Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế tham gia và dự Lễ trao giải VinFuture 2024 (ngày 6/12/2024). Ảnh: TTXVN
VinFuture đã chứng minh tầm nhìn vượt trội
Thực tế, sau 4 mùa giải, VinFuture đã chứng minh tầm nhìn vượt trội cùng lối đi khác biệt khi đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện, trong mối quan hệ đa chiều thay vì chỉ vinh danh các nghiên cứu đơn lẻ.
Ở mùa 1, nghiên cứu giành Giải thưởng Chính bao gồm hai yếu tố, mRNA và hạt nano lipid, cả hai đều cần thiết để tạo ra vaccine mRNA. Năm 2022, với Công nghệ mạng toàn cầu, VinFuture không chỉ tôn vinh phần mềm hay các giao thức mà ghi nhận tầm quan trọng của cả cơ sở hạ tầng và khả năng truyền tải thông tin.
Tương tự, Giải thưởng Chính VinFuture 2023 không trao cho phát minh riêng lẻ về pin mặt trời hay pin lithium-ion. Thay vào đó, VinFuture tôn vinh tổ hợp phát minh kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh.
Giáo sư Albert P. Pisano, Viện sĩ Viện hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture cho rằng, giá trị cốt lõi và sứ mệnh đặc biệt của giải thưởng chính là điều làm nên sức hút đối với VinFuture theo tờ Technode Global.
Ba điều chỉ có ở Giải thưởng VinFuture: Thứ nhất, VinFuture đề cao tác động tích cực đến nhân loại; thứ hai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia vào chương trình nghị sự khoa học và công nghệ. Cuối cùng giải thưởng đề cao các quốc gia đang phát triển cũng như vai trò ngày càng tăng của họ với thế giới.
Những người đầu tiên đoạt Giải thưởng chính của VinFuture, Tiến sĩ Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman đã trở thành Chủ nhân giải thưởng Nobel Y học năm 2023. Điều này chứng tỏ với thế giới về vị thế và tầm nhìn của Giải thưởng VinFuture vì hai nhà khoa học này đã được VinFuture công nhận trước đó.
Và ở mùa giải 2024, VinFuture 2024 đã vinh danh những công trình khoa học “Bứt phá Kiên cường”. Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho “Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu”. Ba giải Đặc biệt vinh danh các công trình: “Sự đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển”, “Những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh” và “Sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác”. Đáng chú ý ở mùa giải 2024, việc vinh danh một tỷ phú công nghệ cùng với các nhà nghiên cứu hàng đầu tiếp tục khẳng định tầm nhìn khác biệt của VinFuture.
Giá trị cốt lõi VinFuture luôn hướng tới - Cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người
Chia sẻ với báo chí ngay sau sự kiện VinFuture 2024 , GS. Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture nhận xét các công trình khoa học VinFuture 2024 không chỉ là thành tựu trong phòng thí nghiệm, mà còn có khả năng tạo ra những thay đổi thực sự trong cuộc sống.
GS. Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu tại VinFuture 2024
“Mỗi năm, VinFuture đều mang đến những bất ngờ thú vị. Năm 2024, tôi đặc biệt ấn tượng với giải thưởng chính khi tôn vinh một "bộ ba quyền lực" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Với các giải đặc biệt, tôi vô cùng xúc động trước thành tựu của liệu pháp CAR-T, một bước tiến vĩ đại trong điều trị ung thư. Đây không chỉ là một đột phá khoa học, mà còn là hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân. Điều khiến tôi tự hào nhất là tất cả những công trình này đều hướng đến một mục tiêu chung: cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người. Đó là giá trị cốt lõi VinFuture luôn hướng tới ” - GS. Richard Henry Friend nhận định
Cũng theo GS. Richard Henry Friend , những công trình được vinh danh năm 2024 đang giải quyết các thách thức lớn nhất của nhân loại theo những cách rất thiết thực và hiệu quả. Suốt nhiều thập kỷ qua, dù hiểu được bản chất của ung thư, chúng ta vẫn chưa thực sự tìm ra cách điều trị hiệu quả. Liệu pháp tế bào CAR-T đã thay đổi điều đó, mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư với những kết quả đầy hứa hẹn.
Năm 2024, Quĩ VinFuture vinh danh những công trình khoa học “Bứt phá Kiên cường”: Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho “Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu”. Ba giải Đặc biệt vinh danh các công trình: “Sự đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển”, “Những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh” và “Sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương, đồng sáng lập quỹ VinFuture
Điều đặc biệt, năm 2024 giải thưởng trao cho một doanh nhân là CEO của Tập đoàn NIVIDIA. Quyết định này theo GS. Richard Henry Friend phản ánh một thực tế quan trọng của khoa học hiện đại: những đột phá vĩ đại thường đến từ sự kết hợp giữa nghiên cứu nền tảng và ứng dụng công nghệ. Những đổi mới mang tính đột phá thường xuất phát từ sự giao thoa giữa nghiên cứu học thuật và phát triển công nghiệp. Khi các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chung tay, chúng ta có thể tạo ra những đột phá thực sự có ý nghĩa cho nhân loại.
Theo Hội đồng giải thưởng VinFuture 2024, những đóng góp của ông Huang đã thúc đẩy GPU trở thành yếu tố thiết yếu trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hiện đại, đẩy nhanh sự đổi mới trong các lĩnh vực như nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và robot đều đã đạt được những tiến bộ vượt bậc nhờ vào công nghệ GPU và CUDA. Ví dụ, trong y học, CUDA hỗ trợ phân tích dữ liệu gen, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc mới và phương pháp điều trị bệnh hiểm nghèo... Những đổi mới của ông cho phép các nhà nghiên cứu xử lý dữ liệu lớn với hiệu suất chưa từng có và mở rộng giới hạn của trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các giải pháp để đối phó với các thách thức toàn cầu. Bằng cách dân chủ hóa khả năng tiếp cận với điện toán tăng tốc, ông Huang đã định hình lại bối cảnh nghiên cứu học sâu và các ứng dụng của nó trong nhiều ngành công nghiệp.
Tỷ phú Jensen Huang, CEO của Tập đoàn NIVIDIA, người không thuộc giới học thuật, gây bất ngờ khi trở thành một trong năm nhà khoa học giành Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD của Giải thưởng VinFuture năm 2024
Trước khi trở thành đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2024, doanh nhân Jensen Huang đã được cả thế giới biết đến như là “ngôi sao” của ngành bán dẫn toàn cầu. Là “cha đẻ” của những bộ xử lý đồ họa (GPU) mạnh nhất thế giới, mở ra kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo (AI), CEO của gã khổng lồ Nvidia được xem là đại diện tiêu biểu cho việc đưa khoa học vào thực tiễn để mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất.
Tổng Bí thư bắt tay GS Yann LeCun vào chiều 6/12/2024. Ảnh: TTXVN
VinFuture sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mối liên kết nghiên cứu khoa học và hợp tác toàn cầu
GS. Rachid Yazami, Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2023, đánh giá cao tính đột phá và sức ảnh hưởng của giải thưởng khoa học danh giá này. Theo ông, VinFuture không chỉ tôn vinh những đổi mới có tác động đến toàn nhân loại mà còn tạo nền tảng để Việt Nam trở thành trung tâm kết nối và phát triển công nghệ tiên phong của thế giới. Đó là lý do tôi gọi VinFuture là “Giải Nobel của châu Á”. Tôi thực sự coi VinFuture ngang tầm với giải Nobel.
Không chỉ ấn tượng với sự trưởng thành nhanh chóng của VinFuture chỉ sau hơn 3 năm hoạt động, các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới còn nhấn mạnh cách Giải thưởng này góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.
GS. Licht tin rằng Giải thưởng VinFuture, với những tiêu chí đánh giá thực tế, sẽ là cầu nối giữa những công trình nghiên cứu được ghi nhận trên toàn cầu với Việt Nam nói riêng các nước đang phát triển nói chung. Đồng thời, hiệu ứng mà VinFuture tạo ra còn giúp nâng cao nhận thức và tạo được tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách trên toàn cầu.
“Đây là lần đầu tôi thấy một giải thưởng lớn với sứ mệnh và tầm nhìn lớn lao như VinFuture. VinFuture giúp thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam”, vị giáo sư từ Đại học George Washington lý giải.
Trong khi đó, GS. Domen nhận xét: “Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng phát triển và sẽ trở thành một đối tác chiến lược về cả kinh tế và khoa học công nghệ. Vì vậy, tôi tin rằng VinFuture sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mối liên kết nghiên cứu và hợp tác toàn cầu”, GS. Domen kỳ vọng.
Là thành viên của nhiều cộng đồng nghiên cứu lớn, GS. Facchetti nhận thấy Giải thưởng khoa học công nghệ đầu tiên do người Việt khởi xướng giờ đây đã hiện diện ngày một đậm nét trong giới khoa học quốc tế. Hầu hết những thành viên trong cộng đồng của ông đều không còn xa lạ với Giải thưởng uy tín này. “Quan trọng hơn, tôi tin Quỹ và Giải thưởng VinFuture đang góp công lớn trong nỗ lực đặt Việt Nam sánh ngang với các quốc gia thường xuyên tổ chức các sự kiện tầm cỡ về khoa học và công nghệ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Na Uy”, GS. Facchetti khẳng định.
Khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tiếp các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế tham dự Lễ trao Giải thưởng VinFuture năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, Giải thưởng VinFuture không chỉ là giải thưởng khoa học thường niên có giá trị bậc cao nhất mà còn là minh chứng cho tinh thần ham học hỏi và khát vọng vươn ra toàn cầu, tiếp thu tinh hoa nhân loại của người Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại cuộc gặp ngày 6/12/2024 với Tổng Bí thư, các nhà khoa học quốc tế cũng đã nêu ý tưởng, đề xuất đối với các vấn đề xây dựng hệ sinh thái AI, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, giao thông… nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong các lĩnh vực công nghệ mới ở khu vực và thế giới.
Theo báo cáo thường niên Global Technology lần thứ 5, Bain & Co. dự báo, thị trường AI (bao gồm các dịch vụ và phần cứng liên quan) sẽ tăng trưởng 40% - 55% mỗi năm, từ mốc 185 tỷ USD năm 2023. Đặc biệt, đến năm 2027, doanh thu của thị trường AI ước đạt khoảng 780 - 990 tỷ USD.
AI đang được coi là lĩnh vực có thể mang lại nhiều giá trị to lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí là thay đổi các ngành nghề trong tương lai. Đây cũng là đang là lĩnh vực nằm trong chiến lược phát triển trọng điểm của không ít quốc gia hiện nay.
GS Yann LeCun, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2024, hiện đang là Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ Nhân tạo tại Meta, đồng thời là GS Silver tại ĐH New York. Ông được mệnh danh là “Bố già AI”. Ảnh: MH/VFP
Theo Hội đồng Giải thưởng VinFuture, thành tựu trên có được là nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán học sâu của GS Geoff E. Hinton, GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio, những người được mệnh danh là "Bố già AI".
Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm vào chiều 6/12/2024, GS Yann LeCun góp ý việc phát triển AI tại Việt Nam. Theo GS Yann LeCun, Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục, cũng như áp dụng các nền tảng nguồn mở. Và trên thực tế, Việt Nam ở một mức độ nào đó đã đi trước nhiều quốc gia khác, vì có một luật do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất dựa nhiều vào các nền tảng nguồn mở.
Cũng theo GS Yann LeCun: Việt Nam nên đóng một vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào một loại mô hình biên giới lớn sẽ được đào tạo bằng tất cả dữ liệu trên thế giới, với tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, các nền văn hóa và các hệ thống giá trị.
Việc này không thể được thực hiện bởi một công ty hoặc một thực thể duy nhất ở một quốc gia duy nhất mà phải được thực hiện theo cách phân tán trên toàn thế giới. Vì vậy, theo GS Yann LeCun, Việt Nam cùng với Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nên hình thành quan hệ đối tác quốc tế để đào tạo một mô hình nền tảng AI phổ quát có thể nói được tất cả các ngôn ngữ trên thế giới".