Xã hội hóa thi hành án dân sự – Một nhu cầu tất yếu

(Pháp lý) - Xã hội hóa thi hành án dân sự

Trong những năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến việc xã hội hóa (XHH) như là một giải pháp cải cách tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường trách nhiệm và tham gia của đông đảo nhân dân mà trọng tâm là chuyển những công việc không cần thiết phải do Nhà nước trực tiếp thực hiện cho xã hội. Đây là một hướng đi tất yếu trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước ta hiện nay. Nghị quyết số 48; 49/ NQ- TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định nhiệm vụ xã hội hoá công tác thi hành án (THA): “Từng bước thực hiện việc XHH và quy định hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc THA”. Để thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về XXHTHADS, ngày 14 tháng 11 năm 2008, Quốc hội khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Sau 05 năm thực hiện thí điểm mô hình Thừa phát lại, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2015/QH13 về thực hiện Chế định Thừa phát lại, theo đó “cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016”.

 Lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ (ảnh minh họa)
Lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ (ảnh minh họa))

 

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 135/2014/NĐ-CP thì: “Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”. Như vậy, XHHTHADS thông qua thực hiện chế định Thừa phát lại là nâng cao trách nhiệm của các bên có quyền, nghĩa vụ, của cộng đồng và của toàn xã hội trong việc THA; từng bước chuyển hoạt động THADS cho cá nhân, tổ chức thực hiện nhằm thi hành kịp thời, đúng đắn các bản án, quyết định dân sự của Toà án theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, lợi ích của Nhà nước và của toàn xã hội.

Cơ sở lý luận và thực tiễn

Thứ nhất: Cơ sở lý luận của xã hội hoá thi hành án dân sự

Hiện nay, với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, từng bước xoá bỏ cơ chế quản lý kế hoạch tập trung, bao cấp, tạo sự bình đẳng cho các chủ thể tham gia các giao lưu dân sự, kinh tế. Chính vì lẽ đó, XHHTHADS là một chủ trương lớn trong tiến trình cải cách tư pháp, bao hàm khả năng chuyển giao ngày càng nhiều hơn các công việc về THADS mà Nhà nước đảm nhận cho cá nhân, tổ chức phi Nhà nước thực hiện; khuyến khích nhân dân tham gia vào THADS, nâng cao tính tích cực, tự chủ của nhân dân để chia sẻ với Nhà nước, góp phần tăng cường dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Đảng ta chỉ rõ hướng cơ bản của việc đổi mới hoạt động của các cơ quan nhà nước trong giai đoạn hiện nay là “Nhà nước cũng cần phải giảm việc can thiệp quá sâu vào quyền điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở và các quan hệ dân sự để tập trung hướng mạnh vào xây dựng thể chế, sử dụng các công cụ điều hành vĩ mô”. Cũng tại hội nghị này Đảng cũng chỉ ra định hướng cơ bản của việc XHH “... XHH không đồng nghĩa với phi Nhà nước hoá và càng không phải là tư hữu hoá. Phương châm cơ bản ở đây vẫn là Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trên cơ sở đó pháp luật đã trao cho người dân quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, Có thể thấy rằng việc XHHTHA hiện nay cũng không nằm ngoài mục tiêu là hiệu quả của công tác THADS.

Thứ hai: Cơ sở thực tiễn của xã hội hóa thi hành án dân sự

Một là: Công tác THADS chủ yếu do cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện, tuy nhiên với số lượng bản án, quyết định cần được thi hành quá lớn, các Chấp hành viên không đủ để thực hiện việc THA. Tính đến ngày 30/9/2015, các cơ quan THADS được phân bổ 9.957 biên chế, trong đó đã thực hiện được 9.681/9.957 biên chế được giao (trong đó có 4.128 Chấp hành viên, 607 Thẩm tra Viên, 1.731 Thư ký THA) (Theo Báo cáo số 05/BC-BTP ngày 12/01/2015 về tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác tư pháp năm 2015). Mặc dù vậy, số lượng cán bộ THA hiện vẫn còn thiếu, do các vụ việc THADS cũng tăng hàng năm cả về số lượng lẫn giá trị phải thi hành, vì vậy, số lượng Chấp hành viên dù có tăng thì cũng vẫn ở tình trạng “người đuổi theo việc” và chưa đáp ứng được so với khối lượng vụ việc THADS hàng năm.
Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho công tác THADS và trụ sở, trang thiết bị cho công tác THADS luôn luôn trong tình trạng chưa đáp ứng được yêu cầu. Khảo sát của Bộ Tư pháp thực hiện năm 2011-2012 về thực trạng tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hình sự cho thấy trong tổng số 272 chấp hành viên, kiểm sát viên, chuyên viên cơ quan THA được hỏi, có rất nhiều người đánh giá việc không đáp ứng yêu cầu về nguồn tài chính cho công tác THA (86,4%) và trụ sở, trang thiết bị cho công tác THA (77,7%). Trong khi đó nguồn ngân sách cho khối cơ quan này cũng lên đến gần nghìn tỷ đồng mỗi năm. Hậu quả là lượng án tồn đọng vẫn còn nhiều. Cụ thể, số việc và tiền chuyển kỳ sau của năm 2015 vẫn còn nhiều, nhất là về tiền (257.427 việc tương ứng với số tiền 83.136 tỷ 885 triệu 439 nghìn đồng); chưa hoàn thành chỉ tiêu giảm việc thi hành án chuyển kỳ sau. Lượng án tồn đọng qua nhiều năm vẫn chưa được giảm mạnh.Bên cạnh đó, việc phân loại án có điều kiện, không có điều kiện thi hành tại một số cơ quan THADS địa phương còn thiếu chính xác.

Có hai giải pháp để khắc phục tình trạng này là:

(1) Tiếp tục tăng biên chế thật nhiều cho cơ quan THADS, kèm theo đó là tăng ngân sách cho cơ quan này để giảm lượng án tồn đọng. Nếu vậy, sẽ mâu thuẫn với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước.

(2) Hoặc xã hội hóa thi hành án dân sự ở mức độ nhất định thông qua chế định Thừa phát lại.

Qua gần 06 năm thí điểm mô hình Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên 04 lĩnh vực: Tống đạt văn bản theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; Xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 939.544 văn bản, lập 42.911 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 135 tỷ 862 triệu 202 nghìn đồng. Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với 939.544 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 70 tỷ đồng (chiếm 51 % tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng với 42.911 vi bằng được lập và doanh thu gần 59 tỷ đồng (chiếm 43 % tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ với 885 việc xác minh và 378 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 02 loại công việc trên mới đạt gần 8 tỷ đồng (chiếm 6% tổng doanh thu).

Ngoài Chấp hành viên, tới đây, người có nhu cầu thi hành án dân sự có quyền lựa chọn Thừa phát lại thực hiện công việc thi hành án cho họ (ảnh minh họa)
Ngoài Chấp hành viên, tới đây, người có nhu cầu thi hành án dân sự có quyền lựa chọn Thừa phát lại thực hiện công việc thi hành án cho họ (ảnh minh họa))

Từ kết quả trên cho thấy, việc lựa chọn thực hiện xã hội hóa THADS thông qua hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian qua là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Hai là: Xã hội hóa THADS sẽ khuyến khích nhân dân tham gia vào lĩnh vực THADS, khuyến khích việc tự nguyện THA từ phía người phải THA và người được THA, nâng cao tính tích cực, tự chủ của nhân dân, chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước, góp phần tăng cường dân chủ trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Xã hội hóa hoạt động THADS còn góp phần tạo sự bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, xã hội hóa THADS cũng sẽ khắc phục được sự quan liêu, lạm quyền từ người được trao quyền lực đồng thời tránh được sự rườm rà, chậm chạp về thủ tục THA của cơ quan THADS.

Ý nghĩa của xã hội hóa thi hành án dân sự

Xuất phát từ bối cảnh tình hình, nhu cầu của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự và xu hướng phát triển nghề Thừa phát lại trên thế giới thì có thể thấy rằng sự tồn tại của Thừa phát lại ở nước ta trong thời gian tới đây là một tất yếu, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, XHHTHADS giúp làm giảm gánh nặng về nhân lực, chi phí của Nhà nước cho hoạt động THA

Thứ hai, XHHTHADS sẽ góp phần khắc phục tình trạng chây ỳ, quan liêu trong thi hành án

XHHTHADS sẽ tạo ra cơ chế mới, nguồn lực mới cho THADS do có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp THA tư nhân với nhau và giữa doanh nghiệp THA tư nhân với cơ quan Nhà nước làm công tác quản lý THA. Qua đó, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ THA phải tự nâng mình lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công tác THA, do đó, khắc phục được tình trạng quan liêu trong công tác THA; các bản án, quyết định của Toà án sẽ được thi hành một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thứ ba, XHHTHADS sẽ nâng cao được tinh thần trách nhiệm cá nhân và sự tận tuỵ của nhân viên THA trong công tác THA

Với chế độ lương bổng, phụ cấp hợp lý cùng với chính sách đãi ngộ khác sẽ góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho các nhân viên THA, tạo nên sự yên tâm của họ đối với nghề nghiệp của mình, giúp họ thật sự gắn bó và yêu nghề hơn. XHHTHA sẽ hình thành nên tổ chức THA tư (Thừa phát lại) qua đó bổ sung thêm một lực lượng THA chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao giúp bên được THA có điều kiện xác minh chính xác thực trạng tài sản của bên phải THA, nâng cao số lượng án có điều kiện thi hành, đảm bảo quyền lợi cho bên được THA, đồng thời người dân có thêm cơ hội lựa chọn trong việc nhờ cơ quan, tổ chức nào thi hành án, quyết định liên quan. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức THA cần phải cạnh tranh, nâng cao năng lực, nâng cao hiệu quả THA để bảo vệ uy tín của mình.

Ths. Nguyễn Thị Tuyền (Trường Đại học Tây Nguyên)
LG. Lê Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh & Đầu tư
Châu Âu- HLGVN)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin