Việt Nam xếp vị trí thứ 86/193 quốc gia về kinh tế số và Chính phủ số
Từ chủ trương Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số
Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những khái niệm, như: chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cũng lần đầu tiên được đề cập.
Tháng 12/2019, Việt Nam ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia, một nền tảng tập hợp và tăng cường chiều sâu về khả năng truy cập và tính năng cho các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia, Việt Nam đã đạt được dấu mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số. Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ hiện thực hóa khái niệm về một Chính phủ hoàn chỉnh và thống nhất hơn về chuyển đổi số, mà còn cho thấy rất nhiều dịch vụ công quan trọng, như nộp thuế, đăng ký khai sinh, đăng ký tạm trú… có thể được cải thiện đáng kể.
Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Việc ban hành Chương trình này đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Hơn một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao.
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là giai đoạn 2023-2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đến những kết quả quan trọng bước đầu
Thời gian qua, chuyển đổi số có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống. Ở cấp độ quốc gia, quá trình chuyển đổi số sẽ hình thành Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số - ba trụ cột của một quốc gia số.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 3/2022, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban.
Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nhấn nút khai trương tại hệ thống e-Cabinet (hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ)
Các cơ sở dữ liệu về quốc gia đã được tích hợp, mở rộng và kết nối với nhau gồm: Dữ liệu bảo hiểm xã hội; Dữ liệu công dân: Gần 78 triệu thông tin; Dữ liệu tìm vaccine Covid 19: 133 triệu mũi; Dữ liệu về thẻ căn cước công dân; Dữ liệu về cán bộ, giáo viên: 570.000 thông tin thí điểm; 7 triệu định danh trẻ em đăng ký khai sinh…
Về kinh tế số, theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong Quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021. Ngoài ra, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả, cụ thể: Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số ở VN đang gặp một số rào cản, tồn tại, hạn chế, trong đó, sự kết nối thông tin của các cổng thông tin nhà nước, các bộ ngành với các doanh nghiệp, các địa phương vẫn chưa đồng bộ, là thách thức cơ bản để tạo điều kiện môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ba vướng mắc lớn về dữ liệu mở
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những tồn tại của công tác xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong thời gian vừa qua là việc chia sẻ, mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các bộ, ngành, địa phương, chưa phát huy tối đa giá trị của các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Trên thực tế đã xuất hiện các thách thức trong xây dựng dữ liệu mở. Trước hết là về khung pháp lý. Đây là thách thức lớn nhất hiện nay trong việc triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam. Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP tạo ra cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước, song vẫn cần các văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có đủ khả năng triển khai.
Ngoài ra, tư tưởng “mặc định đóng” (dữ liệu) còn tồn tại phổ biến trong các cơ quan nhà nước với nhận định rằng các dữ liệu liên quan đến nhà nước đều cần được bảo vệ và không nên bị tiết lộ ra công chúng, trừ trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Sự phân loại giữa dữ liệu mở (có thể công khai) và dữ liệu bí mật còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến sự e ngại của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin công dạng mở. Chẳng hạn, vào năm 2019 đã có những tranh cãi xung quanh việc đóng dấu mật cho thông tin về phương án điều chỉnh giá điện. Đối với các cơ sở dữ liệu có chứa đựng thông tin cá nhân thì đây là một vùng xám giữa việc giữ bí mật hay công khai.
Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa đề cập nhiều đến thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân cũng như các chế tài xử phạt còn rất nhẹ nhàng đối với các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan nhà nước đều gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá thông tin cá nhân nào cần được bảo vệ và cách thức bảo vệ như thế nào.
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2022
Thứ hai là về năng lực của các đơn vị. Hiện nay, các cơ quan nhà nước đều đang thiếu đội ngũ chuyên gia kỹ thuật về dữ liệu và dữ liệu mở, về bảo vệ an toàn dữ liệu, về định dạng dữ liệu...Điều này tác động đến chất lượng của dữ liệu mở trên các phương diện về tính đầy đủ, tính cập nhật, tính phân cấp (phân quyền tiếp cận thông tin khác nhau cho các nhóm khác nhau). Nguyên nhân là do lĩnh vực khoa học dữ liệu (data science) còn rất mới nên chưa đào tạo được nguồn nhân lực dồi dào.
Bên cạnh đó, điều kiện và phúc lợi tại khu vực tư dễ thu hút đội ngũ nhân lực này sang làm việc và khiến cho khu vực công khó thu hút được người hoặc khó giữ chân được người làm việc.
Việc cung cấp các dữ liệu mở được xem như một loại hình dịch vụ với hàng hóa là thông tin. Vì vậy, khi các cơ quan đơn vị triển khai công bố dữ liệu mở thì phải kèm với các quy định, điều khoản sử dụng và bản quyền cho phép sử dụng để người truy cập có thể sử dụng, tái sử dụng hợp pháp và không phát sinh tranh chấp pháp lý về sau. Những nội dung này vẫn chưa được đội ngũ nhân lực trong các đơn vị hiểu biết tường tận.
Thứ ba là về đồng bộ dữ liệu giữa các bên. Thách thức này liên quan đến việc liên kết đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố và cấp quận/huyện.
Chuyển đổi số giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công (trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quầy thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương - ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường dữ liệu và các dịch vụ số
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, phát triển các nền tảng số trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống là yếu tố quan trọng và tất yếu để Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu, để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này vẫn cần chính sách đột phá và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý.
Thời gian qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, trong đó có nhiều quy định tạo thuận lợi chuyển đổi số thành công và thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Trong đó phải kể đến các luật đã được Quốc hội ban hành như: Luật Công nghệ Thông tin, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước công dân, Luật Thống kê…
Hiện nay, nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng là dữ liệu. Tuy nhiên, sự phân mảnh dữ liệu như hiện nay đang là cản trở lớn nhất khiến chuyển đổi số vẫn chậm so với tiềm năng. Có những văn bản pháp lý dưới luật mà chúng ta đã có hoặc chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục xây dựng liên quan đến vấn đề dữ liệu. Tuy nhiên điều mà thực tế đang cần trong thời gian tới đó là xây dựng được một luật về dữ liệu và các dịch vụ số.
Về việc tháo gỡ vướng mắc của dữ liệu mở để tiến tới Chính phủ số tại Việt Nam, Thạc sỹ Trần Quảng Sơn và Thạc sỹ Bùi Thị Huệ (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra đề xuất: Thứ nhất là cơ quan nhà nước các cấp cần xây dựng các kế hoạch triển khai cơ sở Dữ liệu mở phù hợp với chức năng thẩm quyền. Đồng thời, các đơn vị phải ban hành các quy chế, quy định khai thác, sử dụng dữ liệu mở, quy định về truy cập và chia sẻ thông tin giữa các bộ dữ liệu mở để đảm bảo tính đồng bộ và đảm bảo tính truy cập giữa chính quyền địa phương với Trung ương…. Đây chính là các căn cứ pháp lý để các nhóm tham gia (công chức, công dân, doanh nghiệp...) có thể tham gia theo quy định và đúng quyền hạn.
Trong các phiên thảo luận ở tổ, hội trường tại các kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, vấn đề chuyển đổi số được nhiều đại biểu chất vấn Chính phủ, các tư lệnh ngành. Đại biểu Quốc hội cũng gợi mở nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số, nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, mà còn góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực - vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang triển khai quyết liệt ở các cấp, các ngành.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung thể chế về thử nghiệm để các địa phương có cơ sở để thực hiện. Trong đó, cần quan tâm bảo đảm môi trường pháp lý, cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật với điều kiện được giám sát chặt chẽ bằng công nghệ, về phạm vi, quy mô và mô hình hoạt động, khi đạt đến mục quy mô nhất định thì tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.
Kết mở
Qua những phân tích ở trên có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ riêng Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Thời gian tới, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp thông qua các kênh số hóa, tăng cường các quy trình nghiệp vụ và quyết định trong Chính phủ dựa trên nền tảng số, và cải thiện khả năng người dân có thể tham gia thực chất với chính quyền. Đặc biệt khi Việt Nam bước sang thời kỳ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới, cần có mô hình và nguồn lực mạnh mẽ hơn để duy trì thành công Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, chuyển đổi số với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số.
Song để hiện thực hóa các mục tiêu trên, đòi hỏi Chính phủ phải khẩn trương xây dựng hoàn thiện nền móng kỹ thuật và khung pháp lý nhằm tối ưu hóa các cơ hội của dữ liệu lớn và giảm thiểu rủi ro; đặc biệt là bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống gian lận và an ninh mạng. Theo đó, cần sớm xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường dữ liệu, phân tích dữ liệu và các dịch vụ số.