Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, đã nói như vậy tại buổi tọa đàm "Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta", do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 14-6 tại Hà Nội.
Theo ông Lập, tòa án ma túy là nơi xây dựng quy định về miễn, tạm hoãn việc chấp hành quyết định của TAND đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và bổ sung các quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính; tạm thời đưa người đang chấp hành biện pháp vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, ra khỏi nơi chấp hành biện pháp xử lý hành chính theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng…
“Hiện có một số nước trên thế giới đã có tòa án ma túy. Việt Nam đang đánh giá, nghiên cứu xem khi triển khai tòa án ma túy sẽ được gì, có phù hợp với chúng ta không? Mô hình này sẽ có ưu điểm, hạn chế gì để từng bước xây dựng. Tuy nhiên, tòa án ma túy tại Việt Nam mới chỉ đang nghiên cứu chứ chưa áp dụng ngay. Nếu đi vào hoạt động, tòa án ma túy sẽ ở thì tương lai xa” - ông Lập cho biết.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hiện cả nước có hơn 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. “Phần đếm được chỉ là phần băng nổi, phần băng chìm là câu hỏi mà chúng ta cần tiếp tục đặt ra. Làm thế nào để quản lý và hỗ trợ người nghiện có hiệu quả. Đến nay đã có nghị định về cai nghiện tự nguyện và trình Bộ Tư pháp thẩm định. Trong nghị định này, chúng tôi ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện và thực hiện quyền công dân; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới. Theo đó, người đi cai nghiện có thể đi dễ dàng hơn, có chế độ hỗ trợ cho người đi cai nghiện tự nguyện (khoảng 70% so với những người phải đi bắt buộc)" - Thứ trưởng Đàm chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Đàm: “Nghiện ma túy được các chuyên gia cho rằng đó là bệnh mạn tính của não bộ. Nếu chúng ta kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh người nghiện thì việc cai nghiện sẽ thất bại. Chúng ta phải đùm bọc, chia sẻ, hỗ trợ họ, đó sẽ là giải pháp thúc đẩy quyết tâm, nghị lực để người nghiện cai nghiện thành công...”.
Theo PLO