Thực tế cho thấy, các cơ quan tư pháp có một vai trò rất quan trọng trong đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn. Vậy thực tế đã được như mong muốn ? Sau đây là trao đổi của Phóng viên Tạp chí Pháp lý điện tử với 2 Luật sư ( LS. Nguyễn Thanh Hà và LS. Lê Cao), những luật sư có nhiều trải nghiệm tham gia bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong các vụ án kinh tế - thương mại.
Vai trò và ảnh hưởng lớn, nhưng còn hạn chế bất cập
Phóng viên: Nhiều ý kiến chuyên gia đã nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan Tư pháp (Cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát; Toà án) là rất lớn, có ảnh hưởng và tá động đến môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn”. Quan điểm của các Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hoạt động tư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, đảm bảo môi trường kinh doanh “an toàn”, góp phần phát triển các mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, trong hoạt động tư pháp vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục .
Luật sư Lê Cao: Chúng ta biết rằng nếu hệ thống các cơ quan tham gia quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp kinh doanh – thương mại, dân sự hay giải quyết các vụ án hình sự mà không công minh, thiếu công bằng thì không những gây hậu họa rất lớn. Riêng với môi trường đầu tư kinh doanh, nếu thiếu sự công bằng trong giải quyết các vụ việc phát sinh, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn.
Nếu phán quyết của các cơ quan tư pháp thiên vị thì dẫn đến việc khi muốn “đánh” một đối thủ kinh doanh nào trên thương trường, người ta có thể mượn tay hoạt động tố tụng để biến quan hệ dân sự thành hình sự, biến đúng thành sai hoặc kéo dài vụ tranh chấp từ năm này sang năm khác…
Quyền lực của hệ thống cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án rất lớn trong việc áp dụng pháp luật và có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường pháp lý đầu tư kinh doanh. Nếu các quyền lực đó bị thao túng, bị mua chuộc thì chỉ cần một quyết định, bản án có thể bóp chẹt doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sợ hãi khi phải dính đến các vấn đề pháp lý đôi khi không phải chuyện đúng sai, mà họ sợ mình bị đặt vào một cuộc chiến pháp lý với các thế lực ngầm, những hoạt động sân sau, những mục đích của phe phái.
Do vậy, vai trò của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án ở nước ta là vô cùng quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh đầu tư vừa an toàn, vừa công bằng, minh bạch. Nếu các hoạt động tư pháp bị dẫn dắt và bị thao túng bất minh, sẽ không bao giờ có một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và an toàn.
Phóng viên TCPL: Các Luật sự có thể chỉ ra một số những bất cập hạn chế của các cơ quan cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát; Toà án trong việc đảm đảm bảo môi trường kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam trong thời gian qua?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, tiến độ giải quyết các vụ việc tại các cơ quan tư pháp thường bị kéo dài, chia tách thành nhiều giai đoạn, đơn cử như một số vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại kéo dài tới hàng chục năm, làm phát sinh chi phí tố tụng rất lớn, ảnh hưởng nguồn lực của doanh nghiệp, người dân.
Thứ hai, trong hoạt động giám định tư pháp còn nhiều bất cập, cụ thể về cơ chế, tổ chức, thẩm quyền, chức năng và phương pháp, căn cứ xác định thiệt hại. Hiện vẫn còn tình trạng không thống nhất về thời điểm xác định thiệt hại như thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử, …
Những hạn chế, vi phạm trong hoạt động tư pháp không những khiến cho lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp bị lung lay mà còn ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đây là yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn kinh tế - xã hội.
Luật sư Lê Cao: Nếu muốn chỉ ra một vài bất cập trong hoạt động của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thực sự không quá khó. Ví như việc đơn giản đầu tiên là thời hạn giải quyết các vụ án. Nếu là vụ án liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi nhận thấy các vụ án thường không bao giờ được giải quyết đúng thời hạn, hoặc ngay cả hiệu quả xử lý thường thấp. Hay chúng ta thấy, có vài tranh chấp bình thường công nợ của các doanh nghiệp, nhưng giải quyết kéo dài năm này qua năm khác.
Biểu hiện đó cho thấy sự bất công bằng với các doanh nghiệp, người dân. Hệ luỵ là thời hạn giải quyết các vụ án bị kéo dài lê thê, các doanh nghiệp vướng vào tranh chấp, nếu chờ đến khi có bản án và được thi hành án thì tài sản bị thiệt hại lớn, nhiều khi bể nợ, phá sản vì phải chờ đợi quá trình giải quyết lê thê như vậy.
Phóng viên: Từ lâu, Chính phủ đã đề ra chủ trương yêu cầu các cơ quan Tư pháp không hình sự hoá quan hệ kinh tế. Bên cạnh việc không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp còn mong muốn các cơ quan Tư pháp phải bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư (trong đó đặc biệt là quyền tài sản) khi có những tranh chấp, kiện tụng xảy ra. Rõ ràng, các cơ quan tư pháp có một vai trò rất quan trọng trong đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn. Vậy thực tế đã được như mong muốn ?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Có thể hiểu khái niệm "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đơn giản là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự theo đó người có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản xác lập từ giao dịch dân sự hoặc kinh tế tuy không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy, đây trước hết được cho là sự sai lầm trong áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan tư pháp. Sự sai lầm dù cố ý hay vô ý này có thể gây oan sai cho người vô tội và các nhà đầu tư có thể hiểu lầm, cho rằng các cơ quan tư pháp đang can thiệp trái pháp luật vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế.
Do đó, nếu tình trạng này diễn ra nhiều, phổ biến sẽ không thể khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư có hiệu quả được do e ngại về môi trường đầu tư thiếu minh bạch và “không an toàn”.
Tương tự, đối với việc được bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp có thể được bảo vệ một cách chắc chắn về tài sản sẽ có thêm động lực gia tăng lượng của cải, làm giàu cho bản thân doanh nghiệp, cho xã hội. Còn trong trường hợp quyền tài sản của họ không được bảo vệ và dễ bị xâm hại thì các doanh nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý dè chừng, chỉ lo “giữ của” mà không hăng hái tham gia vào phát triển kinh tế- xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp không thể phát triển lớn mạnh như kỳ vọng mặc dù Chính phủ rất quan tâm đưa ra nhiều chính sánh, giải pháp để cải cách môi trường kinh doanh, một phần là do sự hạn chế của các cơ quan tư pháp.
Thực tế thì doanh nghiệp chỉ nhìn nhận vai trò của các cơ quan tư pháp khi có tranh chấp xảy ra và họ mới phát sinh nhu cầu về một thể chế tư pháp có hiệu lực, có năng lực, công bằng và nhanh chóng để bảo vệ tài sản cho họ. Tuy nhiên, nhiều vụ kiện còn rất mất thời gian, kéo dài, hiệu quả xử lý không cao gây lãng phí tài chính cho doanh nghiệp. Nếu nhìn từ góc độ này, nền tư pháp sẽ kìm hãm và cản trở nền kinh tế.
Để có thể thực sự tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam, đòi hỏi không chỉ ở môi trường chính sách pháp luật rõ ràng minh bạch, mà còn từ khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật của mỗi cá nhân hoạt động trong ngành tư pháp. Chỉ khi ngành tư pháp hoạt động hiệu quả, các nhà đầu tư tin tưởng, thì kinh tế mới có thể phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Luật sư Lê Cao: Như chúng tôi có đề cập ở trên, trong cuộc chiến thương trường, có các đối thủ khác nhau, không loại trừ cá biệt có những trường hợp mượn tay cơ quan tư pháp để xử lý vấn đề theo hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, đây chính là mối lo sợ rất lớn của các doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp họ bỏ vốn đầu tư kinh doanh, làm ăn tích cóp cả đời, nhưng nếu rơi vào một vụ án hình sự họ có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản, doanh nghiệp bị phá sản. Nếu một quốc gia mà các doanh nhân sợ hãi không dám đầu tư kinh doanh thì kinh tế sẽ không phát triển được, tài sản của cải bị chôn vùi mà không đưa vào lưu thông phát triển thì quốc gia cũng khó phát triển. Do đó, không riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng có các quan điểm đặc biệt quan tâm đến sự sống còn của doanh nghiệp và bảo vệ doanh nghiệp chân chính.
Hoạt động của các cơ quan tư pháp phải được đổi mới, cải cách mạnh mẽ.
Phóng viên: Để có được một môi trường kinh doanh thực sự “an toàn” tại Việt Nam, cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát; Toà án trong thời gian tới cần có những giải pháp gì?
Luật sư Lê Cao: Để có một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, minh bạch thì các hoạt động của các cơ quan tư pháp phải được đổi mới, cải cách mạnh mẽ.
Nếu thời hạn giải quyết các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại ở tòa án không được cải tiến, không làm nhanh hơn, thì hiện nay cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã có, không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn giải quyết bằng trọng tài, mà trong tương lai ngắn, nếu sự chậm trễ, sức ì trong việc giải quyết án kinh tế vẫn tiếp tục sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ lựa chọn các phương thức giải quyết nhanh gọn hơn, đỡ tốn kém hơn.
Chúng tôi cũng hy vọng, một khi các doanh nghiệp nhận thức được việc lựa chọn các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy trình nhanh gọn hơn, sẽ tạo ra sự cạnh tranh để hoạt động tố tụng có những chuyển biến. Nhưng đó là chỉ trong lĩnh vực kinh doanh thương mại đơn thuần, còn lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính thì các vụ án vẫn rất cần hệ thống tư pháp xử lý giải quyết với tinh thần đúng luật, công bằng mới đảm bảo cho các doanh nghiệp có niềm tin khi đầu tư kinh doanh.
Những năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh, các vụ đại án lớn được phá cũng là những tín hiệu vui để chúng ta tin tưởng các thế lực ngầm trong kinh doanh, các phe nhóm bị triệt phá để mở đường cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính có đất làm ăn. Thế nhưng, không loại trừ khả năng, bóng ma phe nhóm lợi ích có thể vẫn vươn vòi ở khắp nơi. Vì thế rất cần có một nền tư pháp chí công vô tư phục vụ nhân dân, tuân thủ hiến pháp, pháp luật để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Giải pháp thiết thực đặt ra là làm sao để các cơ quan tư pháp độc lập, chí công vô tư, đủ sức mạnh, đủ quyền hạn đưa ra những quyết định độc lập, không bị chi phối phụ thuộc.
Một nền tư pháp độc lập không chỉ trông cậy ở sự liêm chính của các nhân sự thực thi hoạt động tư pháp, họ đang nhận hưởng mức lương không cao, sức ép từ các quan hệ xã hội lại đè nặng, công việc thì nhiều và ngày càng phức tạp, quyền hạn thì bị ràng buộc hạn chế … Khi nói đến điều này, quay trở lại để thấy, gốc rễ của vấn đề cải cách hay đổi mới hoạt động tư pháp thì không chỉ là các quy định mang tính tổng thể, mà còn sự thực thi trên thực tế.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, trước mắt nếu làm được đúng các quy định của pháp luật thì quá tốt, hiện các quy định pháp luật tố tụng đã đủ, những năm qua các quy định về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, luật tổ chức tòa án, viện kiểm sát và các quy định về hoạt động điều tra đã có các quy định tiến bộ rồi, chỉ là chúng ta cần phải vận hành cơ chế minh bạch để thực thi các quy định đó. Muốn làm được như vậy, cần phải trọn vẹn đảm bảo các cơ quan hoạt động tư pháp được độc lập thực thi công việc của mình trên thực tế …
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi thì phải đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng. Trước tiên các cơ quan tư pháp phải củng cố chuyên môn để làm việc chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt phải liêm chính, bình đẳng, công minh, thượng tôn pháp luật.
Hiện nay, hệ thống pháp luật thực định do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành vẫn thiếu cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng trong những tình huống nhất định và tiềm ẩn những khả năng phải điều chỉnh. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, phán quyết của Tòa án. Từ đó mới có thể tạo niềm tin cho doanh nghiệp về hệ thống tư pháp, để doanh nghiệp không còn e ngại khi có rủi ro xảy ra không giải quyết được mà dè chừng khi tham gia môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam./.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương “Ở Việt Nam, có thực tế luật một đằng, thực thi một nẻo. Hệ thống pháp luật của ta, từ Luật xuống Nghị định, xuống Thông tư, trong đó có tình trạng một Luật thì có đến chục Thông tư, nhưng khi áp dụng thì lại áp dụng Thông tư chứ không áp dụng Luật. Thông tư áp dụng lại có nhiều Thông tư quy định khác nhau. Đây là một thực tế rất rủi ro và phiền hà cho doanh nghiệp…
…Khi có tranh chấp xảy ra trong kinh doanh, người ta không tìm kiếm được cơ chế để bảo vệ tài sản hiệu quả. Thông thường khi có tranh chấp, người ta tìm con đường quen biết để tìm kiếm sự “bảo trợ” chứ không đủ tin tưởng để tìm đến Tòa án…
Để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, Tòa án phải cải cách để chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt phải liêm chính, chí công vô tư, thượng tôn pháp luật…”
Văn Chiến (thực hiện)