Từ những “điểm nóng” kinh doanh 2020, kiến nghị “bịt” các lỗ hổng chính sách pháp luật

05/01/2021 12:30

(Pháp lý) – Thất thu thuế thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái, biến tướng của lừa đảo bất động sản, đa cấp, hay tình trạng rủi ro trái phiếu doanh nghiệp… là những "điểm nóng" kinh doanh tại Việt Nam năm 2020. Từ những sự vụ này có thể thấy còn rất nhiều khoảng trống chính sách pháp luật cần được bổ sung, sửa đổi để môi trường kinh doanh được an toàn.

Thuế thương mại điện tử: Giải pháp nào để chống thất thu thuế ?

Thương mại điện tử vẫn đang là kênh kinh doanh vô cùng hiệu quả, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp. Song đằng sau những thành công đã lộ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập của loại hình này liên quan đến các chính sách về thuế thương mại điện tử, thuế thương mại điện tử xuyên biên giới. Đơn cử như vụ Netflix "chây ì" không chịu đóng thuế.

Chính sách về Thuế thương mại điện tử hiện còn rất nhiều hạn chế, bất cập

Ba năm hoạt động tại Việt Nam mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng, song đến nay Netflix (hãng cung cấp phim trực tuyến) vẫn chưa đóng một đồng thuế nào. Không chỉ có Netflix mà trên thực tế, cơ quan thuế hiện đang khá khó khăn trong việc buộc các công ty nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như facebook, Amazon… thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Việc Netflix dễ dàng "trốn thuế" xuất phát từ việc đơn vị này không hề đặt chi nhánh, văn phòng đại diện hay dữ liệu máy chủ ở Việt Nam. Vì không có những cơ sở này nên cơ quan thuế bị lúng túng trong việc truy xét thuế hàng năm của Netflix. Ngay cả trong Điều 26 (Luật An ninh mạng) cũng quy định: Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Đối với doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Dù Luật đã có hiệu lực gần 2 năm nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này. Chính vì thế, cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc buộc các công ty công nghệ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn tới việc quản lý thuế đối với các công ty công nghệ nước ngoài.

Thêm nữa, chính sách quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đã có nhưng chưa có quy định cụ thể về chính sách và quản lý thuế đối với đối tượng đặc thù, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc xác định thuế suất, hình thức khai thuế và trách nhiệm của các công ty đối tác và nhà cung cấp trên nền tảng trực tuyến nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh phải sớm sửa đổi Nghị định số 06/2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét.

Chính vì vậy, kiến nghị cơ quan thuế cần có quy định hướng dẫn cụ thể để các công ty đối tác trong mọi trường hợp sẽ khấu trừ thuế trước khi trả cho chủ kênh. Tương tự, hiện có nhiều cá nhân sản xuất công cụ trực tuyến, ứng dụng số cung cấp trên kho ứng dụng của Apple store có phát sinh thu nhập do khách hàng truy cập và tải ứng dụng về sử dụng có thu phí hoặc miễn phí chỉ nhận tiền quảng cáo. Theo phản ánh, phía Apple có đề nghị cơ quan thuế ủy quyền khấu trừ nộp thuế cho cá nhân theo một tỷ lệ cố định.

Không chỉ có "vấn nạn" trốn thuế thương mại xuyên quốc gia, năm 2020, cơ quan thuế còn tiến hành thanh kiểm tra các lĩnh vực không chịu ảnh hưởng của Covid-19 và áp dụng các quy định về trần chi phí vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Song cũng từ đây phát hiện tình trạng chuyển giá trốn thuế, tập trung ở các tập đoàn đa quốc gia. Và nó đang có chiều hướng lan sang các doanh nghiệp trong nước.

Vào tháng 9/2020, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng. Trong đó, có 177 doanh nghiệp FDI, số thuế truy thu các doanh nghiệp này khoảng 442 tỷ đồng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, tình trạng chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng gia tăng. Hiện, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực, trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong nước đang hoạt động đa nghề, đa lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ. Chưa kể nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro. Trước tình trạng này, Tổng cục Thuế cho rằng cần phải có sự điều chỉnh đối với các đối tượng doanh nghiệp này.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái – tăng mức phạt thôi là chưa đủ!

Sự thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý trong nhiều khâu như thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp, chất lượng hàng hóa… đã tạo ra lỗ hổng để hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng có cơ hội tự tung tự tác tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp khả thi, rốt ráo để kiểm tra, xử phạt.

Theo thống kê của Tổng Cục Quản lý thị trường, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt 16.382.372.000 đồng, trị giá hàng vi phạm 40.625.465.000 đồng; bao gồm những hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Theo cơ quan Hải quan, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc ẩn chứa nguy cơ thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng

Điển hình, ngày 7/7/2020, sau 6 tháng theo dõi, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng Tổng Cục Quản lý thị trường ập vào kho hàng rộng 10.000 m2 có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai phát hiện, kho hàng này đang livestream bán các sản phẩm kính mắt giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm… nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Chanel, LV, Adidas… Tổng số sản phẩm thu giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa. Cơ quan chức năng từng nhận định, đây là vụ kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay.

Theo cơ quan Hải quan, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc ẩn chứa nguy cơ thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi đó, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và chất lượng hàng nội địa còn hạn chế đã làm cho thị trường hàng xách tay vẫn có đất sống, thậm chí "sống khỏe". Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra mà còn cần siết chặt quản lý về pháp luật bằng cách siết chặt chế tài xử phạt.

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), từ ngày 15/10, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng. Mức phạt này có thể tăng lên gấp đôi tuỳ theo trường hợp cụ thể… Song thực tế, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường, trên sàn thương mại điện tử vẫn tràn lan.

Luật sư Phan Thị Việt Thu cho rằng, Nghị định mới tăng mức phạt để răn đe nhưng đó không phải là mấu chốt giải quyết tận gốc. Quan trọng hơn là biện pháp kiểm soát hàng lậu, hàng xách tay như thế nào để phát hiện, xác định được hành vi vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay, từ đó mới có cơ sở để áp dụng mức xử phạt.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị, để kiểm soát, ngăn chăn hiệu quả hành vi kinh doanh hàng lậu, cơ quan hữu trách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, phát hiện hàng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính…, nhất là vai trò của chính quyền địa phương, của mỗi người dân chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam rồi, trưng bày lên kệ bán thì cơ quan chức năng mới kiểm tra, xử phạt. Tăng mức xử phạt chỉ là một trong những giải pháp, quan trọng phải quản từ gốc.

Tạo khung pháp lý đồng bộ để ngăn chặn rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam tăng trưởng nhanh, hiện đứng thứ 4 ASEAN nếu xét về quy mô trên tổng GDP khi đạt 13%. Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 11/2020, tổng giá trị đăng kí phát hành là 17.978 tỉ đồng, trong đó giá trị đã phát hành trong tháng là 10.625 tỉ đồng từ 16 doanh nghiệp. Kì hạn phát hành bình quân là 4,74 năm và có tới hơn 4.399 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành có kì hạn 3 năm. Thị trường TPDN phát triển nhanh tạo ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh song cũng phát sinh ra nhiều vấn đề gây rủi ro cho thị trường.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn tín dụng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thúc đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tính đến hết tháng 10/2020, theo báo cáo của VNDirect, tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 350.883 tỷ đồng, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 326.024 tỷ đồng.

VNDirect cho rằng, sau giai đoạn bùng nổ trong 8 tháng đầu năm, thị trường TPDN đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2020 đã thắt chặt các điều kiện phát hành. VNDirect cho rằng, TPDN sẽ tiếp tục trầm lắng trong những tháng cuối năm và có dấu hiệu phục hồi rõ nét trong năm 2021 do các doanh nghiệp cần có thời gian để làm quen và chuẩn bị đáp ứng được các điều kiện mới về phát hành TPDN.

Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều doanh nghiệp đã huy động TPDN với lãi suất cao, thậm chí lên đến 20%/năm, mà không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc trả lãi, đặc biệt là trả nợ gốc cho trái chủ khi trái phiếu đáo hạn cũng là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.

Để hạn chế các rủi ro khi TPDN được phát hành ồ ạt, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tai chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang tập trung khuyến nghị với 3 nhóm đối tượng: Một là nhóm các doanh nghiệp phát hành; khi phát hành doanh nghiệp cần làm sao tính toán dự án, dòng tiền để cho phù hợp kế hoạch trả nợ gốc và lãi của trái phiếu, giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đối tượng thứ 2 là các tổ chức tư vấn, phân phối, phát hành trái phiếu, chủ yếu là công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại với yêu cầu họ phải cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư để nhà đầu tư có căn cứ ra quyết định đầu tư. Đối tượng thứ 3 là các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư riêng lẻ.

Bộ Tài chính khuyến nghị khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trái phiếu trước khi có quyết định đầu tư không phải chỉ nhìn vào mức lãi suất cao hay thấp. Việc chỉ quan tâm tới lãi suất cao dẫn tới có thể sẽ bị mất khoản đầu tư khi doanh nghiệp, dự án đó gặp khó khăn.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP với những quy định bổ sung điều kiện, theo hướng chặt chẽ, thận trọng để đảm bảo doanh nghiệp phát hành không chia nhỏ lô phát hành để bán cho nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giới hạn khối lượng, khoảng cách giữa các đợt phát hành trái phiếu.

Thêm nữa, Luật Chứng khoán sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ của các loại hình DN, phân biệt giữa kênh phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Theo đó, TPDN riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn quy định về phát hành TPDN ra công chúng và phát hành riêng lẻ để thực hiện từ ngày 1/1/2021.

Trong quá trình xây dựng các nghị định này, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến thành viên thị trường, các doanh nghiệp phát hành, các định chế trung gian cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán, và lấy ý kiến rộng rãi công chúng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin của Bộ Tài chính để tổng hợp hoàn thiện dự thảo nghị định.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tình trạng vợ nợ trái phiếu ở Trung Quốc là bài học đắt giá mà Việt Nam cần lưu ý. Tình trạng vỡ nợ TPDN ở Việt Nam cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khi mà các nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, không có dòng tiền vào để có thể trả nợ.

Để phòng ngừa rủi ro vỡ nợ trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị các cơ quan chức năng nên vào cuộc tức thì, như Bộ Tài chính nên thanh tra tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nếu thấy doanh nghiệp nào đang đứng trên bờ vực phá sản, thì cần có biện pháp phản ứng kịp thời.

"Trách nhiệm trả nợ là của các doanh nghiệp phát hành, Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ thay, nhưng cũng có thể có những biện pháp ngăn ngừa việc vỡ nợ trái phiếu hàng loạt, gây tác động dây chuyền đến các ngân hàng và các trái chủ", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Sửa Luật để chặn lừa đảo trong kinh doanh bất động sản, đa cấp

Tưởng như tình trạng lừa đảo bất động sản sẽ "tắt" sau khi hàng loạt chủ các công ty lừa đảo bị bắt vào năm 2019. Song đến năm 2020, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn. Điển hình là vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Phát An Gia (Công ty Phát An Gia) mà Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM mới ra quyết định khởi tố. Theo đó 80 cá nhân đã tố ông Hoàng Mạnh Cường - Tổng Giám đốc công ty có hành vi lừa đảo chiếm đoạt khoảng 100 tỷ đồng theo hình thức lập dự án "ma", ký hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng, hứa chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi thu tiền và chiếm đoạt của khách hàng hơn 79 tỷ đồng.

Từ vụ việc trên cho thấy, các dự án (DA) "ma" nhưng vẫn được bán rầm rộ trên thị trường, chứng tỏ một phần quản lý của cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo nên đến khi các vụ án bị khởi tố thì mới thấy có quá nhiều người bị lừa và hậu quả quá lớn.

Bà Lê Thị Bích Hằng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, Luật Nhà ở, Luật Đất đai quy định việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền; sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện. Tuy nhiên, các trường hợp mua bán trên thường được chủ đầu tư (CĐT) ảo bán theo hợp đồng (HĐ) thỏa thuận góp vốn, không cần thông qua Văn phòng công chứng cũng như Văn phòng Đăng ký đất đai.

Năm 2020 các cơ quan chức năng đã triệt phát hàng loạt vụ lừa đảo theo hình thức tài chính đa cấp, tiền ảo, hùn vốn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, thì hợp đồng hợp tác (HĐHT) và các loại HĐ biến tướng từ HĐHT không bắt buộc phải thực hiện công chứng theo quy định hiện hành. Do đó nếu xảy ra tranh chấp và HĐHT bị vô hiệu (theo Điều 122, 131, 408 BLDS 2015), các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, CĐT chỉ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu xác định gây ra lỗi (trong trường hợp này là CĐT biết trước hoặc phải biết DA không thực hiện được nhưng không thông báo cho bên khách hàng biết). Thông thường những phi vụ như vậy khi xảy ra, bao giờ khách hàng cũng là chủ thể bị thiệt hại kép, bởi để nhận được khoản tiền gốc của mình đã bỏ ra bị trượt giá, khách hàng còn trải qua quy trình tố tụng và thi hành án…

Để bít các kẻ hở trên, các chuyên gia kiến nghị các loại Hợp đồng hợp tác cần bắt buộc phải qua công chứng giống như các loại hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà ở; hợp đồng tặng cho, thế chấp, chuyển nhượng QSDĐ, QSHNO&TSKGLVĐ… mới có hiệu lực. Có như vậy mới hạn chế, ngăn chặn tình trạng chiếm dụng vốn, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích hoặc lừa đảo trong kinh doanh.

Không chỉ lừa đảo bất động sản nở rộ mà tình trạng lừa đảo đa cấp cũng tăng mạnh. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT-BVNTD, thuộc Bộ Công thương), thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án kinh doanh theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như: “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”… Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook, Zalo, Viber… Cục CT-BVNTD nhận định, tính chất rủi ro và đầy mạo hiểm.

Một hình thức lừa đảo khác cũng diễn biến phức tạp trong năm 2020 là “lừa đảo đa cấp”. Cơ quan chức năng đã triệt phát hàng loạt vụ lừa đảo theo hình thức tài chính đa cấp, tiền ảo, hùn vốn… Điển hình là vụ triệt phá ổ nhóm tài chính đa cấp và tiền ảo 1.000 tỷ đồng ở Thanh Hóa. Nhóm đối tượng thuê máy chủ tại Mỹ, lập website: Tradenew.io để lừa đảo chiếm đoạt, huy động vốn của nhà đầu tư bằng tiền ảo. Đã có 50 nạn nhân làm đơn tố giác nhóm đối tượng này. Đồng thời phát hiện tổng số tài khoản user đăng ký trên sàn Tradenew.io là 3.626 tài khoản với tổng số lượng tiền ảo USDT tương đương 1.089 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng nhận định, kinh doanh đa cấp đang biến tướng khá nhiều, kéo số lượng các cá nhân bị lừa đảo ngày càng nhiều, gây nhức nhối trong xã hội. Trong khi đó, khung hình phạt chưa bắt kịp với những chiều hướng biến tướng này. Cụ thể, việc áp dụng Điều 217a BLHS “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” để xử lý có vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, tại khoản 16, Điều 4 định nghĩa: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Theo định nghĩa này, các hoạt động huy động vốn nằm ngoài phạm vi “từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ”, do đó thiếu cơ sở pháp lý để xác định những hoạt động huy động vốn, bán cổ phần… là hoạt động kinh doanh, vì vậy các hoạt động này dù có tính chất đa cấp nhưng vẫn không thể kết luận là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tại khoản 1, Điều 4 quy định:“Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về những “trường hợp pháp luật có quy định khác”, từ đó gây khó khăn trong quá trình xác minh, xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động có tính chất đa cấp.

Từ cơ sở xem xét những vấn đề bất cập trên, kiến nghị các cơ quan có liên quan như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định pháp luật hiện hành, có hướng dẫn cụ thể để chủ động trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp.

Kiến nghị ban hành hướng dẫn cụ thể về xử lý trường hợp các doanh nghiệp có hoạt động huy động vốn nằm ngoài phạm vi từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường theo quy định tại khoản 16, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Mặt khác cần ban hành hướng dẫn chi tiết về những trường hợp pháp luật có quy định khác về đối tượng của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Việc này nhằm giúp cơ quan điều tra xác minh, xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn liên quan đến môi giới bảo hiểm, bất động sản, huy động vốn…

Thay lời kết

Để những “điểm nóng” kinh doanh 2020 không còn diễn biến phức tạp trong năm 2021, đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng bít các lỗ hổng của các chính sách pháp luật có liên quan, luật hóa các quy định chưa theo kịp phát triển kinh tế, để tạo ra môi trường kinh doanh an toàn tại Việt Nam.

Nguyễn Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Từ những “điểm nóng” kinh doanh 2020, kiến nghị “bịt” các lỗ hổng chính sách pháp luật" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin