Vụ "chuyến bay giải cứu": Căn cứ pháp lý Toà án quyết định hình phạt một số bị cáo cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát.

29/07/2023 14:44

(Pháp lý) - Nhiều bị cáo thuộc nhóm nhận hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu” nhận mức án cao hơn nhiều so với mức án đề nghị của Viện kiểm sát. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Nhiều bị cáo nhận mức án cao hơn đề nghị của Viện kiểm sát

Chiều nay (28/7), TAND TP Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo HĐXX, đối với một số ý kiến bào chữa cho các bị cáo về tội “Nhận hối lộ” và “Môi giới nhận hối lộ” cho rằng: Trong quá trình tổ chức cấp phép chuyến bay, các bị cáo là công chức không có hành vi sách nhiễu doanh nghiệp, các cá nhân không thoả thuận làm hoặc không làm theo yêu cầu của doanh nghiệp và không yêu cầu doanh nghiệp chi tiền cảm ơn. Sau khi được cấp phép chuyến bay một số doanh nghiệp gửi tiền, quà các bị cáo cảm ơn, đây không phải là hành vi đưa, nhận hối lộ. Đề nghị HĐXX xem xét.

Theo HĐXX xét thấy, quá trình điều tra và kết quả tranh tụng tại phiên toà thể hiện, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, một số doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề nghị được cấp phép tổ chức các chuyến bay cho công dân về nước dưới hình thức giải cứu hoặc combo.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin cấp phép như bị từ chối hoặc không được trả lời hoặc có một số doanh nghiệp mặc dù được cấp phép nhưng sát thời điểm tổ chức chuyến bay dẫn đến không tổ chức được hoặc thua lỗ.

Do đó, một số doanh nghiệp đã liên hệ với các bị cáo là công chức cơ quan nhà nước nhờ vả, giúp đỡ được tổ chức cấp phép chuyến bay theo yêu cầu. Cụ thể là với tần suất nhiều hơn, số lượng người lớn hơn theo thị trường doanh nghiệp hướng đến… và được cấp phép sớm.

Sau đó, một số doanh nghiệp đã đưa tiền cho cán bộ công chức với danh nghĩa cảm ơn, tuy nhiên số tiền cảm ơn dựa trên số lượng chuyến bay và khách được đưa về nước cân đối với lợi ích của doanh nghiệp tổ chức chuyến bay.

Vì sao nhiều bị cáo trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ nhận mức án cao hơn đề nghị của Viện kiểm sát? ảnh 1

Các bị cáo tại phiên toà.

Theo HĐXX, số tiền các doanh nghiệp đưa rất lớn, đặc biệt lớn có lần lên tới hàng tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD. Việc đưa tiền, nhận tiền diễn ra nhiều lần thường xuyên, liên tục, số tiền vượt quá mức thu nhập bình quân của cán bộ công chức khi thực hiện công việc doanh nghiệp yêu cầu… Do đó, hành vi của các bị cáo là hành vi “Nhận hối lộ”.

HĐXX nhận định, đối với các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng… trong nhóm “Nhận hối lộ” là những người nhận hối lộ nhiều lần với số tiền rất lớn, đặc biệt lớn gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh của đội ngũ cán bộ công chức.

Do đó, cần có hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe tội phạm nguy hiểm này; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

HĐXX đánh giá, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, đã nhận hối lộ nhiều lần với số tiền trên 25 tỷ đồng gây bức xúc cho xã hội.

"Với vai trò là người đứng đầu Cục Lãnh sự, bị cáo Lan để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, mang tính hệ thống tại đơn vị của mình. Tại cơ quan điều tra bị cáo không thành khẩn khai báo. " - HĐXX cho biết.

Tuy nhiên, sau đó tại phiên toà bị cáo thành khẩn khai báo, nhận ra sai phạm của mình, ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân đồng thời tác động về gia đình nộp một phần tiền khắc phục hậu quả vụ án. Đề nghị dùng toàn bộ tài sản của mình để khắc phục hậu quả vụ án.

Toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan tù chung thân, trong khi Viện kiểm sát đề nghị 18-19 năm tù; bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 16 năm tù (Viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù), về tội “Nhận hối lộ” do nhận hối lộ.

Pháp luật quy định thế nào?

Đối với mỗi hành vi phạm tội vi phạm pháp luật hình sự thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội của mình. Trách nhiệm hình sự của người phạm tội được thể hiện trong các bản án, quyết định của Tòa án, trong đó bao gồm phần quyết định hình phạt. 

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về căn cứ quyết định hình phạt, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhc tính chất và mức độ nguy him cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 298 Bộ luật Tố tung Hình sự 2015, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện Kiểm sát đã truy tố. Điều này có nghĩa là với những hành vi mà Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật. 

Quay lại vụ án “chuyến bay giải cứu”, có thể thấy bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng… đều là cán bộ chức vụ cao, có hiểu biết pháp luật nhưng đã nhận hối lộ nhiều lần với số tiền rất lớn khi thực hiện cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh của đội ngũ cán bộ công chức.

Như vậy, HĐXX nhận định, cần phải có hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà đối với các bị cáo này mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe tội phạm nguy hiểm này; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay…

Mức án mà HĐXX tuyên đối với các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan tù chung thân (Viện kiểm sát đề nghị 18-19 năm tù); bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 16 năm tù (Viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù), về tội “Nhận hối lộ” là chính xác, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Điều 50 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về Căn cứ quyết định hình phạt:

1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về Giới hạn của việc xét xử:

1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Đinh Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Vụ "chuyến bay giải cứu": Căn cứ pháp lý Toà án quyết định hình phạt một số bị cáo cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát." tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin