Vốn Xã Hội, vũ khí diệt Covid và phát triển kinh tế thời giãn cách

22/08/2021 19:40

( Pháp lý) . “Diệt dịch như diệt giặc”, “5K của Bộ Y Tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” là những khẩu hiệu hữu hiệu hô hào cộng đồng xã hội chủ động phòng chống dịch và chung sống an toàn khi đại dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Vốn Xã Hội được tích lũy từ mối dây liên kết chặt chẽ của mọi thành viên trong gia đình (bonding), chia sẻ với gia đình bà con thân thuộc (bridging), và phát tán ý tưởng đạo đức giá trị đến mạng lưới cộng đồng (linking) theo thời gian.

Đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm huy động các nguồn lực để khống chế sự lây lan, từ những vốn kinh tế, vốn con người, vốn tài chính, vốn thể chế, được triển khai để ngăn chặn đại dịch với nhiều biện pháp khắc khe như phạt hành chính khi vi phạm giãn cách cũng như tiêm chủng một số người được chọn lọc với các loại vắc-xin khác nhau, nhưng nguồn lực Vốn Xã Hội lại không được tận dụng triệt để, mặc dầu đây là một nguồn lực có vai trò quan trọng phát triển nền kinh tế “Low Touch Economy”, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Khái niệm Vốn Xã Hội (social capital) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhất là trong lĩnh vực kinh tế xã hội, mặc dầu đã hiện hữu trong sinh hoạt hằng ngày đậm tính truyền thống và kế thừa của người Việt chúng ta với hơn 4.000 năm văn hiến.

Phần lớn các học giả cho rằng L.J. Hanifan (một quan sát viên quốc gia các trường học vùng nông thôn ở Tây Virginia – Mỹ) là người đầu tiên đưa ra khái niệm thuật ngữ này vào năm 1916 và từ những năm 1980 trở lại đây thuật ngữ này được các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội quan tâm nhiều hơn và trở nên phổ biến hơn.

Theo Hanifan: “Vốn xã hội là những giá trị vô hình được tích lũy trong đời sống hàng ngày của con người, như thiện chí, sự đoàn kết, sự đồng cảm, quan hệ xã hội giữa các cá nhân và cộng đồng tạo nên một chỉnh thể xã hội. Mỗi cá nhân sẽ trở nên lạc lõng nếu làm việc đơn độc. Nhưng nếu họ giao tiếp với những người xung quanh, những giá trị xã hội sẽ được tích lũy, nó sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân mỗi người cũng như cho xã hội và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của toàn cộng đồng”. (TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ITDR, 17/09/2020)

Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lịch sử lâu đời với truyền thống phát huy Vốn Xã Hội, điển hình là Hội nghị Diên Hồng năm 1284 tại kinh thành Thăng Long, khi thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương nên hòa hay đánh sau khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Sự thống nhất đoàn kết hình thành Vốn Xã Hội từ làng mạc đến mọi phố phường trong nước và đã đại thắng giặc ngoại xâm, minh chứng hùng hồn cho sự đoàn kết toàn dân xưa nay.

Vốn Xã Hội được tích lũy từ mối dây liên kết chặt chẽ của mọi thành viên trong gia đình (bonding), chia sẻ với gia đình bà con thân thuộc (bridging), và phát tán ý tưởng đạo đức giá trị đến mạng lưới cộng đồng (linking) theo thời gian.

Trong bối cảnh đại dịch Covid không ngừng biến thể và lây lan, nhiều biện pháp phòng chống được đề xuất và thông báo trên các kênh thông tin truyền thông, tuy nhiên sự tuyên truyền có tính cách răn đe, không phát huy được tinh thần tự giác từ sự liên kết các nguồn lực của Vốn Xã Hội để tác động tích cực trong việc phòng chống và cô lập nguồn bệnh.

Khi huy động nguồn Vốn Xã Hội vô hình dồi dào của cộng đồng, phát triển ý thức tự nguyện từ gia đình, “bonding – bridging – linking” đến cộng đồng qua các mạng xã hội, mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng vì lòng tin và sự tôn trọng. Với tập tục ông bà cha mẹ nghiêm khắc thương yêu, chia sẻ kinh nghiệm truyền thống từ lũy tre làng, con cháu trách nhiệm tuân theo và sẽ đóng góp cho xã hội minh bạch phòng chống tất cả các khó khăn có thể xảy đến.

Nền kinh tế thị trường đã tạo nên những khoảng cách, lá lành thì xum xuê hơn, sống biệt lập, một số người trở nên ích kỷ, cách xa cộng đồng, không quan tâm chia sẻ đến các tầng lớp lao động bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh hoặc kinh tế suy thoái, điển hình là tại các nước đông dân như Ấn Độ và các nước chậm phát triển.

Triển khai dân vận, nên tận dụng tuyên truyền triển khai phát huy Vốn Xã Hội, giải quyết “các bài toán tập thể”, lan tỏa thông tin với sự gắn kết chặt chẽ, từ các thành phần cốt lõi của các gia đình đến mọi thành viên của cộng đồng thông qua các kênh thông tin truyền thông và trên mạng xã hội, với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo tinh thần, tố giác các thông tin bịa đặt “fake news”, tự nguyện chia sẻ các giá trị đạo đức và giá trị truyền thống phong tục tập quán, từ đó các lợi ích nhóm sẽ phản tỉnh vì trách nhiệm gia đình và cộng đồng, một xã hội đoàn kết lành mạnh sẽ nhanh chóng hồi phục sau đại dịch và sẽ vượt qua mọi khó khăn.

Những thời gian giãn cách vừa qua là cơ hội để cũng cố xây dựng và phát huy Vốn Xã Hội từ nền tảng gia đình. Khi cha mẹ khuyên con cái ở nhà, con cái nghe lời và vui vẻ chia sẻ thông tin đến bạn bè, tương thân tương ái, thì đó là sự tự nguyện không bị ràng buộc. Ngoài ra, việc áp dụng thông tin đáng tin cậy từ Vốn Xã Hội, các hoạt động kinh tế quốc gia cũng sẽ được tiếp tục duy trì và phát triển một cách an toàn bền vững, qua sự chia sẻ bất vụ lợi và kinh nghiệm của các thành viên tích cực.

Nếu các tia UV-C có thể tiêu diệt được các vi khuẩn, thì sự tích lũy và ý thức triển khai Vốn Xã Hội từ cội rễ gia đình với các giá trị đạo đức truyền thống là vũ khí chống Covid và phát triển kinh tế thời giãn cách hiệu quả nhất!

Theo doanhtri.net

Nguồn bài viết: http://doanhtri.net/tin-von-xa-hoi--vu-khi-diet-covid-va-phat-trien-kinh-te-thoi-gian-cach-d69463.html

Bạn đang đọc bài viết "Vốn Xã Hội, vũ khí diệt Covid và phát triển kinh tế thời giãn cách" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin