Ngày 7-9, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Tư pháp cho ý kiến vào Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì Phiên họp.
Theo Báo cáo về công tác của các tòa án năm 2017, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục có nhiều chuyển biến, tiến bộ như: Việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, các vụ án về kinh tế, tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ. Việc tranh tụng tại phiên tòa được các Tòa án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng nâng cao chất lượng và thực chất. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ; tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm hơn cùng kỳ năm trước 0,03%, thấp hơn 0,21% so với chỉ tiêu mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội đề ra; tỷ lệ trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung được chấp nhận cao (93%). Mặc dù số lượng án tăng 28.993 vụ so với cùng kỳ năm trước nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (54%). Việc khắc phục tình trạng án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự tiếp tục được thực hiện có hiệu quả... Về cơ bản, các Tòa án đã thực hiện tốt công tác tổ chức - cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý cán bộ công chức có hành vi vi phạm được thực hiện kịp thời và nghiêm khắc. Công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu; việc hướng dẫn đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật có sự chuyển biến rõ nét; công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp tục được đổi mới và tập trung triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới, các chuyên đề và các vướng mắc trong thực tiễn xét xử.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Tòa án cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cụ thể là: Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; vẫn còn các vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa án; chưa khắc phục triệt để việc tuyên án không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Công tác hoàn thiện thể chế, tổng kết kinh nghiệm xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực cụ thể còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đề ra. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ ở một số Tòa án còn chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật... Các hạn chế, thiếu sót nêu trên ngoài các nguyên nhân khách quan còn do một số nguyên nhân chủ quan như: Lãnh đạo một số Tòa án chưa phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong triển khai các nhiệm vụ; năng lực quản lý và điều hành còn hạn chế; vẫn còn một số Thẩm phán, công chức Tòa án hạn chế về năng lực, trình độ; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm, thiếu tinh thần trách nhiệm...
Tại Phiên họp, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành tòa án trong năm qua. Nhìn chung, các số liệu, đánh giá trong Báo cáo được nêu khá cụ thể, phản ánh những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và những mặt còn hạn chế. So với năm 2016, năm nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung làm tốt công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; thiết lập hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển án lệ; xây dựng trang tin trên Internet; đổi mới công tác đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn các Tòa án tổ chức nhiều "phiên tòa rút kinh nghiệm" nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện chủ trương công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân...
Góp ý vào Báo cáo, các ý kiến tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao báo cáo rõ hơn trong số 521 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định có bao nhiêu trường hợp thuộc các vụ án tham nhũng. Làm rõ lý do và giải pháp khắc phục hạn chế tồn tại từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để, như: Tòa án không áp dụng hoặc áp dụng không đúng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định của Tòa án; thành phần Hội đồng xét xử phiên tòa khác với thành phần trong quyết định đưa vụ án ra xét xử; vi phạm trong việc hoãn phiên tòa...
Hai là, trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, vẫn còn 4,8% (12.196 vụ) án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Số lượng vụ việc dân sự để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án tăng 109 vụ, chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội là "khắc phục triệt để tình trạng án quá hạn luật định". Số lượng các bản án tuyên không rõ, khó thi hành tuy giảm nhưng vẫn còn 311 trường hợp.
Ba là, mặc dù số lượng các vụ án hành chính phải giải quyết không nhiều so với các loại án khác (bằng 1,59% tổng số các loại án) nhưng tỷ lệ xét xử còn thấp. Có nơi tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán rất cao do chưa xem xét đầy đủ toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện, chưa xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính ban đầu hoặc xem xét, đánh giá chứng cứ không toàn diện.
Bốn là, công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân vẫn còn những hạn chế như: Mặc dù tỷ lệ, số lượng đơn đã giải quyết được nâng lên nhưng chưa cao, năm 2017 số đơn tồn còn rất lớn, tập trung chủ yếu ở các Tòa án nhân dân cấp cao; một số cán bộ thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Do vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tình trạng trên.
Năm là, đề nghị Tòa án nhân dân sớm hoàn thiện Đề án vị trí việc làm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và sớm triển khai thực hiện, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tốt hơn công tác điều động, luân chuyển, biệt phái công chức trong tổng số biên chế hiện nay; đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ Tòa án nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Theo Noichinh