Tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TANDTC): Cần một quy trình mới để truy trách nhiệm pháp lý với cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật

(Pháp lý) - Trong trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Trung tướng Trần Văn Độ đề xuất về một quy trình xử lý cán bộ là đảng viên khi có vi phạm có dấu hiệu của tội phạm. Theo Tướng Độ, khi thấy đảng viên có dấu hiệu vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì cần tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ các chức vụ thuộc chính quyền và chuyển cơ quan điều tra ngay.

Trung tướng Trần Văn Độ
Trung tướng Trần Văn Độ)

Phóng viên: Thời gian gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra Quyết định kỉ luật nhiều cán bộ. Gần đây nhất, có 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 7 Thứ trưởng và nguyên Thứ trưởng. Ông có nhận định, đánh giá gì từ những quyết tâm xử lý cán bộ sai phạm của Đảng ta?

Trung trướng Trần Văn Độ: Điều đó đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xử lý cán bộ vi phạm kỉ luật và pháp luật. Việc xử lý nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Quyết tâm xử lý cán bộ của Đảng tạo ra sự răn đe cần thiết đối với những người, những nơi có thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực, xem thường quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc xử lý cán bộ của Đảng còn củng cố lòng tin của nhân dân trong công cuộc chống tham nhũng. Có được lòng tin của người dân là rất quan trọng.

Theo ông, xử lý cán bộ vi phạm pháp luật thời gian qua theo trách nhiệm kỉ luật đã nghiêm chưa, triệt để chưa?

Trong khoa học pháp lý, hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức gồm 5 loại trách nhiệm là trách nhiệm kỉ luật, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm vật chất, trách nhiệm dân sự… Nếu cán bộ sai phạm nhất là sai phạm liên quan đến đất đai, công sản mà chỉ bị truy trách nhiệm kỉ luật là chưa triệt để, chưa nghiêm, chưa đủ răn đe đối với cán bộ vi phạm sau này.

Tuy nhiên trong quy trình xử lý vi phạm của cán bộ của Đảng thì việc xử lý kỉ luật Đảng chỉ là bước đầu tiên của khâu xử lý trách nhiệm pháp lý của cán bộ vi phạm. Quy trình hiện nay của ta sau khi xử lý trách nhiệm kỉ luật nếu thấy vi phạm có mức độ tội phạm thì sẽ chuyển sang các cơ quan điều tra để điều tra theo các quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số cán bộ, đảng viên gần đây bị kết luận sai phạm, đều là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Đối với những sai phạm như vậy phải bị truy trách nhiệm hình sự mới tương xứng với hành vi, mức độ sai phạm xảy ra và mới có thể thu hồi được tài sản về cho Nhà nước. Ông có đồng quan điểm? Theo ông hiện nay, quy trình xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm có hạn chế nào khiến việc truy trách nhiệm pháp lý chưa triệt để hoặc chậm?

Tôi cũng đồng tình với ý kiến đó. Tuy nhiên hiện nay, tôi nhận thấy quy trình xử lý cán bộ sai phạm còn nặng tính hành chính. Cụ thể, khi có dấu hiệu vi phạm (đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) thì Ủy ban Kiểm tra tiến hành kiểm tra. Hoạt động kiểm tra gồm việc triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra, thống nhất lịch làm việc với đối tượng kiểm tra; yêu cầu đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo giải trình, cung cấp tài liệu cho đoàn kiểm tra... Thu thập và nghiên cứu các văn bản, tài liệu, chứng cứ; xem xét báo cáo giải trình của đảng viên được kiểm tra; làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu cần giám định kỹ thuật, chuyên môn thì trưởng đoàn kiểm tra xem xét, quyết định. Đối tượng kiểm tra giải trình bổ sung, làm rõ sau đó kết luận kiểm tra… Vì nặng tính hành chính nên quy trình đó có hạn chế là chưa xác định được những vi phạm cụ thể mà chỉ kết luận vi phạm nghiêm trọng, vi phạm rất nghiêm trọng.

Về quy trình, đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan Nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Khi các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức Đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng. Tức là cán bộ đảng viên bị xử lý kỉ luật về Đảng xong mới chuyển sang xử lý hình sự (nếu có).

Theo tôi, đó là những hạn chế, chậm trễ trong quy trình kỉ luật, dẫn đến việc truy trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ vi phạm chưa triệt để.

Đặc biệt, theo cá nhân tôi thì quy trình xử lý cán bộ sai phạm như vậy chưa thật hiệu quả. Rõ nhất là thời gian gần đây, khi xử lý tội phạm tham nhũng, chúng ta gặp phải nhiều vấn đề như hạn chế trong việc thu hồi tài sản, tài sản của Nhà nước bị tẩu tán, tội phạm bỏ trốn…

Cá nhân ông có hiến kế gì để khắc phục hạn chế, bất cập của quy trình trên?

Theo tôi, khi thấy dấu hiệu vi phạm của Cán bộ, công chức cần áp dụng luôn việc chuyển cơ quan điều tra để điều tra về dấu hiệu vi phạm. Bằng hoạt động điều tra, sẽ xác định luôn được những vi phạm cụ thể, thiệt hại cho nhà nước đến đâu. Cũng chỉ trong quá trình điều tra mới áp dụng được các biện pháp ngăn chặn như kê biên tài sản để tránh việc tẩu tán tài sản, tạm giam để tránh việc bỏ trốn. Cũng chỉ trong quá trình điều tra mới chứng minh được rõ sai phạm đến mức độ nào, tránh sau một quá trình dài, sai phạm bị bóp méo, giảm bớt…

Nghĩa là theo ông, sau khi có kết luận điều tra thì mới xử lý cán bộ sai phạm về mặt Đảng và mặt chính quyền sau?

Đúng vậy!

Ưu việt của quy trình mới mà ông đề xuất trong xử lý cán bộ có sai phạm là gì?

Về mặt bảo vệ lợi ích Nhà nước, rõ ràng việc đó sẽ có ý nghĩa trong việc xử lý tội phạm, xử lý hành vi vi phạm. Nó xác định được rõ ràng vi phạm đến mức độ nào.

Về mặt quyền con người, quyền công dân, quy trình như vậy, sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền của công dân (trong quá trình điều tra, truy tố người bị điều tra, bị can có quyền mời Luật sư).

Trong thực tế thì trước đây khi công tác tại Tòa án quân sự Trung ương, chúng tôi đã áp dụng quy trình này trong việc xử lý vụ án liên quan đến Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân- Chỉ huy trưởng cùng nhiều bị cáo cũng là cán bộ chỉ huy các cấp thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng lợi dụng chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã phạm tội đầu cơ, buôn lậu, tham ô, cố ý làm trái… Ông Nguyễn Trường Xuân sau đó bị Toà án quân sự cấp cao xét xử ngày 7/9/1987 và xử phạt nghiêm minh. Khi Nguyễn Trường Xuân vi phạm, chúng tôi tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, tạm đình chỉ các chức vụ, sau khi có bản án có hiệu lực, chúng tôi mới xử lý về mặt Đảng.

Bởi vậy cá nhân tôi cho rằng, khi có dấu hiệu tội phạm cần chuyển cơ quan điều tra ngay. Trên cơ sở quyết định bản án của Tòa án thì xử lý về mặt Đảng và chính quyền sau.

Phan Tĩnh (ghi)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin