tế và đầu tư với các nước trên thế giới. Thực tế này làm phát sinh nguy cơ các nhà đầu tư trong nước thực hiện hành vi hối lộ công chức của Chính phủ, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế để dành được lợi thế kinh doanh và đầu tư quốc tế.

Trước khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999, Việt Nam đã trải qua chu trình tự đánh giá việc thực thi UNCAC trong những năm 2011 và 2012, phát hiện một số lỗ hổng, khoảng trống pháp luật đáng quan tâm, bao gồm cả vấn đề hối lộ CCNN, đồng thời đề xuất những sửa đổi, bổ sung cần thiết để bảo đảm tương thích hơn với các quy định của UNCAC.

Từ thực tiễn trên và theo yêu cầu của UNCAC, BLHS năm 2015 của Việt Nam đã hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng một cách toàn diện và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường quản trị công và kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng. Cụ thể, khoản 6 Điều 364 BLHS năm 2015 nêu rõ: “Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho CCNN, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”.

Bàn về bước tiến của Việt Nam nhằm nội luật hóa yêu cầu của UNCAC liên quan tới hối lộ CCNN, tại cuộc tọa đàm khoa học tổ chức sáng qua (28/2), Giám đốc quốc gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen đánh giá cao cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 16 – Xây dựng thể chế mạnh mẽ, thúc đẩy hòa bình và công lý. Bà cho biết: “Để có thể quản trị công hiệu quả, cần đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng vì sự phát triển bền vững của tất cả các xã hội và các dân tộc. UNDP hỗ trợ nghiên cứu pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ CCNN nhằm chia sẻ những cách làm hay, những bài học trong việc hình sự hóa hành vi hối lộ CCNN, để Việt Nam có thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các cơ quan phòng chống tham nhũng có công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh”.

Đảm bảo cơ chế thực thi

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Luật Hà Nội về vấn đề trên, TS Đào Lệ Thu (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công, Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội) cho biết, quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng có một điểm bất cập hiện nay là hiểu biết cũng như nhận thức về tội phạm hối lộ CCNN của những cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế. Bà Thu phân tích, mặc dù quy định đối tượng tác động là CCNN hoặc công chức của tổ chức quốc tế công song BLHS lại không đưa ra định nghĩa về các đối tượng này.

Không những thế, Việt Nam còn thiếu một số cơ chế bảo đảm việc thực thi quy định của BLHS năm 2015 về đưa hối lộ cho CCNN, công chức của tổ chức quốc tế công. Cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ, phối hợp trong tố tụng hình sự, đặc biệt là trong điều tra, truy tố, xét xử có vụ án có yếu tố nước ngoài thì còn thiếu cụ thể và khó thực hiện.

Để bảo đảm tính đồng bộ của cơ chế pháp lý, bà Thu và nhóm nghiên cứu đề xuất Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi theo hướng quy định mở rộng phạm vi các hành vi là đối tượng điều chỉnh của Luật này. Theo đó, hành vi đưa hối lộ nói chung, trong đó có đưa hối lộ cho CCNN cần bị liệt kê vào các dạng hành vi chịu sự điều chỉnh của Luật. Chỉ khi ấy mới có cơ sở cho việc đưa ra những quy định ngăn ngừa, phát hiện hành vi đưa hối lộ, tạo cơ chế phòng ngừa và phát hiện hối lộ hiệu quả hơn.

Nhóm chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể đối với việc giải thích và hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS năm 2015 về hối lộ CCNN; việc hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về hối lộ CCNN; việc củng cố và hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tế trong phát hiện, xử lý hình sự hành vi đưa hối lộ cho CCNN; cũng như đối với việc tăng cường nhận thức về tội phạm đưa hối lộ cho CCNN cho cán bộ thực thi pháp luật nhằm bảo đảm thực thi quy định tại Điều 364 BLHS năm 2015.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin