Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

29/09/2023 11:17

Sáng 28/9, phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 26 cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, UBTVQH thống nhất thẩm quyền ban hành Nghị quyết; giao Chính phủ tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra; bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá quy trình triển khai theo trình tự thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.

1-1695879567.jpg

Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về hồ sơ dự thảo Nghị quyết; sự cần thiết ban hành; mục tiêu, quan điểm ban hành Nghị quyết; tên gọi Nghị quyết; quy định phạm vi đều chỉnh người nộp thuế; giải pháp thực hiện Nghị quyết; những nội dung cần được quy định chi tiết tại các điều khoản, điểm tại dự thảo Nghị quyết hoặc giao Chính phủ quy định...

Thảo luận nội dung này, các ý kiến đồng tình cao với Tờ tình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Đại biểu cũng thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, các ý kiến tại Phiên họp nhất trí cần ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật.

Có ý kiến đề nghị lưu ý việc ban hành Nghị quyết cần giữ ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam vì hiện các doanh nghiệp đang được hưởng chính sách thuế thấp hơn 15%. Vì vậy, cần có chính sách bù trừ vào khoản thuế này để không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư ở Việt Nam.

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu đề nghị bổ sung ý kiến đánh giá của Bộ Ngoại giao về sự tương thích của đề nghị xây dựng Nghị quyết, đặc biệt liên quan đến các hiệp định thương mại và Điều 20 của Luật Đầu tư.

2-1695879575.jpg

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Về tên gọi, Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD thực hiện rà soát. Có ý kiến cho rằng, nên giữ chữ “thí điểm”, với quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị bỏ chữ “thí điểm” để đảm bảo tính chắc chắn và phù hợp với quốc tế.

Đa số ý kiến tại Phiên họp cũng thống nhất với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp, bởi các nội dung dự thảo Nghị quyết tương đối rõ, bảo đảm các quy định cụ thể và chi tiết.

Tại Phiên họp, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, đề nghị nghiên cứu cụ thể hóa hơn các quy định nhằm dễ thực hiện; một số thuật ngữ dịch chưa được Việt hóa như: công ty mẹ tối cao, lợi nhuận vượt ngưỡng... Điều 4 quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và Điều 5 quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu là hai nội dung quan trọng, phức tạp; đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu công thức tính và phương pháp tính thuế cần đảm bảo rõ ràng, dễ dàng trong quá trình thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ quy định tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết, trong đó xác định rõ nội dung cần quy định trong Nghị quyết, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3-1695879575.jpg

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu

Phát biểu giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến phát biểu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD có chủ tương; nếu không đánh thuế với những đối tượng doanh nghiệp theo quy định của OECD sẽ làm mất quyền của mình, khi đó các doanh nghiệp sẽ nộp về công ty mẹ, nơi đặt trụ sở chính, như vậy vừa thất thu thuế, vừa làm mất dòng đầu tư vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị bỏ chữ “thí điểm” trong tên gọi để đảm bảo tính chắc chắn; khi sửa Luật Thu nhập doanh nghiệp sẽ đưa nội dung này vào luật. Hiện Bộ Tài chính đã thảo luận nhiều vòng và đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi Luật Thu nhập doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, khi xây dựng Tờ trình hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, công ty kiểm toán quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến của các bộ ngành. Bộ Tài chính cũng đã tiến hành rà soát các doanh nghiệp chịu thế toàn cầu của Việt Nam hiện nay, vì vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết, đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan liên quan, người dân, doanh nghiệp và sẽ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành (dự kiến tháng 12/2023).

4-1695879575.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Nghị quyết và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đây là nội dung mới, khó, mang tính chuyên sâu, tác động đến các nhà đầu tư lớn, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thẩm quyền ban hành, sự cần thiết, mục tiêu, tên gọi dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát đảm bảo các nội dung, giải thích từ ngữ, bám sát các quy định của văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đối với các khái niệm chưa được quy định cụ thể tại các đạo luật, cần cân nhắc, rà soát thận trọng, tuân thủ đúng các nguyên tắc do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế hướng dẫn và đảm bảo tính chính xác, cụ thể, dễ hiểu trong từng nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết; đồng thời, rà soát thể hiện đầy đủ các khái niệm có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tác động cũng như quy định rõ hơn về các giải pháp để đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị quyết, tránh phát sinh mâu thuẫn tranh chấp quốc tế, cũng như trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện... Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện; có sự phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân và các doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về Nghị quyết này. Xác định nội dung cần quy định chi tiết trong các điều khoản, điểm của dự thảo Nghị quyết, trách quy định chung chung. Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá kỹ quy trình triển khai, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo trình tự thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin