Theo chuyên gia pháp luật, vụ án này không chỉ liên quan đến lãnh đạo và các cá nhân của công ty Việt Á mà còn liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân khác, đặc biệt liên quan cả đến sĩ quan quân đội. Do đó, vụ án này tới đây có thể sẽ được tách ra, Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Liên quan đến vụ việc nghiên cứu, chế tạo, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, sáng 8/3, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn cho biết Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng, đã khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ Học viện Quân y.
Cụ thể, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 4, điều 222 Bộ luật hình sự. Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với thượng tá Hồ Anh Sơn - phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự - Học viện Quân y - về tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 4, điều 353 và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, điều 356, Bộ luật hình sự.
Các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, giám sát để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm các quy định khi đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty Việt Á.
Những vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước…, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm thuộc về trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; trung tướng Đỗ Quyết, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc học viện; thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư chi bộ, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, chủ nhiệm đề tài; đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó bí thư chi bộ, Trưởng phòng Trang bị, vật tư…
Liên quan đến vụ án tiêu cực về kit test COVID-19 của Công ty Việt Á, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố hơn 20 bị can. Trong số đó phải kể đến các đối tượng như Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học & Công nghệ bị khởi tố, bắt giam về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hay hàng loạt cán bộ cấp cao của CDC các địa phương như Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang và Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế…
Các bị can trên đều bị khởi tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ.
Về thu hồi tài sản, theo thông tin từ Bộ Công an, đến thời điểm hiện nay, Cơ quan điều tra đã kê biên, thu hồi tài sản của các bị can, người có liên quan với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng.
Thẩm quyền tố tụng thuộc cơ quan nào ?
Trao đổi nhanh với PV tạp chí điện tử Pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, vụ án xảy ra tại công ty Việt Á là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội trong phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của nhiều cơ quan tổ chức, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy việc cơ quan điều tra mở rộng điều tra, xử lý đối với các cán bộ, cá nhân, tổ chức có liên quan là cần thiết, trên cơ sở pháp luật.
Cũng theo Tiến sĩ Cường, theo quy định pháp luật thì cơ quan tố tụng thuộc quân đội sẽ giải quyết đối với những vụ án mà các bị can, bị cáo là quân nhân.
Điều 163 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định tại Điều 272 của Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; .... Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật. (Điều 272 của Bộ luật tố tụng hình sự)
Tuy nhiên, Điều 273 của Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Theo đó, khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện như sau:
Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
Theo Tiến sĩ Cường, vụ án này không chỉ liên quan đến lãnh đạo và các cá nhân của công ty Việt Á mà còn liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân khác, đặc biệt liên quan cả đến sĩ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Do đó, vụ án này có thể sẽ được tách ra, Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
Theo đó, các bị can là quân nhân sẽ do cơ quan điều tra của bộ quốc phòng tiến hành điều tra và viện kiểm sát quân sự sẽ kiểm sát quá trình điều tra và thực hiện quyền công tố, tòa án quân sự sẽ có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định
Các bị can có thể phải đối diện chế tài hình sự nghiêm khắc nhất
Cũng theo Tiến sĩ Cường, căn cứ vào kết quả điều tra vụ án, căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng thì đến nay cơ quan chức năng đã xác định được sai phạm của rất nhiều cán bộ có liên quan ở học viện quân y.
Bởi vậy, đến nay cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố hai bị can về 3 tội danh đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Cụ thể, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng"; và thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự Học viện Quân y về tội “tham ô tài sản” quy định tại Khoản 4 Điều 353 và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo khoản 4 điều 353, Bộ luật hình sự 2017, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình…
Như vậy, cơ quan điều tra đang điều tra các bị can này theo khoản 4, điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, cho thấy các bị can có thể đã tham ô chiếm đoạt tài sản của nhà nước từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc hành vi của bị can đã gây thiệt hại vể tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên. Với khung khoản này nếu bị kết tội thì bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Tiến sĩ Cường nhận định
Thay lời kết
Vụ án Việt Á xảy ra khiến nhiều người rất “sốc” bởi sự giả dối, liều lĩnh, coi thường pháp luật của nhiều đối tượng. Chỉ vì lợi ích cá nhân, chỉ vì muốn thu lợi bất chính mà họ đã bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người dân, tác động tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch bệnh và gây hệ lụy khôn lường cho xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân.
Hành vi của các bị can có thể nói là tán tận lương tâm, coi thường dư luận nên việc xác minh làm rõ, xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ là cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.