Vụ con gái nhà sáng lập Huawei và những vấn đề pháp lý về dẫn độ trên thế giới

(Pháp lý) - Bà Mạnh Vãn Chu - con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc Nhậm Chính Phi đã bị giới chức Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ và Mỹ đang yêu cầu dẫn độ đối tượng này sang Mỹ để xét xử. Vụ án đặt ra vấn đề dẫn độ trên thế giới hiện nay.

Doanh nhân Trung Quốc bị bắt giữ ở Canada…

Bà Mạnh Vãn Chu - con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc Nhậm Chính Phi đã bị giới chức Canada bắt giữ vào ngày 1/12/2018 khi đang quá cảnh giữa các chuyến bay tại Vancouver theo đề nghị của Mỹ. Washington cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran với 23 tội danh, bao gồm rửa tiền, lừa đảo, đánh cắp tài sản trí tuệ và giao dịch bất hợp pháp với Iran, quốc gia đang phải chịu lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Washington cũng kiến nghị Vancouver dẫn độ đối tượng này đến Mỹ để tiếp tục điều tra.

Tòa án Canada phải xác định liệu có đủ bằng chứng để hỗ trợ quá trình dẫn độ hay không và Bộ Tư pháp Canada cũng cần phải đưa ra chỉ thị chính thức.
Canada phải xem xét các yếu tố pháp lý cũng như những yếu tố chính trị và nhân đạo, chẳng hạn trong trường hợp người bị dẫn độ đã có tuổi và không thể chịu được điều kiện trong nhà tù của Mỹ. Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố khác phát sinh. Có những trường hợp mà Bộ trưởng Tư pháp cần phải quan tâm, là về việc liệu quá trình dẫn độ có được dàn xếp hay không, hay như tính công bằng của quá trình này.

Ngày 6/3/2019, Bộ Tư pháp Canada đã bắt đầu quá trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Huawei - sang Mỹ. Tuy nhiên, để dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ có thể phải mất nhiều năm bởi hệ thống tư pháp Canada cho phép kháng cáo các quyết định. Ngoài ra, quyết định cuối cùng có dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu hay không còn phụ thuộc vào Bộ trưởng Tư pháp Canada.

Theo 2 bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, bà Mạnh Vãn Chu đối diện với các tội danh liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng, cản trở pháp lý. Bộ Tư pháp Canada cũng cho biết, các thủ tục dẫn độ bà Mạnh chính thức được thực hiện sau khi xem xét kỹ và đánh giá toàn diện các bằng chứng của vụ việc. Phản ứng trước động thái này từ phía Canada, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada ra thông báo "phản đối mạnh mẽ" quyết định mới nhất của Canada, kêu gọi Canada nên từ chối yêu cầu dẫn độ và lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu. Trung Quốc từng cáo buộc phía Mỹ "hành xử kiểu bắt nạt" sau khi chính quyền Washington tuyên bố sẽ yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ để xét xử.

Hiện nay, bà Mạnh Vãn Chu được cho phép tại ngoại và sinh hoạt tại nhà riêng với chồng là ông Carlos Liu Xiaozong dưới sự giám sát của chính quyền Canada sau khi nộp 7,4 triệu USD tiền bảo lãnh. Đối tượng được phép đi lại quanh thành phố nơi đang sống nhưng phải đeo vòng giám sát GPS ở cổ chân và tuân thủ lệnh giới nghiêm là 11 giờ đêm.

 Bà Mạnh Vãn Chu
Bà Mạnh Vãn Chu)

Vụ Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Huawei bị bắt giữ này khiến dư luận quan tâm hơn đến vấn đề dẫn độ tội phạm trên thế giới hiện nay.

Nguyên tắc dẫn độ tội phạm

Qui chế về dẫn độ tội phạm ra đời khá sớm, từ thời kỳ cổ đại chứ không phải cho đến thời kỳ hiện đại như một số học giả đưa ra. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tòa án Nuremberg và Tòa án Tokyo xét xử phát - xít đã đề cập đến việc dẫn độ tội phạm, do đó năm 1946, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết áp dụng các biện pháp truy tìm, bắt giữ và dẫn độ các tội phạm chiến tranh về quốc gia nơi thực hiện tội phạm để xét xử theo pháp luật quốc gia sở tại. Năm 1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết về nghĩa vụ của các quốc gia trong việc dẫn độ và chuyển giao tội phạm chiến tranh cho Tòa án xét xử.

Trong quá trình phát triển, hàng loạt các Công ước quốc tế về chống tội phạm có tính chất xuyên quốc gia ra đời, trong đó phần quan trọng là các qui định về dẫn độ tội phạm, như: Công ước về khủng bố, trẻ em, buôn bán ma túy, buôn bán người… Bên cạnh đó, năm 1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc còn thông qua điều ước mẫu về dẫn độ tội phạm làm cơ sở để các quốc gia tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về đấu tranh chống tội phạm nói chung và dẫn độ tội phạm nói riêng. Trên cơ sở, những điều ước quốc tế đa phương mang tính toàn cầu, các khu vực cũng đã ký kết các điều ước khu vực, mà tiêu biểu là Công ước quốc tế về dẫn độ tội phạm Châu Âu năm1975, Công ước … Như vậy, cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, qui chế dẫn độ ngày càng được hoàn thiện, phát triển bảo đảm cho việc dẫn độ tội phạm có hiệu quả, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng quốc gia, khu vực. Sự phát triển, hoàn thiện này, thể hiện ở sự gia tăng các điều ước quốc tế về dẫn độ, trong đó đã cụ thể hóa nhóm người thuộc diện dẫn độ tội phạm, các phạm trù và các căn cứ dẫn độ cũng được xác định cụ thể hơn.

Về cơ sở dẫn độ tội phạm, trong các nghiên cứu gần đây đều cho rằng, cơ sở để thực hiện dẫn độ là điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia.

Các Điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý để các quốc gia tiến hành dẫn độ một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Nếu không có điều ước quốc tế thì các quốc gia vẫn có thể tiến hành dẫn độ trên cơ sở áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc có đi, có lại không phải bao giờ cũng được thực hiện một cách dễ dàng, đặc biệt đối với các nước ở các hệ thống pháp luật khác nhau.

Cơ sở thứ hai của dẫn độ là pháp luật của các quốc gia xuất phát từ việc quốc gia có các đạo luật riêng biệt xác định rõ các tội phạm thuộc diện dẫn độ quốc tế, hoặc là thống kê các loại tội phạm mà việc dẫn độ quốc tế không được đảm bảo.

Khi đề cập tới cơ sở pháp luật quốc gia của dẫn độ, một điểm đáng lưu ý là pháp luật quốc gia khi qui định điều kiện dẫn độ phải phù hợp với luật quốc tế về dẫn độ quốc tế, càng không được lấy các qui định của luật quốc gia làm cơ sở để từ chối dẫn độ nếu điều ước quốc tế không ghi nhận như vậy.

Mexico bắt đầu triển khai thủ tục dẫn độ đối tượng El Chapo sang Mỹ - Ảnh: AFP
Mexico bắt đầu triển khai thủ tục dẫn độ đối tượng El Chapo sang Mỹ - Ảnh: AFP)

Về các nguyên tắc dẫn độ, đầu tiên là nguyên tắc không dẫn độ công dân của mình. Đây là nguyên tắc quan trọng được nhiều nước (đặc biệt là các nước theo truyền thống pháp luật Civil – law) thừa nhận trong hoạt động dẫn độ. Tuy nhiên, nguyên tắc không dẫn độ công dân của mình không phải lúc nào cũng được áp dụng, cũng có những ngoại lệ.

Nguyên tắc thứ hai là tội phạm kép. Nguyên tắc có nội dung: Việc dẫn độ chỉ có thể được tiến hành đối với người có hành vi được coi là tội phạm và có thể bị trừng phạt theo pháp luật của cả bên được yêu cầu và bên yêu cầu.

Nguyên tắc không dẫn độ đối với tội phạm chính trị. Một nguyên tắc được thừa nhận chung trong luật pháp quốc tế là, người thực hiện tội phạm chính trị không thể bị dẫn độ. Nguyên tắc này xuất phát từ quan niệm cho rằng, người phạm tội chính trị do “động cơ cao quý” nên không thể bị đối xử như những người phạm tội thông thường khác, vì vậy, họ không thể bị dẫn độ.

Canada ký Hiệp định dẫn độ tội phạm với Mỹ

Các công tố viên liên bang và tiểu bang tại Mỹ không thể yêu cầu các đối tác nước ngoài bắt giữ và chuyển giao một cá nhân nào đó cho Mỹ. Những yêu cầu này phải được thực hiện thông qua Văn phòng phụ trách quan hệ quốc tế thuộc Bộ Tư pháp (viết tắt là OIA). OIA duy trì đường dây liên lạc với nhà chức trách tại các quốc gia khác và chịu trách nhiệm thực hiện các bước đi tiếp theo dẫn tới việc bắt giữ và dẫn độ tội phạm. Ông Douglas – Luật sư chuyên mảng tội phạm quốc tế tại Houston cho biết, quyết định ban hành cáo trạng đối với một đối tượng nào đó, chẳng hạn như bà Mạnh Vãn Chu có thể được thực hiện ở các cơ quan cấp cao trong chính phủ Mỹ “bởi Mạnh Vãn Chu là một công dân Trung Quốc và cha bà là nhân vật quan trọng tại quốc gia này”.

Còn Bradley Simon – cựu công tố viên liên bang tại Brooklyn cho biết, động thái chống lại một cá nhân như bà Mạnh Vãn Chu “cần có thêm một loạt chỉ thị được xem xét kỹ lưỡng tại Bộ Tư pháp”.

Canada là một trong số hơn 100 quốc gia ký Hiệp định dẫn độ tội phạm với Mỹ, do đó, buộc phải hợp tác với các yêu cầu của OIA. Các hiệp ước dẫn độ khác nhau tùy thuộc vào từng loại hình tội phạm và một số hiệp ước loại trừ các cá nhân đang đối mặt với án tử hình. Hiệp ước dẫn độ lâu năm giữa Mỹ và Canada quy định cá nhân bị dẫn độ phải là tội phạm ở cả hai quốc gia.

Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia nằm trong số những quốc gia không có Hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ. Nếu đối tượng Mỹ muốn dẫn độ đang có mặt ở những quốc gia này, một lựa chọn cho OIA là liên lạc với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) để ban hành “cảnh báo đỏ” cho thấy rằng đang có lệnh truy nã đối với đối tượng đó.

Cảnh báo đỏ thường không được công khai, tuy nhiên một đối tượng có thể bị bắt giữ căn cứ vào cảnh báo này ngay khi đến biên giới hoặc sân bay ở một nước thứ 3 không ký Hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay, nhưng Reuters không nêu rõ liệu giới chức Canada có thực hiện vụ bắt giữ này dựa trên cảnh báo đỏ hay không. Yêu cầu dẫn độ của OIA phụ thuộc vào từng Hiệp ước dẫn độ, song nhìn chung đòi hỏi nhà chức trách Mỹ phải trình ra các cáo buộc và bằng chứng phù hợp. Thông thường các bị cáo hay chống lại việc bị dẫn độ với lý do quyền lợi của họ tại quốc gia bị bắt giữ sẽ bị vi phạm nếu họ được đưa tới quốc gia yêu cầu dẫn độ để đối mặt với các thủ tục pháp lý. Việc chống lại yêu cầu dẫn độ có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Minh Khôi

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin