Vụ án xảy ra tại BIDV: Cần bắt được con trai Trần Bắc Hà và chứng minh được nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD đầu tư trái phép

(Pháp lý) - Theo kết luận điều tra, Trần Duy Tùng(SN 1985) Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn An Phú (con trai cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà) bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, Kết luận điều tra còn cho biết, Tùng và đồng phạm còn có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc tội Rửa tiền.

Tuy nhiên theo quan điểm của LS. Đặng Văn Cường , để chứng minh có hay không hành vi rửa tiền thì trước tiên Cơ quan điều tra buộc phải chứng minh được nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD mà Tùng đầu tư trái phép sang Lào là do phạm tội mà có .

Có dấu hiệu tội vận chuyển tiền trái phép hoặc rửa tiền

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.

Theo kết luận điều tra, Trần Duy Tùng(SN 1985) Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn An Phú (con trai cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà) bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bị can Trần Duy Tùng - con trai cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, hiện đang bị truy nã.

Kết luận điều tra cũng cho biết, Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài , thành lập liên doanh là công ty SHH Viêng Chăn. Việc làm này để thực hiện góp vốn vào LaoVietBank, nhằm hợp thức hóa và che giấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Tùng, Vinh và Quang; đồng thời cũng là để hợp thức hóa số tiền 10,4 triệu USD mà Tùng và Vinh đầu tư trái phép sang Lào, nộp tiền gửi tiết kiệm tại LaoVietBank năm 2013, sau đó dùng để góp vốn vào ngân hàng này.

CQĐT khẳng định, hành vi của Tùng và đồng phạm có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc tội Rửa tiền.

Tuy nhiên, Tùng và Vinh hiện đã bỏ trốn, chưa thể ghi lời khai để làm rõ nguồn tiền 10,4 triệu USD này có phải do phạm tội mà có; và cũng chưa thể làm rõ cách thức mà Tùng và Vinh có 10,4 triệu USD trên tại Lào để gửi tiết kiệm năm 2013 như tài liệu điều tra thể hiện.

Vì vậy, chưa đủ căn cứ để xác định có hay không hành vi Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc hành vi Rửa tiền. Cơ quan điều tra, Bộ Công an tách hành vi này ra khỏi vụ án, khi nào bắt được Tùng và Vinh sẽ điều tra, xử lý sau.

Cần bắt được Trần Duy Tùng và phải chứng minh được nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD là do phạm tội mà có

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, về nguyên tắc là có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án, có căn cứ cho thấy người nào có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ khởi tố bị can. Sau khi khởi tố thì cơ quan điều tra, thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm. Nếu đủ căn cứ chứng minh một người đã phạm vào tội nào thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đó.

Trong vụ việc này, CQĐT khẳng định, hành vi của Tùng và đồng phạm có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc dấu hiệu tội Rửa tiền. Tuy nhiên, LS. Cường nêu quan điểm: Tùng và Vinh hiện đã bỏ trốn, chưa thể ghi lời khai để làm rõ nguồn tiền 10,4 triệu USD này có phải do phạm tội mà có; và cũng chưa thể làm rõ cách thức mà Tùng và Vinh có 10,4 triệu USD để gửi tiết kiệm năm 2013 như tài liệu điều tra thể hiện. Vì vậy, chưa đủ căn cứ để xác định có hay không hành vi Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền.

Vấn đề đặt ra là cần bắt được Tùng và Vinh hoặc phải thu thập được các chứng cứ tài liệu khác để làm rõ các hành vi của Tùng có đủ hay không căn cứ để xử lý về tội vận chuyển tiền qua biên giới cũng như tội rửa tiền.

Luật sư Cường phân tích thêm, theo quy định khoản 1 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2012 và Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;…

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Thứ nhất, theo quy định này thì tài sản ở đây được xác định là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Còn theo quy định tại Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 Bộ luật Hình sự về rửa tiền thì tài sản này phải thuộc trường hợp do phạm tội mà có, được xác định dựa trên một trong các căn cứ như quyết định, bản án của tòa án; Tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền tố tụng cung cấp như quyết định khởi tố vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng,…; Tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự… ).

Thông thường, đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phạm tội như tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, các tội phạm về ma túy, hay các tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu tài sản (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,…).

Thứ hai, hành vi rửa tiền phải thuộc một trong hành vi theo quy định pháp luật, bao gồm các hành vi che giấu nguồn gốc tài sản bằng giao dịch tài chính ngân hàng hoặc các giao dịch khác; sử dụng tài sản do phạm tội mà có vào các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; che giấu thông tin hoặc cản trở thông tin về hoạt động rửa tiền; hành vi giúp sức, trợ giúp cho cá nhân hợp thức hóa nguồn gốc tài sản; chiếm giữ tài sản do phạm tội mà có để hợp thức hóa nguồn gốc tài sản,… Trong đó, yếu tố bắt buộc đối với hành vi này là việc thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, tức là cá nhân, pháp nhân phạm tội biết rõ nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, có thể do mình phạm tội hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có (như được người phạm tội cho biết hoặc báo đài, phương tiện đại chúng thông tin) và thực hiện các hành vi nêu trên nhằm che giấu hoặc giúp sức việc che dấu để hơp thức hóa nguồn gốc tài sản.

Thực tiễn cho thấy việc chứng minh yếu tố lỗi của người phạm tội khi biết rõ số tiền đó do phạm tội mà có là sự khó khăn trong công tác điều tra. Bởi lẽ việc xác định ý chí chủ quan của người phạm tội là tương đối phức tạp, vì nguời thực hiện hành vi rửa tiền chỉ có thể nhận thức được tiền, tài sản bất hợp pháp hay tài sản bất minh mà thôi, chứ không thể nhận biết được đó là tài sản do phạm tội mà có hay không hoặc có nhiều trường hợp người phạm tội không thừa nhận yếu tố này.

Do đó, trong vụ án này, để chứng minh có hay không hành vi rửa tiền thì trước tiên Cơ quan điều tra buộc phải chứng minh được nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD là do phạm tội mà có thông qua hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh, công ty Bình Hà hoặc do hành vi phạm tội khác đã được cơ quan có thẩm quyền xác định. Đồng thời, cần xác định các bị can đã biết số tiền này do phạm tội mà có và đã có một trong các hành vi nhằm hợp thức hóa nguồn gốc số tiền theo quy định trên thì mới có đủ cơ sở để buộc tội.

Trong trường hợp nếu có đủ cơ sở chứng minh các bị can có hành vi rửa tiền theo quy định thì các bị can sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 324 Bộ luật hình sự. Ths.Luật sư Cường phân tích.

Có yếu tố nước ngoài, nhưng thẩm quyền vẫn thuộc các cơ quan tố tụng Việt Nam

Về vụ việc này có yếu tố nước ngoài (liên quan đến cả Việt Nam và nước bạn Lào) thì thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan quốc gia nào? Luật sư Cường cho biết, trong trường hợp có căn cứ cho rằng các bị can đã hợp thức hóa bằng hành vi đầu tư, góp vốn ra nước ngoài thì Cơ quan điều tra cần làm rõ các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra, vào Việt Nam thông qua dịch vụ thanh toán quốc tế của tổ chức tài chính tại Việt Nam.

Trong trường này mặc dù có yếu tố nước ngoài nhưng theo quy định tại Điều 6 Bộ luật hình sự thì công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này, do đó thẩm quyền trong trường hợp này vẫn thuộc cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam./.

Điều 324 Bộ luật hình sự qui định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Trong trường hợp tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ phải chịu mức phạt tù từ 10 -15 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin