Xác định thiệt hại dân sự trong các đại án: Hiểu và tính thế nào cho đúng?

22/03/2018 11:00

(Pháp lý) - Cách tính thiệt hại (phần dân sự) do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra trong các đại án được đưa ra xét xử thời gian gần đây đang gây tranh cãi tại các phiên tòa. Vậy tính toán, xác định thiệt hại (dân sự) trong các vụ án hình sự cần hiểu và tính thế nào mới đúng?

Xác định thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự, nhiều tranh cãi nhất tại tòa

Vào giữa tháng 3 này, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (gọi tắt Navibank) nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân. Theo hồ sơ vụ án: Thực hiện chủ trương trái pháp luật của lãnh đạo Navibank là chuyển tiền và cho các nhân viên đứng tên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác để hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng. Từ ngày 9/11/2010 đến ngày 27/5/2011, hội đồng tín dụng của Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên với số tiền hơn 1.543 tỉ đồng để các nhân viên này gửi vào Vietinbank Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5%/năm. Tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là hơn 24,5 tỉ đồng. Từ chủ trương, hành vi trái pháp luật của các lãnh đạo Navibank, Huyền Như đã lợi dụng chiếm đoạt 200 tỉ đồng của ngân hàng này. Trọng vụ án này, tranh luận về thiệt hại làm nóng phiên xử.

Các luật sư tham gia xét hỏi đã hỏi về việc số tiền 200 tỷ đồng đang ở đâu và được sử dụng như thế nào? Đại diện Navibank cho rằng số tiền 200 tỉ đồng trong vụ án không phải là thiệt hại, không bị mất vì Navibank cho các nhân viên vay tiền để gửi vào Vietinbank, với tài sản đảm bảo là hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank. Bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên Huyền Như phải bồi thường 200 tỉ này cho Navibank. Do khoản tiền này còn đó nên không bị coi là thiệt hại.

Từ lập luận trên mà các luật sư trong “Hội đồng bào chữa” bảo vệ cho các bị cáo trong đại án Navibank, cũng là một đại án đang gây xôn xao dư luận và có những tranh cãi nảy lửa về vấn đề bồi thường thiệt hại cho rằng: Tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 là một tội phạm có cấu thành vật chất. Nghĩa là phải có hành vi và có hậu quả... Nhưng khi thẩm tra hồ sơ vụ án này, các luật sư trong “Hội đồng bào chữa” phát hiện số tiền thiệt hại 200 tỉ đồng là không hề xảy ra mà vẫn nằm trong két sắt của nhà băng. Tiền không mất thì không có thiệt hại, mà không có thiệt hại thì cả 10 bị cáo đều bị oan.

Trong đại án tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN (PVC), kết luận giám định xác định hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) hơn 119 tỉ đồng. Trong đó, 51 tỉ đồng là tiền lãi trên số tiền 1.115 tỉ đồng không sử dụng vào mục đích dự án và 68 tỉ đồng là tiền lãi do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỉ đồng. Theo đó, thiệt hại của vụ án do sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích được tính toán cặn kẽ và ra kết quả thiệt hại là 119 tỉ đồng. Đại diện PVN khẳng định số tiền đã tạm ứng cho PVC là tiền nằm trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiết kiệm. Do đó, các luật sư cho rằng tiền này chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn chứ không thể tính như lãi suất huy động vốn. Bởi vậy, việc tính thiệt hại nếu có đối với vụ án này cần được tính toán lại.

Trịnh Xuân Thanh đền tội bằng 2 án chung thân
Trịnh Xuân Thanh đền tội bằng 2 án chung thân)

Trong khi đó, HĐXX vụ án trên lại khẳng định cách tính thiệt hại của đoàn Giám định tư pháp là có lợi cho các bị cáo. Giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT đã kết luận thiệt hại do PVC và BQL Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 gây ra cho PVN đối với việc cho PVC tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng là số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào dự án (51,638 tỷ đồng); thiệt hại trực tiếp của PVN do PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỷ đồng là số tiền lãi được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng tiền cho PVC) cho đến ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích) là 68,166 tỷ đồng. Trong đó: số tiền lãi phát sinh khoản 30 tỷ đồng đầu tư tài chính vào PVC Nghệ An là 1,8 tỷ đồng, số tiền lãi phát sinh trong khoản 10 tỷ đồng đầu tư tài chính vào CTCP Thiết bị nội ngoại thất Dầu khí số tiền là 610 triệu đồng. Như vậy, tổng thiệt hại từ hai khoản tiền lãi trên là 119,804 tỷ đồng.

Trong đại án Oceanbank, cách tính thiệt hại cũng là vấn đề gây tranh cãi. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến hết tháng 11/2014, tổng số tiền mà ngân hàng Oceanbank đã dùng để chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng. Vị đại diện ngân hàng cho biết, do ngân hàng xác định khoản tiền 1.576 tỷ là được chi ra từ 3 tài khoản của Oceanbank, tức là rút ra từ ngân hàng. Theo kết quả giám định thì khoản này không có khả năng thu hồi nên xác định đó là thiệt hại của ngân hàng Đại đương. Bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Oceanbank thì lại một mực khẳng định 1.576 tỷ bị quy kết trong cáo trạng không phải là thiệt hại mà đó là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi nhuận về cho ngân hàng. Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) cho rằng xác định thiệt hại phải dựa trên cơ sở đầu vào, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đầu ra thì mới biết có thiệt hại hay không. Nhờ có việc chi lãi ngoài mà chi nhánh của mình giữ chân được khách hàng, giúp cho hoạt động ngân hàng được ổn định, đảm bảo thanh khoản. Theo đó, giúp ngân hàng không những không bị lỗ mà còn liên tục lãi trong nhiều năm.

Chuyên gia pháp luật hình sự nói gì?

Chuyên gia pháp luật hình sự Trần Đức Thìn trao đổi với PV Pháp lý
Chuyên gia pháp luật hình sự Trần Đức Thìn trao đổi với PV Pháp lý)

Xung quanh vấn đề này, chuyên gia pháp luật hình sự Trần Đức Thìn phân tích và bình luận : Trong quy định của pháp luật hình sự đối với các tội danh, nếu quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm thì để kết tội, các cơ quan buộc tội phải chứng minh được thiệt hại xảy ra. Nếu quy định trong các tình tiết định khung thì cũng phải chứng minh có thiệt hại thì mới có thể chuyển khung hình phạt. Thiệt hại đó có thể là trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra. Đối với vụ án và liên quan đến tội danh của ông Đinh La Thăng, ông này phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” ở đây hậu quả là một yếu tố cấu thành tội phạm. Đồng thời, hậu quả còn là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự… Chính vì thế mà cơ quan kiểm sát nhằm vào đó để buộc tội, còn luật sư lại nhằm vào đó, chứng minh không thiệt hại để gỡ tội

Đối với vấn đề thiệt hại trong vụ án hình sự, ngoài thiệt hại trực tiếp do chính hành vi phạm tội gây ra thì còn có thiệt hại gián tiếp. Ví dụ như đối với hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh, y phạm tội nhận hối lộ. Người ta cũng có thể tính cả phần thiệt hại trực tiếp là nhận hối hộ bao nhiêu tiền. Còn vì nhận khoản tiền đó ảnh hưởng xấu đến đầu tư, thu nhập của cơ quan, tổ chức thì sẽ tính là thiệt hại gián tiếp.

Trong những vụ án vừa qua, cách tính thiệt hại gây nhiều tranh cãi. Thế nhưng, cần hiểu thống nhất là thiệt hại phải là hậu quả của hành vi phạm tội và là thiệt hại thực tế. Tôi theo dõi vụ án tại ngân hàng Oceanbank, lập luận của nhiều luật sư cho rằng, việc chi lãi ngoài để khách đến gửi tiền cho ngân hàng nhiều hơn…Theo quan điểm của cá nhân tôi, đó là chính sách “thả con săn sắt bắt con cá rô” nếu không có thiệt hại thực tế, mà chỉ là thiệt hại dự tính thì khó có thể áp dụng tình tiết tăng nặng với các bị cáo trong vụ án.

 Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN))

Cũng liên quan đến vấn đề tính thiệt hại (dân sự) trong các vụ án hình sự, Toà án nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự. Theo đó, phần dân sự trong vụ án hình sự là căn cứ để đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Về nguyên tắc chung phần dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần hay một phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Phần dân sự trong vụ án hình sự không có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.

Nhiều chuyên gia pháp luật hình sự trong quá trình trao đổi với chúng tôi cho rằng, cách tính thiệt hại gây lúng túng vì thiệt hại phải là thiệt hại thực tế và hướng dẫn tính thiệt hại hiện nay chưa được áp dụng thống nhất. Nên chăng cần một án lệ cho vấn đề tính thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự?

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã được TAND TP.HCM đưa ra xét xử vào ngày 8/1/2018. Có 46 bị cáo bị đưa ra xét xử do có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại các ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), TPBank, BIDV và Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB). Cùng bị đưa ra xét xử với Phạm Công Danh còn có ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank… Sau gần 1 tháng xét xử, sáng 7/2, HĐXX tuyên trả hồ sơ và điều tra bổ sung vụ án với lý do qua quá trình xét xử, những tranh luận xoay quanh dòng tiền 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ, 6.126 tỷ thiệt hại vụ án vẫn là câu hỏi lớn cần làm rõ.

Phan Phan

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Xác định thiệt hại dân sự trong các đại án: Hiểu và tính thế nào cho đúng?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin